Kiến thức về làm đẹp thì bao la như bầu trời đêm, tài liệu thì dày hơn Triết học Mác Lênin – học hoài không hết! Đã lâu rồi Bích cứ muốn viết mà nhiều thứ quá lại không biết bắt đầu từ đâu, nhân dịp vừa đọc xong một bài thú vị về “chị đẹp” Chemical Peel, Vietnamese là “Peel da hóa học” - chủ đề có vẻ thân quen được nhắc nhiều nhưng đào sâu luôn có những cái mới, hôm nay Bích xin mạn phép dịch 1 đoạn cho mọi người! Cùng Bích “đạp gió, rẽ sóng” khám phá mọi ngóc ngách về nàng “Chemical Peel” khó chiều mà vô cùng hữu dụng này nhé!
Chemical Peel là gì?
Nói ngắn gọn thì Chemical Peel hay Chemical Exfoliation là một kiểu làm mới làn da bằng cách… lột! À mà nói vậy nghe có vẻ “đáng sợ” nên gọi thân thương là “tẩy tế bào chết hóa học” nha! Phương pháp này bôi một chất hóa học lên da, khiến lớp biểu bì “tróc” nhẹ một cách có kiểm soát mà không ảnh hưởng đến lớp hạ bì, kích thích tái tạo tế bào mới, từ đó cải thiện vẻ ngoài và kết cấu của da.

“Chị đẹp” Chemical Peel có đủ loại “style” từ dịu dàng đến mạnh mẽ. Tùy độ pH, thời gian “tác chiến”, cách thoa và độ nhạy cảm của da mà “chị đẹp” có thể giúp giảm mụn, nám, nếp nhăn, các vấn đề dày sừng, lão hóa da, rối loạn sắc tố và sẹo mụn. Đồng thời, có khả năng tái tạo bề mặt và kết cấu da, giúp khôi phục vẻ tươi trẻ cho khuôn mặt, cổ và tay bị lão hóa.
Chemical Peel được sử dụng cho cả mục đích điều trị y khoa và thẩm mỹ, không chỉ có thể solo mà còn có thể kết hợp với các “chị đẹp” khác như laser, dermabrasion (mài mòn da),... để mang lại hiệu quả cho làn da.Bên cạnh đó, Chemical Peel cũng có các cấp độ “chịu chơi” khác nhau – từ nhẹ, trung bình, đến sâu. Các tác nhân như pH và nồng độ, kỹ thuật áp dụng, tình trạng da và độ nhạy cảm của bệnh nhân cũng sẽ có ảnh hưởng nhất định đến mức độ hiệu quả điều trị. