Đây là vấn đề mà Bích muốn chia sẻ với các bạn từ rất lâu, mà đọc tài liệu về chủ đề này thấy quá nhiều thuật ngữ chuyên ngành, lại có phần khó hiểu nên cứ chần chừ không biết diễn đạt sao để dễ hiểu nhất có thể. Tuy nhiên, có trời mới cản được mình, nên Bích hy vọng với vốn kiến thức ích ỏi đi cùng sự hề hước của mình, sẽ diễn đạt vấn đề này dễ hiểu nhất có thể. Ok vào việc…Có kha khá nghiên cứu xoay quanh vấn đề trục não - ruột - da. Từ đó mà có phương pháp bổ sung probiotics vào chế độ ăn uống nhằm giữ cho hệ vi sinh vật trên da luôn được kiểm soát. Tuy nhiên trước lúc đi sâu vào vấn đề dùng Probiotic trong điều trị mụn trứng cá, thì chúng ta cần nắm bắt nguyên nhân sâu xa rằng, cớ sao, đang yên ổn thì chúng ta bị mụn trứng cá. Gây ra mụn trứng cá có 4 cơ chế phổ biến sau:

  • 1 là sừng hoá nang lông
  • 2 là tuyến bã nhờn hoạt động mạnh
  • 3 là sự phát triển quá mức của vi khuẩn C.acnes (P. acnes)
  • 4 là yếu tố gây viêm

Trong đó sự phát triển quá mức của vi khuẩn C.acnes liên quan tới sự mất cân bằng hệ vi sinh trên da. Giờ thì Bích sẽ đào rõ hơn về khứa vi khuẩn gây mụn này nha.

C.acnes là vi khuẩn kỵ khí gram dương thường hiện diện trong hệ vi sinh vật ở da dưới dạng vi khuẩn cộng sinh trong các nang lông tuyến bã, nếu có sự rối loạn sinh học thì vi khuẩn này sẽ sinh sôi rất nhiều (ý là tuyến bã nhờn hoạt động mạnh sẽ khiến tụi này hoành hành đó).

Trong môi trường da nhờn hoạt động mạnh, có lẽ C.acnes sợ buồn, sợ chằm kẻm, nên rủ thêm được rất nhiều bạn bè đến chung sống như vi khuẩn Proteobacteria, Corynebacterium, CutibacteriumStaphylococcus để gây nên mụn trứng cá chơi.

Kế tiếp đây Bích sẽ ra mắt các anh tài vượt ngàn chông gai để mọi người cùng hiểu hơn về nhân tố gây mụn trứng cá, do đó, khuyến cáo những ai mắc các chứng “lộn - lịu” thì nên đọc từ từ để rõ nha.

Môi trường giàu lipid được tạo ra bởi các microcomedones (những còi mụn rất nhỏ mà có lẽ Tề Thiên thấy) giúp cho sự phát triển của vi khuẩn. Vi khuẩn có thể tồn tại dưới dạng màng sinh học biofilm làm vi khuẩn chống lại các kháng sinh.

Chưa hồi kết, khi mà các loài tiết ra polysaccharid ngoại bào giúp tăng cường khả năng bám dính và hình thành màng sinh học. Màng sinh học nôm na là sự liên kết chặt chẽ của các vi khuẩn từ các loài giống nhau hoặc tương tự thông qua cảm ứng đại diện và cho phép nó cạnh tranh mạnh mẽ với các loài khác, bao gồm loài có lợi.

Nó hạn chế sự di chuyển của bã nhờn, giữ lại trong da và tích tụ các tế bào sừng hoá, làm tăng thêm các comedone. Cái kết là gây tình trạng kháng thuốc và viêm nhiễm nặng hơn. Ừm, tóm gọn là Bích muốn kể mọi người nghe về cái nguyên nhân rối não gây nên tình trạng mụn đề kháng thôi.

