Tiếp nối chủ đề về kháng kháng sinh hôm bữa, hôm nay Trang cũng đã vượt lười để nói tiếp về sự vụ mụn có sự tham gia của vi khuẩn kháng kháng sinh.

Hôm bữa Trang có nhận được một comment có đại ý: “[...] Kháng kháng sinh chỉ gây hại cho túi tiền của các nhà sản xuất thuốc chứ với sức khỏe người dùng chẳng ảnh hưởng đáng kể [...]”. 

Hmmmm  

Mỗi người một quan điểm nhưng có những con số biết nói. Trang muốn mở đầu bằng vài gạch đầu dòng về thực trạng kháng kháng sinh trên thế giới đã ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng thế nào:

  • Tỷ lệ tử vong cao do nhiễm trùng: Theo báo cáo Gánh nặng Bệnh tật Toàn cầu (GBD) năm 2019, có 1.3 triệu trường hợp tử vong mỗi năm do vi khuẩn kháng thuốc.
  • Kháng thuốc ở vi khuẩn phổ biến: Một nghiên cứu vào năm 2021 của Federica Giacometti và cộng sự trên 2 loài khuẩn phổ biến đã nhận thấy 81% mẫu khuẩn Salmonella spp. và 75% mẫu E.coli kháng ít nhất 1 loại kháng sinh, đồng thời khoảng 40 - 50% mẫu test cho thấy có khả năng đa kháng thuốc.
  • Kháng kháng sinh ở tụ cầu vàng Staphylococcus aureus: Một nghiên cứu từ tận năm 1989 bởi P.A.C. Maple và cộng sự về sự kháng kháng sinh của nhóm khuẩn này trên 21 quốc gia khác nhau cho thấy hơn 90% mẫu tụ cầu thu nhận kháng được với ít nhất 1 loại kháng sinh bất kỳ (gentamicin, tobramycin, netilmicin, amikacin, streptomycin hay erythromycin).
  • Kháng thuốc ở liên cầu khuẩn Streptococcus Group A: Tỷ lệ kháng erythromycin và tetracycline đang gia tăng. Từ tận năm 1998, khảo sát của Neeman R. và cộng sự đã chỉ ra hơn 30% trường hợp viêm amidan do nhóm khuẩn này được ghi nhận không còn đáp ứng điều trị với kháng sinh nữa.
  • Kháng kháng sinh ở C.acnes: C.acnes được phát hiện rằng đang ngày càng trở nên kháng với nhiều loại kháng sinh thường dùng trong điều trị mụn trứng cá. C.acnes kháng tetracycline, erythromycin, clindamycin đã và đang được ghi nhận trên toàn cầu. 

Theo một tổng hợp vào năm 1993 của Tiến sĩ vi sinh học Eady EA và cộng sự, trong số 171 mẫu bệnh phẩm chứa khuẩn C.acnes thì có đến 82 mẫu (tức khoảng 47.95%) kháng ít nhất 2 loại kháng sinh và 13 mẫu (tức 7.6%) kháng cùng lúc từ 3 loại kháng sinh trở lên. Các loại kháng sinh được khảo sát trong nghiên cứu đó gồm 5 loại: Trimethoprim, Erythromycin, Tetracycline, Doxycycline và Clindamycin. Toàn mấy loại thân thuộc mới đau chứ. Tiêu biểu, nổi nổi thì Trang thấy có Clindamycin trong tuýp Klenzit C hay Erythromycin trong tuýp Erylik nè.

Từ năm 1993 đến giờ thì cũng 32 năm rồi đó ae, chả biết tụi C.acnes này đã tiến hoá đến cỡ nào rồi nữa. Một nghiên cứu khác của Hans B. Lomholt và Mogens Kilian vào năm 2014 đã cho thấy hơn 70% trong số 350 mẫu C.acnes lấy từ người bị mụn đến từ nhiều quốc gia cho thấy khả năng kháng đồng thời cả Erythromycin và Clindamycin. Đồng thời, nghiên cứu này còn chỉ ra, mỗi tình nguyện viên mang không chỉ 1, mà có thể cùng lúc lên đến 6 chủng C.acnes kháng đa dạng các loại kháng sinh khác nhau.

Hôm rồi livestream với @bác sĩ Đỗ Thành, ảnh nói một câu mà Trang tâm đắc:

“Kháng sinh là một công cụ đắc lực trong điều trị miễn trùng. Trong những giây phút sinh tử mà kháng kháng sinh thì xem như chúng ta mất đi một công cụ đồng nghĩa mất đi cơ hội điều trị”.  

