Và đây có lẽ cũng là câu hỏi của bản thân mình khi cân nhắc lựa chọn phương pháp này. Để đi tìm câu trả lời cho bản thân, mình có nghiên cứu qua một số tài liệu nói về vấn đề này và trải nghiệm thực tế trên làn da của bản thân, mình có tổng hợp lại một vài ý và sẽ được trình bày chi tiết trong bài viết sau đây nhen.
1. Peel da hoá học là gì?
Peel da hoá học (Chemical Peel) có thể được định nghĩa là phương pháp tạo ra “vết thương có kiểm soát” trên da. Hay còn được hiểu là phương pháp dùng các hợp chất hoá học (AHA, BHA, Phenol, TCA, Retinol,..), có khả năng làm đứt gãy các liên kết của các tế bào cũ, đi sâu vào bên trong để sữa chữa, tái tạo lại các cấu trúc tế bào, thúc đẩy quá trình bong đi của tế bào cũ và giúp các lớp tế bào non được hình thành nhanh hơn.
2. Phân loại về peel da hoá học
Dựa vào mức độ sâu của peel da:
- Peel nông: Làm bong những lớp biểu bì phía trên mà không đi vượt quá lớp đáy thượng bì.
- Peel trung bình: Thay da bằng cách tác động sâu lên tầng biểu bì, thúc đẩy nhanh quá trình thay da.
- Peel sâu: Tác động đến tầng sâu hơn của da, và hỗ trợ tái tạo da từ tầng trung bì và có thể loại bỏ được sắc tố trên da như nám, tàn nhang hiệu quả hơn so với các loại peel khác, tuy nhiên tác dụng không mong muốn trên da sẽ nhiều và quá trình phục hồi cũng sẽ lâu hơn các phương pháp peel kể trên.
3. Hàng rào bảo vệ da và các dấu hiệu hàng rào bảo vệ da đang bị hư tổn
Hàng rào bảo vệ da thường được gọi là lớp biểu bì sừng, nằm ở lớp trên cùng của da. Đúng như tên gọi của nó, hàng rào này giúp bảo vệ da khỏi tình trạng mất nước và ngăn chặn sự xâm nhập của các tác nhân gây hại từ môi trường như vi khuẩn, nấm, và các tác nhân gây viêm nhiễm khác. Do đó, khi hàng rào bảo vệ da bị hỏng sẽ kéo theo hàng loạt các vấn đề về da, và một số các dấu hiệu cho thấy da đang hư tổn bao gồm:
-
Lỗ chân lông to
-
Da khô, dễ kích ứng
-
Da dễ lên mụn
-
Da dễ gặp tình trạng viêm hơn so với bình thường
4. Vậy câu hỏi đặt ra có phải lúc nào peel da hoá học cũng làm hỏng hàng rào bảo vệ da hay không?
Như đã đề cập ở phần định nghĩa về peel da, nghĩa là quá trình này làm đứt gãy liên kết giữa các tế bào cũ, thúc đẩy quá trình bong lớp sừng. Do đó, quá trình này có thể làm ảnh hưởng đến hàng rào bảo vệ da ở thời gian đầu sau khi peel.
Tuy nhiên, bạn đừng quá lo lắng vì tạo hoá đã ban cho làn da chức năng tự phục hồi khi mất đi hàng rào bảo vệ tự nhiên của da này bằng cách tăng chuyển hoá chất béo từ thể lỏng thành ceramide và chuyển lên lớp sừng, tăng cường tổng hơp NMF để giảm sự thất thoát nước qua da hay phản ứng miễn dịch để chống lại các yếu tố từ bên ngoài, dần dần vài ngày sau peel da sẽ được hồi phục lại.