Có hơn 500 loài vi khuẩn ký sinh trên da chúng ta, một khi da bị mất cân bằng sinh vật, thì những vi khuẩn có hại sẽ cạnh tranh với vi khuẩn có lợi, xâm nhập vào bên trong và gây ra các bệnh về da, hay nói ngắn gọn là tụi vi khuẩn có hại thừa nước đục thả câu đó. Sự rối loạn sinh học này thường bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như độ ẩm, độ pH, nhiệt độ, chế độ ăn uống, thuốc uống, thể chất và tinh thần...

Sẵn đây thì Bích cũng giới thiệu một số anh tài nổi bật có trên các vùng da của chúng ta

  • PropionibacteriaStaphylococci nằm vùng tại khu vực da tiết bã nhờn.
  • Corynebacteria ở vùng da ẩm.
  • β-Proteobacteria, Flavobacteria và một số loài khác ở vùng da khô.

Riêng hai anh trai say hi là StaphylococciStreptococcus thì có biệt tài làm trầm trọng thêm các tổn thương da.

Tiếp nữa là các tiết lộ chế độ ăn uống ảnh hưởng đến tình trạng mụn trứng cá của chúng ta. Yên tâm, bài còn dài, mọi người cứ từ từ đọc tiếp.

Stokes và Pillsburry đã chỉ ra mối liên hệ não - ruột - da, đã bạn nào nghe qua chưa? Chưa thì sau hôm nay mọi người sẽ biết, vì Bích chắc chắn sẽ thay vũ trụ gửi tín hiệu này đến với mọi người.

Lý thuyết trên nêu mối liên hệ giữa hệ vi sinh vật đường ruột và sức khoẻ làn da có thể bị thay đổi bởi trạng thái cảm xúc và thần kinh.Đối với sự tham gia của các yếu tố gây căng thẳng tâm lý, hệ vi sinh vật đường ruột tạo ra chất dẫn truyền thần kinh có thể vượt qua hàng rào niêm mạc ruột và gây ra tình trạng viêm nhiễm toàn thân.

Chế độ ăn uống có chỉ số đường huyết cao sẽ làm tình trạng mụn trứng cá nặng hơn. Để Bích dùng hết nội công viết ra những lý do sắc bén, có phần khó hiểu để lý giải nha. Ý là vậy nè, khi tăng tính thấm của ruột, nội độc tố lipopolysaccharide được giải phóng vào ruột gây viêm, stress oxy hóa và kháng insulin, sau đó gây tăng insulin máu và rối loạn hệ vi sinh vật đường ruột.

Chế độ ăn uống có chỉ số đường huyết cao làm tăng tỷ lệ protein-3 liên kết yếu tố tăng trưởng giống insulin IGF-1 và gây tăng insulin máu, do đó làm tăng androgen và hậu quả là sản xuất bã nhờn. Đó, bã nhờn nhiều không giải quyết được thì lại thành mụn, một vòng luẩn quẩn (đến đây mới cảm thấy cơ thể chúng ta là một sự liên kết quá trời thần kì ^^)

Bên cạnh đó các sản phẩm sữa cũng làm tăng hấp thu IGF-1 giống đồ ngọt, vì thế sữa cùng là tội phạm gây nên mụn trứng cá hoặc làm tình trạng bệnh nặng hơn. Riêng chocolate thì hiện nay vẫn còn thiếu bằng chứng để nói nó là đồng phạm gây mụn trứng cá, do đó, Bích chưa kết tội nó trong bài viết này được, ngại tay lắm. Còn vitamin và khoáng chất đóng vai trò thiết yếu trong quá trình phát triển cũng như ngăn ngừa mụn. Như thằng vitamin D rất quan trọng đối với việc điều hòa hệ thống miễn dịch, thằng Kẽm thì cần thiết cho da có vai trò kiềm khuẩn, chống lại P. acnes và giảm sự biểu hiện của các cytokine gây viêm da.

Riêng thằng “red flag” vitamin B12 gây ra porphyrin ở bệnh nhân mụn trứng cá, gây viêm da và có thể là nguyên nhân gây ra đợt cấp của mụn trứng cá. Nên là uống gì là phải lựa chọn àh nha, không phải cái nào cũng tốt đâu.