Việc kháng thuốc tất nhiên sẽ khiến các nhà sản xuất dược phẩm phải đầu tư nhiều hơn vào nghiên cứu và phát triển các loại kháng sinh mới. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là sức khỏe của người dùng không bị ảnh hưởng. Một khi sự kháng kháng sinh đã trở nên quá bành trướng, nhân loại sẽ bước vào kỷ nguyên “hậu kháng sinh”, khi mà ngay cả những bệnh nhiễm trùng nhỏ nhất cũng có thể trở nên nguy hiểm đến tính mạng vì không có thuốc điều trị hiệu quả.

Sở dĩ Trang vẫn mở đầu bằng bức tranh toàn cảnh về kháng kháng sinh vì Trang muốn nhấn mạnh việc kháng kháng sinh liên quan đến cả vấn đề sinh tử mà chúng ta cần hết sức thận trọng, chứ không chỉ riêng gì trong việc trị mụn mới quan tâm. 

Ờ mà nó vẫn cứ “dính líu” với nhau. Tỉ dụ bạn dùng kháng sinh quá đà trong quá trình điều trị bệnh nào đó, đến khi lên mụn, mụn của bạn cũng có thể dễ bị kháng kháng sinh. Và ngược lại. Thậm chí bạn không dùng kháng sinh loạn xì ngầu nhưng vì ăn uống các thực phẩm có tồn dư kháng sinh, bạn cũng có nguy cơ xui rủi ăn sái nên trị mụn mà dùng kháng sinh mãi vẫn chẳng đáp ứng. 

Trong phạm vi nội dung hôm nay Trang sẽ tập trung nói vào mụn kháng kháng sinh luôn. Hy vọng nó giúp bạn “biết đường mà liệu” cho cả chuyện mụn và chuyện sức khỏe. 

Khác biệt giữa mụn trứng cá bình thường và dạng kháng kháng sinh

Trước khi đi sâu vào chủ đề mụn kháng kháng sinh, ae cần nắm rõ bản chất của mụn trứng cá là gì và nó bắt nguồn từ đâu. Theo định nghĩa được công nhận chính thức trong giới da liễu, mụn trứng cá (tên khoa học: acne vulgaris, thường gọi tắt là mụn) là một bệnh lý viêm nang lông tuyến bã mãn tính, ảnh hưởng đến da do nhiều yếu tố kết hợp.

Dù là mụn thông thường hay mụn kháng kháng sinh, cả hai đều xuất phát từ bốn yếu tố cốt lõi:

  • Vi khuẩn C.acnes: Loại vi khuẩn sinh sống trong nang lông, đóng vai trò chủ đạo trong quá trình viêm trong tổn thương mụn.
  • Tăng tiết bã nhờn: Lượng dầu trong nang lông tăng quá mức/ ứ đọng, tạo môi trường thuận lợi cho sự hình thành mụn.
  • Dày sừng cổ nang lông: Tế bào chết tích tụ, tạo “nút thắt”, làm tắc nghẽn lỗ chân lông.
  • Sự khởi phát viêm: Phản ứng viêm xảy ra khi có sự tham gia của các tế bào thuộc hệ miễn dịch.

Thông thường, ae hay nghĩ về mụn theo một trình tự quen thuộc: bắt đầu từ mụn chưa viêm (như mụn đầu trắng, mụn đầu đen) rồi tiến triển thành mụn viêm. Bã nhờn và dày sừng cổ nang lông sẽ được hiểu là nhân tố đóng vai trò khởi đầu, sau đó vi khuẩn C.acnes và phản ứng viêm mới nhập cuộc. 

Nhưng với mụn kháng kháng sinh - chủ đề chính của bài viết này - ae có thể “tư duy ngược” một chút. Điểm khác biệt cốt lõi nằm ở chính vi khuẩn C.acnes, khi chúng trở nên kháng thuốc, làm thay đổi cách tiếp cận vấn đề so với mụn thông thường.

Như vậy, có thể định nghĩa một cách dễ hiểu từ cơ sở khái niệm mụn trứng cá như sau: “Mụn kháng kháng sinh” là một kiểu mụn trứng cá, có tính chất mãn tính và có sự tham gia của vi khuẩn C.acnes có khả năng kháng một loại hoặc nhiều hơn một loại kháng sinh (không thuộc các nhóm kháng sinh mà C.acnes có khả năng kháng tự nhiên vì không ai dùng nó để trị mụn, Trang sẽ bàn kỹ thêm ở dưới ha).

Yếu tố số I. Vi khuẩn C.acnes - Yếu tố khác biệt căn bản của mụn kháng kháng sinh

1. Cấu tạo tế bào và lối sống của C.acnes từ lúc “bình thường” đến kháng kháng sinh 

Ae chú ý, phần này rất quan trọng nha. Vì hiểu được cấu tạo của nó thế nào chúng ta dễ hình dung được phương thức hoạt động của nó (đặc biệt là trong việc gây kháng kháng sinh). Nhằm phân định được C.acnes kháng kháng sinh khác thế nào so với C.acnes “bình thường” nói riêng và so với các loại sinh vật khác nói chung. 

