“Bình thường thiếu ăn, nhưng có khách đến là phải làm bữa đàng hoàng đãi khách, còn mình nhịn cũng được” - đây là câu chuyện mà mình thường được nghe ông bà, cha mẹ kể về giai đoạn khó khăn ấy. Quan tâm, làm vui lòng người khác đã là điều chúng ta được dạy bảo từ nhỏ, bởi chúng ta sống trong nền văn hóa đề cao tính cộng đồng. Chuyện này đương nhiên là tốt, nhưng nếu nó dần trở nên vượt ngưỡng và gây nhiều trở ngại cho bản thân thì đã đến lúc cần nên xem lại. Liệu bạn có đang trở thành một people pleaser không?
Vậy “people pleaser” là gì? (và tại sao bạn không nên thế này mãi)
Theo từ điểm Cambridge, people pleaser là một người rất quan tâm đến việc người khác có thích mình hay không và luôn tìm kiếm sự chấp nhận từ người khác.
Khi nhu cầu được yêu thích bởi mọi người vượt lên cảm giác hài lòng với bản thân, khi liên tục đặt mong muốn của người khác lên trên nguyện vọng của chính mình, những people pleaser có thể phải đối mặt với tình trạng căng thẳng, tự ti, giận dữ (và thể hiện dưới dạng hung hăng thụ động), đánh mất bản sắc và cơ hội để phát triển bản thân. Thậm chí, trong khi cố gắng làm hài lòng người này, people pleaser đang gián tiếp gây hại người khác.
Làm thế nào để dung hòa?
Có rất nhiều cách được gợi ý từ các nhà tâm lý, nhưng với mình, đặt ra giới hạn là điều tối quan trọng. Đếm đến 3 và thay đổi - điều này đã giúp mình thoát khỏi việc miễn cưỡng đến những cuộc hẹn không mong muốn, hay gánh phần bài tập mà teammate không hoàn thành…
Bên cạnh đó, chấp nhận mâu thuẫn lành mạnh cũng là một cách hữu ích. Nếu cố gắng tránh tất cả mâu thuẫn, bạn sẽ tự “đầu độc” những mối quan hệ của mình bằng sự bất mãn ngấm ngầm.
Cuối cùng, bạn hoàn toàn có thể vừa yêu bản thân (mà không ích kỷ), vừa tử tế với người khác (mà không quên đi chính mình). Khi ngừng duy trì tư duy nhị nguyên, có lẽ bạn sẽ tự tìm được cách cho chính mình.
Discussion