Tuy nhiên, cái gì cũng có giới hạn của nó :)))) mình muốn đẹp, mình đầu tư peel da, thì mình cũng nên có trách nhiệm tí xíu với làn da sau tổn thương của mình chứ đúng hông?? Nên việc bổ sung các thành phần hỗ trợ cho da trong quá trình phục hồi này là vô cùng cần thiết. Giai đoạn này, mình hỗ trợ da bằng cách bổ sung một số các hoạt chất giúp hỗ trợ phục hồi da như dầu dưỡng (Bổ sung lipid cho da), hoặc các hoạt chất giúp cấp nước, làm dịu da như Vitamin B5, Allantoin, Bio Placenta, Cu Peptide,…
Quay lại vấn đề một chút xíu, liệu rằng peel da có làm ảnh hưởng đến hàng rào bảo vệ da vĩnh viễn hay không? Thì trong một nghiên cứu năm 2022 của Xinyi Shao và cộng sự, tại khoa da liễu, bệnh viện trực thuộc đầu tiên của đại học Y Trùng Khánh nghiên cứu về các cải thiện lâm sàng khi sử dụng SSA (Salicyclic acid siêu phân tử) với nồng độ 30%, sử dụng cách nhau mỗi 2 tuần trên 8 tuần ở người bị mụn trứng cá từ trung bình đến nặng.
Kết quả nghiên cứu cho thấy rằng, tất cả các bệnh nhân tham gia nghiên cứu đều có cải thiện khá đáng kể, độ pH của da và khả năng mất nước qua da giảm, cho thấy sự cải thiện hàng rào bảo vệ da so với da trước khi điều trị, giảm dấu ấn sinh học gây viêm, như IL-1a, IL-6, IL-17, TGF-β và TLR-2 và cân bằng lại hệ vi sinh vật trên da. Qua đó, mới thấy, peel da có thể giúp cải thiện chức năng hàng rào da hơn nếu được chỉ định sử dụng đúng tình trạng da, đúng liều lượng và khoảng cách giữa các lần peel.
Tuy nhiên, không phải lúc nào peel da cũng đem lại hiệu quả như ý muốn, peel da vẫn có thể đem đến một số các ảnh hưởng có hại trên làn da, làm ảnh hưởng đến hàng rào bảo vệ da thời gian dài nếu bạn chưa thật sự hiểu về peel, peel nồng độ quá cao, khoảng cách quá gần nhau, không cho da thời gian được phục hồi sau peel và không bảo vệ da sau peel sẽ dễ dẫn đến da của bạn chưa kịp khoẻ đã phải gồng mình lên chiến đấu tiếp, lớp hàng rào bảo vệ liên tục bị tổn thương dễ dẫn đến viêm nhiễm, da dễ bị tăng sắc tố và hàng loạt các vấn đề nghiêm trọng khác.
5. Kết luận
Tóm lại vấn đề là peel da vẫn luôn là phương pháp làm trẻ hoá làn da được ưa chuộng, cải thiện được nhiều vấn đề về da từ trước đến nay. Và điều quan trọng để peel da có hiệu quả cao, không làm hỏng các chức năng bảo vệ của da thì quan trọng hơn hết là hiểu rõ về peel da, các dấu hiệu có thể gặp phải sau khi peel, các biện pháp bảo vệ và phục hồi da sau peel.
Đối với mình hiện tại, mình không sử dụng hình thức peel da tại nhà (thật ra vẫn có các sản phẩm peel da tại nhà, nhẹ nhàng trên thị trường) nhưng tại mình nhát gan nên mình vẫn luôn giữ quan điểm peel ở những nơi thật sự uy tín, được thực hiện bởi bác sĩ có chuyên môn, qua đó mình cũng sẽ được hướng dẫn kĩ về cách chăm sóc da sau peel và sâu xa hơn nữa là nhỡ da có “đình công” thì mình còn kiếm bác sĩ mà khóc được nữa nè.
_____________
Bài viết thuộc quyền sở hữu của Hằng Võ và group Đồng Điệu. Đề nghị không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý của tác giả.
Bài viết độc lập, không được tài trợ bởi bất cứ nhãn hàng nào. Chỉ mang tính chất tham khảo. Không thể thay thế các nghiên cứu khoa học chính thống/hay lời khuyên y tế.
Discussion