Để nắm tổng quát về tất cả kiểu kháng kháng sinh chung thì ae đọc lại phần 1 ha.  Link

Rồi, ở đoạn này, Trang cũng sẽ không nhắc quá sâu về cơ chế kháng kháng sinh. Chỉ điểm nhẹ khi nó có liên quan đến phần cấu tạo cụ thể nào đó của C.acnes.  

a. Về hình dạng, kích thước

C.acnes là một vi khuẩn Gram Dương thuộc ngành Actinobacteria, có hình que (rod-shaped), với kích thước dao động từ 0.5 - 1.5 μm chiều rộng và 1 - 5 μm chiều dài, thường xuất hiện đơn lẻ hoặc thành chuỗi ngắn. Để dễ hình dung, một nhà tóen học 5 phẩy nào đó đã tính toán, tiết diện của C.acnes nhỏ gấp khoảng 1283 lần diện tích mặt cắt của cọng tóc đấy ae.

b. Về cấu tạo tế bào

Vách tế bào

Cấu trúc dày, chứa nhiều peptidoglycan, meso-diaminopimelic acid (m-DAP - thường xuất hiện ở những vị trí đặc biệt trong cấu trúc peptidoglycan, tham gia vào việc liên kết các phân tử glycan với nhau để tạo thành mạng lưới chắc chắn và bền vững, có thể ảnh hưởng đến khả năng tạo màng sinh học và khả năng bám dính của vi khuẩn) giúp giữ vững hình dạng và bảo vệ tế bào vi khuẩn khỏi các tác động môi trường. 

Thông thường, vách tế bào của vi khuẩn Gram Dương hay gặp sẽ thường có peptidoglycan với L-lysine và teichoic acid, trong khi vi khuẩn Gram Âm có m-DAP. Tuy nhiên, C.acnes, dù bản chất là Gram Dương, lại có m-DAP. 

→ Lớp thành peptidoglycan dày là đặc điểm nổi bật của C.acnes, không chỉ cung cấp độ cứng mà còn góp phần vào khả năng kháng lại các yếu tố môi trường bất lợi như khi thay đổi áp suất thẩm thấu (như một bộ khung giúp “định hình” tế bào; nếu lỡ có sự thay đổi về nồng độ muối ở trong hay ngoài màng thì tế bào khuẩn cũng không đến mức phải “ứ nước” và vỡ ra) hay ngăn cản sự xâm nhập của một vài loại kháng sinh có kích thước lớn và tích điện (còn gọi là một kiểu cơ chế “miễn nhiễm” tự nhiên - đơn cử như ở trường hợp của Aminoglycoside, với bản chất là nhóm kháng sinh có nguồn gốc amino acid (có chứa gốc amin NH3+ tích điện dương), được gắn thêm đường, khiến cho phân tử này thêm phần cồng kềnh. Do đó, bản chất cấu trúc dạng lưới đan xen dày đặc và trơ của lớp peptidoglycan sẽ gây cản trở ngăn cản sự xâm nhập của kháng sinh Aminoglycoside). Lát Trang nói kỹ hơn.

Hơn nữa, thành phần vách tế bào của C.acnes có thể ảnh hưởng đến cách vi khuẩn tương tác với hệ miễn dịch và phản ứng với các tác nhân kháng khuẩn. VD: m-DAP có thể kích hoạt các thụ thể miễn dịch như NOD2, đóng vai trò trong sự kích viêm, đặc biệt trong bệnh cảnh của mụn trứng cá.

Khác với 1 số vi khuẩn, C.acnes không có vỏ capsule (tức là  “lớp nhớt” - polysaccharide bên ngoài, có vai trò tựa như ma trận ngoại bào ở tế bào người), điều này khiến việc tạo màng sinh học trở thành cơ chế bảo vệ chính của chúng. 

Màng tế bào (khác với màng sinh học ngheng)

Nằm bao quanh bên dưới vách tế bào, chứa các protein, lipid màng và enzyme cần thiết cho các hoạt động sinh học của C.acnes. Đây cũng chính là nơi tiết ra một nhóm các yếu tố độc lực của C.acnes để gây mụn. 

Hiểu đơn giản yếu tố độc lực là (virulence factor -  là các đặc tính hoặc yếu tố sinh học mà một vi sinh vật, đặc biệt là vi khuẩn hoặc virus, sử dụng để gây bệnh và xâm nhập vào cơ thể vật chủ, tránh né hệ miễn dịch của vật chủ, tấn công mô của cơ thể và sinh sôi trong môi trường sinh lý của vật chủ)

Các chủng khuẩn khác nhau sẽ có mức độ tiết độc lực khác nhau (Trang sẽ nói chi tiết ở dưới). 