Tới đây mọi người thấy ong ong cái đầu chưa. Giờ tới nhức nhức cái đầu tiếp nè. Bây giờ mới đến đoạn giải quyết dứt điểm câu hỏi Probiotics ảnh hưởng trong điều trị mụn trứng cá như thế nào. Đọc tiếp nha, đừng lười nữa… Do sự di chuyển của hệ vi sinh vật đường ruột và các chất chuyển hóa của nó đến da, nên hệ vi sinh vật đường tiêu hóa sẽ ảnh hưởng đến cân bằng nội môi trên da và điều chỉnh các phản ứng miễn dịch.

Các nghiên cứu in vitro (nghiên cứu được thực hiện trên đối tượng là các phân tử sinh học, tế bào được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm) cho thấy sự biệt hóa tế bào biểu bì khi điều trị bằng whey sữa lên men lactobacillus. Vi khuẩn đường tiêu hóa có thể cải thiện hàng rào bảo vệ da bị tổn thương và giảm viêm.

Và S. epidemis được tìm thấy tự nhiên trên da và rất quan trọng để bảo vệ chống lại khứa gây mụn P.acnes bằng cách lên men glycerol. Vì thế một số nghiên cứu mới kết luận rằng, Probiotic có thể giúp tăng số lượng lợi khuẩn chống lại vi khuẩn mụn trứng cá trên da.

Cụ thể hơn Probiotics thúc đẩy sự phát triển của hệ vi sinh vật có lợi trong đường ruột của người và kiểm soát sự phát triển của mầm bệnh, tham gia tích cực vào quá trình điều hòa miễn dịch, giảm sản xuất bã nhờn và sự xâm chiếm của P.acnes trong các nang lông, điều này cũng làm giảm viêm, sử dụng kèm kháng sinh có kết quả tích cực trong việc giảm mụn.

Ví dụ như đồ uống từ sữa lên men có lactobacilli đã cho thấy làm giảm tổn thương và sản xuất bã nhờn trên da.Ngoài uống, thì việc sử dụng ngoài da cũng đang dần chứng minh được độ hiệu quả về bệnh lý tiết bã nhờn và cải thiện mụn trứng cá. Nghiên cứu ở bệnh nhân viêm da cơ địa dị ứng, nó đã cải thiện hàng rào biểu mô, khả năng miễn dịch bẩm sinh và thích nghi ngoài tác dụng chống lại S. aureus, vì vậy, probiotic ứng dụng trong cả ngành công nghiệp mỹ phẩm và điều trị đang được phát triển rộng rãi.

Tóm lại ngoài các liệu pháp điều trị mụn trứng cá thông thường, thì probiotic đang được nhiều người chú ý vì đặc tính kháng khuẩn và chống viêm khá tốt. Nhưng nhìn chung, hiện nay probiotic vẫn chưa có kết luận cụ thể nào trong việc điều trị mụn trứng cá. Các nhà khoa học vẫn đang tiến hành nghiên cứu và giải quyết nhiều bài toán xoay quanh nó.

Ngoài lề, theo Bích, tình trạng mụn trứng cá được ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, nhất là tâm lý. Cho nên, sức khỏe về tinh thần đối với những ai đang điều trị mụn trứng cá cực kỳ quan trọng. Hãy tạo cho mình một tâm trạng thoải mái, yêu bản thân của mình để chủ động trong việc điều trị và phòng ngừa mụn trứng cá.

Cuối cùng thi bài chia sẻ cũng đã đến hồi kết, một chủ đề đầy rối não nhưng vô cùng thú vị đối với Bích, nhưng hy vọng mọi người cũng cảm thấy thú vị lây. Thôi, hẹn mọi người ở các bài chia sẻ sau của Bích nha, giờ mà viết nữa chắc mọi người sợ chạy mất dép quá.

_____________

Thông tin liên hệ

_____________

Bài viết thuộc quyền sở hữu của Nguyễn Thanh Bích và group Đồng Điệu. Đề nghị không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý của tác giả.

Bài viết độc lập, không được tài trợ bởi bất cứ nhãn hàng nào.