Sự có hay không, mạnh hay yếu của các yếu tố độc lực này cũng ảnh hưởng đến khả năng kháng kháng sinh của vi khuẩn

  • Độc lực ảnh hưởng gián tiếp đến kháng kháng sinh: Các chủng C.acnes gây mụn trứng cá nặng thường sở hữu nhiều yếu tố độc lực, dẫn đến phản ứng viêm mạnh mẽ hơn. Điều này thúc đẩy việc sử dụng kháng sinh kéo dài để điều trị mụn. Việc lạm dụng kháng sinh tạo ra áp lực chọn lọc. Tưởng tượng khi kháng sinh được sử dụng quá nhiều, giống như việc đội lính đặc nhiệm C.acnes phải xuất hiện và chiến đấu liên tục, những vi khuẩn mạnh mẽ, có khả năng “phản pháo” sẽ sống sót và tiến bộ, trong khi những vi khuẩn không kháng “yếu đuối” hơn, không có khả năng kháng lại kháng sinh, sẽ dần bị tiu ziệt.

Tóm lại, độc lực càng mạnh, mụn càng nặng thì phải xài càng nhiều thuốc, nên tăng nguy cơ kháng thuốc. Các nghiên cứu cũng chỉ ra chủng vi khuẩn có độc lực nhiều thường kháng thuốc nhiều.

  • Độc lực ảnh hưởng trực tiếp đến kháng kháng sinh: Ở các dòng khuẩn phổ biến khác như E.coli hay S.aureus, gen quy định yếu tố độc lực và gen kháng kháng sinh thường có hiện tượng di truyền cùng nhau trong các “thể mang” gọi là plasmid hoặc transposon. Hiện tượng này khiến gen độc lực và gen kháng kháng sinh dễ dàng được cùng nhau “lây lan” cho cả đám vi khuẩn lân cận trong thời gian ngắn nhờ di truyền ngang. Hiện tượng này tuy chưa được ghi nhận ở C.acnes, nhưng không gì đảm bảo rằng nó sẽ không diễn ra trong tương lai, nếu kháng sinh vẫn còn tiếp tục bị dùng vô tội vạ.

Nội bào

Chứa các vật chất di truyền liên quan đến sự phát triển và sinh sản của C.acnes, cũng như một số bào quan cơ bản khác. Là một vi khuẩn aka. sinh vật nhân sơ ( trong “nguyên sơ, sơ khởi”; có thể hiểu nhân sơ là tế bào có dạng nhân ở mức sơ khai, chưa hoàn chỉnh), C.acnes không có các bào quan phức tạp như ti thể hay lục lạp.

Điều này lại mang lại vô vàn lợi ích cho C.acnes trong quá trình sinh tồn cũng như kháng kháng sinh:

  • Đẻ nhiều đẻ nhanh (hơn tế bào nhân thực): Vi khuẩn nhân sơ có cơ chế phân chia tế bào đơn giản và nhanh chóng (nhân đôi mỗi 5.1h ở C.acnes và mỗi 24 - 48h ở tế bào da người), giúp nhanh chóng tích lũy các đột biến, trong đó có các đột biến có thể tạo ra khả năng kháng kháng sinh. Điều này đồng nghĩa với việc dưới áp lực chọn lọc từ kháng sinh, các biến thể kháng có thể nhanh chóng được nhân lên và lan truyền.
  • Do không có các bào quan phức tạp, vi khuẩn dễ dàng điều chỉnh cấu trúc của các thành phần như màng tế bào và vách tế bào để giảm sự thâm nhập của kháng sinh.

Vật chất di truyền của C.acnes, như bao con khuẩn khác, bao gồm:

  • DNA chính: thường tồn tại ở dạng một vòng đơn (circular DNA) và được cấu tạo từ phân tử DNA đôi sợi. 
  • Plasmid: Ngoài DNA chính, một số chủng của C. acnes có thể mang thêm các plasmid. Plasmid là những phân tử DNA nhỏ, độc lập với DNA chính và có thể chứa các gen liên quan đến kháng kháng sinh, yếu tố độc lực hoặc các chức năng đặc biệt khác. Việc có plasmid giúp vi khuẩn có khả năng chuyển đổi gene (horizontal gene transfer) nhanh chóng, từ đó tăng khả năng thích nghi và kháng lại các tác nhân điều trị.

Một yếu tố nữa phải nhắc đến là Ribosome. Đây là sản phẩm được tổng hợp dựa trên thông tin từ DNA. Có vai trò như thông dịch viên, dịch các thông tin từ DNA để từ đó tạo nên quá trình tổng hợp protein (yếu tố cần thiết cho sự sống và các hoạt động sinh học của vi khuẩn)

Ribosome của C.acnes cũng là một trong những mục tiêu chính của nhiều loại kháng sinh. Sự khác biệt cấu trúc giữa ribosome của vi khuẩn (70S) và tế bào nhân thực (80S) cho phép các loại kháng sinh như tetracycline, macrolide hay aminoglycoside tác động chọn lọc vào ribosome của vi khuẩn mà không ảnh hưởng nhiều đến tế bào người. 

→ Và điều đó cũng có nghĩa chỉ cần vi khuẩn thay đổi cấu trúc của ribosome là thuốc kháng sinh oánh nhầm chỗ ngay. Thế là kháng kháng sinh, đúng là cái bọn tinh ranh. 

Tuy nhiên, C.acnes lại hơi “khác loài” so với các loại vi khuẩn khác ở một loại enzyme tên là isoleucyl-tRNA synthetase (IleRS) - loại enzyme chịu trách nhiệm gắn amino acid isoleucine vào phân tử tRNA mang đặc hiệu và mang đến ribosome để tổng hợp protein. 

Có thể ví IleRS giống như một “công nhân bốc xếp” trong một nhà máy sản xuất protein. Nhiệm vụ của công nhân này là “gắn” isoleucine (một amino acid) vào một “biên nhận” đặc biệt gọi là tRNA, rồi đưa “biên nhận” này cùng với isoleucine vào trong “nhà máy sản xuất protein” ribosome để hoàn thành quá trình sản xuất protein.

Tuy nhiên, ở C.acnes, enzyme IleRS có một “hình dáng” hơi khác so với những vi khuẩn khác như Staphylococcus aureus. Cấu trúc của enzyme này ở C.acnes có một số điểm biến đổi, làm cho kháng sinh mupirocin (một kháng sinh nhắm vào enzyme này) không thể “khớp” tốt với enzyme, khiến nó không thể ngừng hoạt động của enzyme một cách hiệu quả, làm cho thuốc ít hiệu quả hơn trong việc tiêu diệt vi khuẩn.

c. Về lối sống và cách sống

C.acnes không có thói quen đi vòng vòng, không di động mấy do không có lông roi (flagella), thích nghi với lối sống cố định trong môi trường nang lông (bởi vậy nó hay là đứa đầu têu trong việc phá hủy nang lông, gây sẹo). 

C.acnes phát triển tối ưu trong điều kiện thiếu oxy (microaerophilic), trao đổi chất chậm rãi nên hợp với lối sống chui rúc, lẩn tránh hơn, chẳng hạn như bên trong nang lông bị tắc giàu lipid bã nhờn (đặc biệt là “lipid bị hỏng”), mà ít khi tồn tại trực tiếp trên bề mặt da → Trao đổi chất chậm và hay “trốn” cũng là một yếu tố quan trọng, làm giảm hiệu quả của các kháng sinh nhắm vào vi khuẩn phân chia nhanh hơn so với C.acnes (nếu dùng để diệt khuẩn C.acnes) (VD: Các loại kháng sinh ảnh hưởng đến nhân đôi DNA và tổng hợp protein sẽ ảnh hưởng mạnh hơn đến các loại khuẩn trao đổi chất nhanh, phân chia nhanh như S.aureus - tụi này nhân đôi chỉ tốn 24p thôi ae).

Nhiệt độ lý tưởng của chúng là khoảng 37°C, trùng với nhiệt độ cơ thể người; đồng thời thích nghi tốt với pH da (khoảng 5.5 - 6.5). Tuy nhiên, bên trong lỗ chân lông, nơi C. acnes tập trung nhiều hơn, pH có thể hơi cao hơn, thường từ khoảng 6.0 đến 7.0. 

→ An cư lạc nghiệp (lối sống cố định) lại còn gặp thiên thời - địa lợi (nhiệt độ, pH lý tưởng) tạo điều kiện thuận lợi để khởi phát tín hiệu tạo màng sinh học kháng kháng sinh. Khi một cộng đồng C.acnes “sinh đẻ” tại chỗ, không biết đi đâu và đạt số lượng đủ nhiều, tín hiệu tạo màng sinh học sẽ được khởi phát. Y như kiểu một khu nhà có quá nhiều người ở thì họ sẽ tự động hùn hạp để xây chung cư vậy.

2. Phân loại các chủng C.acnes - Đâu là chủng gây mụn kháng kháng sinh nhiều nhất?

Thiệt đi đâu cũng C.acnes gây mụn. Không chỉ mụn trứng cá “bình thường” mà cả mụn trứng cá kháng kháng sinh. (Ở khúc trên để tóm gọn thì Trang cũng có truyền thông bửn về C.acnes như vậy). C.acnes kiểu okie “tao họ tôn”. 

Phải đính chính cho C.acnes tí. Không phải con C.acnes nào cũng giống nhau. Các nhà khoa học phân loại chúng thành nhiều chủng khác nhau: IA1, IA2, IB, IC, II và III. Mỗi chủng này có những đặc điểm di truyền riêng, nên mức độ gây mụn cũng khác nhau. Có chủng thì “hiền” hơn, có chủng thì “dữ” hơn. Có chủng thì kháng kháng sinh bạo, có chủng thì không. 

Việc phân chủng này cũng dần giúp chúng ta có những giải pháp đặc hiệu hơn, tập trung nhiều vào chủng “báo thủ”. 

Có một sự thật mà ae có thể chưa để ý: Mật độ C.acnes trong nang lông của bệnh nhân mụn và người khỏe mạnh là gần như tương đương (87% so với 89%) hoặc thậm chí có thể hơi cao hơn ở người khỏe mạnh (89% so với 94%). Mặc dù số lượng C.acnes không khác nhau giữa hai nhóm, nhưng tỉ lệ các chủng lại có sự khác nhau.

Trong khi chủng IA1 có mối liên hệ mật thiết với các tổn thương viêm nặng, các chủng khác như IA2 và IB cũng xuất hiện nhưng ở mức độ “thưa” hơn. Ngược lại, các chủng II và III thường được tìm thấy trên da không viêm hoặc các vùng da khỏe mạnh.

Trong một nghiên cứu vào năm 2010, Lomholt và Kilian đã phân tích 210 mẫu bệnh phẩm chứa C.acnes từ da của người khỏe mạnh, bệnh nhân mụn trứng cá ở mức độ khác nhau và các bệnh nhiễm trùng khác. Kết quả cho thấy, các chủng C.acnes thuộc nhóm IA (đặc biệt là chủng IA1) có mối liên hệ mạnh với mụn trứng cá mức độ trung bình đến nặng, trong khi các nhóm IB, II và III thường gặp ở nền da khỏe mạnh hoặc ở các case hiếm về nhiễm trùng mô sâu cơ hội.

a. Chủng IA1

Chủng IA1 được công nhận là chủng có độc lực cao nhất trong số các chủng C.acnes. Nhờ vào biểu hiện mạnh mẽ của các yếu tố gây độc lực, cụ thể như:

+ Enzyme lipase giúp phân giải bã nhờn tạo thức ăn cho vi khuẩn (ít nhất 12 loại lipase khác nhau đã được tìm thấy)

+ Yếu tố CAMP (viết tắt của cụm Christine Atkins Munch-Petersen), chủ yếu là CAMP1 đóng vai trò quan trọng trong khả năng kích viêm. Yếu tố CAMP ở các dòng khuẩn khác có khả năng gây ly giải tế bào và hoại tử mô người.Tuy nhiên CAMP1 ở C.acnes đã chấp nhận bị “giảm sức mạnh”, chỉ còn ở mức kích viêm → Giả thiết “tiến hoá hoà hợp” (co-evolution): Vi sinh vật ký sinh không còn gây hại nghiêm trọng cho vật chủ như ban đầu, mà chuyển sang duy trì sự sống của vật chủ một cách lâu dài để có thể tiếp tục sinh sản và truyền nhiễm. Từ từ, chậm rãi, dai dẳng…

+ Tổ hợp các loại enzyme phân giải từa lưa thành phần của mô để giúp khuẩn tăng bám dính và xâm nhập, cũng như góp phần kích viêm (như hyaluronidase, neuraminidase, endoglycoceramidase…)

+ Các protein đề kháng nhiệt, đóng vai trò tăng sức chống chịu của vi khuẩn trước bất lợi môi trường

+ Và các protein bề mặt để giúp vi khuẩn tăng bám dính hoặc có thể di động đây đó một chút (tiêu biểu như các protein adhesin, sortase F, DsA1, cấu trúc pili và fimbriae). Một nghiên cứu vào năm 2002 của U. Jappe và cộng sự còn đưa ra một giả thiết “chấn động” rằng có vẻ trên C.acnes còn tồn tại một loại protein bề mặt nữa có khả năng làm cho hệ miễn dịch “phát rồ” một cách không kiểm soát - gọi là “siêu kháng nguyên” (superantigen). Tuy nhiên, do giới hạn về công nghệ tại thời điểm đó nên nhóm nghiên cứu vẫn chưa xác định được cụ thể “siêu kháng nguyên” đó là phân tử hay cấu trúc nào.   

Do các độc lực trên, chủng IA1 có khả năng kích hoạt các con đường tín hiệu viêm như NF-κB và MAPK một cách tối ưu. Điều này dẫn đến sản xuất dồi dào cytokine tiền viêm, góp phần tạo nên phản ứng viêm dữ dội trong nang lông. Sự hiện diện trội của chủng này liên quan đến các tổn thương mụn viêm nghiêm trọng, nơi mà sự phá hủy cấu trúc nang và sự tập trung của tế bào miễn dịch tạo thành một môi trường thuận lợi cho tiến trình sinh bệnh của mụn trứng cá.

Hơn nữa, porphyrin do C.acnes sản xuất có thể gây viêm và tăng độ nghiêm trọng của mụn bằng cách làm tăng các chất gây viêm và độc tế bào. Các chủng IA1 có khả năng sản xuất nhiều porphyrin hơn các chủng II ở da khỏe mạnh. 

Porphyrin như là một “chiếc giỏ” phân tử, được thiết kế để chứa và gắn kết với các kim loại như sắt hoặc magie. Cấu trúc của porphyrin khiến cho nó có khả năng “bắt sáng” (nhất là với tia UV) rồi giải phóng lại năng lượng đó ra xung quanh, tạo ra các gốc tự do oxy. Điều này có thể gây tổn thương trực tiếp đến tế bào sừng, tế bào bã nhờn cũng như làm tăng quá trình sản xuất các chất gây oxy hoá như squalene peroxide, một loại lipid gây viêm. 

Trang cũng nhắc về squalene peroxide nhiều lần trong bài về chất lượng bã nhờn, ae có thể xem lại: (LINK)

Ngoài ra, porphyrin còn kích thích sự sản xuất cytokine gây viêm IL-8 và tín hiệu viêm prostaglandin E2 từ tế bào sừng. Đây là các chất trung gian trong các phản ứng viêm và miễn dịch. 

Thường sẽ có những gen điều hòa, calm down lại khả năng gây viêm. Như gen deoR ở chủng II, nhưng xu là chủng IA1 không có. Gen deoR có thể ức chế sự sản xuất porphyrin. Nếu gen này hiện diện, như trong chủng II, phản ứng viêm sẽ giảm bớt. Ngược lại, ở chủng IA1, khi không có gen deoR, C.acnes sẽ sản xuất nhiều porphyrin, làm tăng cường các phản ứng viêm.

→ Chủng IA (đặc biệt là IA1) là chủng được nghiên cứu nhiều nhất liên quan đến kháng kháng sinh, với tỷ lệ kháng cao đối với các kháng sinh phổ biến như erythromycin, clindamycin và moxifloxacin. Các kiểu kháng Clindamycin và Moxifloxacin chỉ được quan sát thấy ở chủng IA1 và IA2. Hơn nữa, ba nhóm C.acnes kháng đa thuốc (MDR - Multidrug resistance) đã được xác định là hai nhóm thuộc chủng IA1 và một nhóm thuộc chủng IA2. Điều này có thể do IA, nhất là IA1, thường xuất hiện trong các trường hợp mụn nặng, dẫn đến việc có thể phải sử dụng kháng sinh nhiều hơn, tạo áp lực chọn lọc cho sự kháng thuốc (như Trang nói ở trên). 

Ngoài ra, IA1 có khả năng hình thành màng sinh học cao hơn, giúp vi khuẩn bảo vệ khỏi kháng sinh và chứa nhiều plasmid mang gen kháng thuốc, làm tăng khả năng phát triển kháng kháng sinh.

b. Chủng IA2 và IB

Các chủng IA2 và IB biểu hiện ở mức độ độc lực ở mức trung bình (so với tụi IA1). Sự khác biệt ở đây nằm ở mức độ biểu hiện của các gene liên quan đến yếu tố gây độc và cấu trúc protein bề mặt, dẫn đến khả năng kích hoạt các thụ thể nhận diện mẫu trên tế bào da (như TLR2/ TLR4) kém hơn. Thụ thể nhận diện mẫu như những ông lính canh cổng có mấy “mẫu” giấy truy nã. Đứa nào trông khớp khớp hay số lượng đông đông quá mức bình thường là mấy ổng sẽ la làng lên liền. Kết quả là, các con đường tín hiệu viêm như NF-κB và MAPK được kích hoạt ở mức vừa phải, dẫn đến sản xuất cytokine tiền viêm ở mức độ trung bình. Điều này góp phần vào quá trình hình thành mụn nhưng thường đi kèm với phản ứng viêm nhẹ hơn so với các trường hợp do chủng IA1 gây ra.

#Noted: Một số tài liệu Trang đọc còn thấy họ chia nhỏ chủng IB ra thành phân chủng IB1, IB2 và IB3 nữa. Để nào Trang nghiên cứu thêm rồi add-in với ae.

→ Chủng IA2, tuy độc lực không bằng chủng IA1 nhưng do thường chung sống với IA1 nên cũng chịu phần nào áp lực chọn lọc bằng kháng sinh tương đương, dẫn đến khả năng kháng kháng sinh tương tự như IA1 (trên cả clindamycin, erythromycin và moxifloxacin).

Cụ thể hơn, một báo cáo của Yang và cộng sự vào năm 2019 phân tích trên 63 chủng C.acnes từ bệnh nhân mụn trứng cá tại bệnh viện Huashan, Thượng Hải, từ tháng 10/2016 đến tháng 3/2017 cho thấy: Trung bình trong một nhân mụn trứng cá điển hình, chủng IA1 sẽ chiếm khoảng 68.3% số khuẩn được tìm thấy, IA2 sẽ khoảng 17.5% và phần còn lại sẽ thuộc về các chủng khác. Tỷ lệ kháng kháng sinh giữa hai chủng này thường sẽ gần tương đương nhau (như clindamycin: kháng 32.6% ở chủng IA1 và 36.4% ở chủng IA2).

c. Chủng IC

Mặc dù được phân loại trong nhóm IA, chủng IC cho thấy đặc tính độc lực khá thấp. Các biến thể di truyền trong chủng IC có thể dẫn đến sự thay đổi về cấu trúc bề mặt của vi khuẩn và giảm khả năng biểu hiện các yếu tố kích hoạt viêm chủ chốt (tiêu biểu có DsA1). Do đó, chủng IC kích hoạt các con đường tín hiệu như NF-κB và MAPK với cường độ khiêm tốn hơn, làm giảm mức độ sản xuất cytokine tiền viêm. Hệ quả là các tổn thương mụn liên quan đến chủng IC (nếu có) thường có dấu hiệu viêm nhẹ hoặc không phát triển thành các tổn thương viêm nặng, cho thấy mối liên hệ yếu hơn giữa IC và diễn tiến viêm trong mụn trứng cá.

→ Trang không tìm được tài liệu nào cụ thể đánh giá, nghiên cứu về việc kháng kháng sinh của chủng này. Cũng hợp lý với chế độ sinh hoạt của nó.

d. Chủng II và III

Các chủng II và III thường được phát hiện nhiều trên da khỏe mạnh hoặc trong các trường hợp mụn ít viêm, do khả năng biểu hiện yếu của các yếu tố độc lực. 

Sự hiện diện của các gene liên quan đến enzyme phân hủy lipid, yếu tố CAMP và các protein bề mặt kích hoạt viêm là rất hạn chế, dẫn đến tương tác kém hiệu quả với các thụ thể nhận diện mẫu trên tế bào da. Giống như kiểu mấy tên trộm vặt, đến cả cây gậy cũng không có thì mấy ông quan tuần cũng chả thèm bắt làm gì. Ở tù chi cho thêm chật chỗ :))) Kết quả là sự kích hoạt của các con đường viêm như NF-κB và MAPK bị hạn chế, giúp duy trì trạng thái cân bằng vi sinh và giảm thiểu phản ứng viêm. Điều này cho thấy rằng các chủng II và III không phải là nhân tố chủ đạo gây ra viêm, mà có thể đóng vai trò như một phần của hệ vi sinh ổn định trên da.

→ Trong chuyện kháng kháng sinh bọn này cũng không phải “dân máo mặt”. Trang cũng chưa thấy nghiên cứu nào chỉ ra cụ thể. 

Tuy nhiên, cũng phải đề phòng với tất cả các chủng.

Trang đọc có một nghiên cứu ứng dụng giải trình tự protein vào năm 2017 bởi Nazipi S. và cộng sự đã nhận thấy, ở chủng IB và II lại xuất hiện một yếu tố độc lực nữa ít khi được nhắc đến, chính là sự hiện diện của hyaluronidase (HYL, tức enzyme phân giải hyaluronic acid - một thành phần có nhiều tại môi trường ngoại bào và lớp trung bì của da). 

Đội nghiên cứu đã chỉ ra HYL ở C.acnes gồm 2 phân nhóm chính: HYL thuộc chủng IB/II có hoạt tính cao và HYL thuộc các chủng IA có hoạt tính thấp hơn. Điều này có thể đưa đến giả thiết rằng, mặc dù không kích viêm nặng nề như chủng IA1, sự bội nhiễm tại vùng bị mụn với chủng IB và II có thể làm tăng cường khả năng “ăn sâu” và “lan rộng” của ổ viêm. Có thể nói, chủng IB và II hỗ trợ để làm tăng độc lực của IA1, kéo theo nguy cơ lạm dụng kháng sinh tại chỗ và phát sinh kháng thuốc.

Tạm hết tập 1. Ae đón chờ tập 2 nghen, Trang dự kiến sẽ lên sóng vào tuần sau!

Thông tin liên hệ

Fanpage: https://www.facebook.com/latrang.co

Tiktok: https://www.tiktok.com/@latrang.co

Instagram: https://www.instagram.com/latrang.co/

Twins Skin Vietnam: https://www.facebook.com/twinsskin.vn

Trong Vietnam: https://www.facebook.com/profile.php?id=61568318274438


Bài viết được thực hiện bởi Là Trang và team cộng sự. Thuộc quyền sở hữu của Là Trang và group Đồng Điệu (Sống đơn thuần - Đẹp đơn giản). Đề nghị không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý của tác giả.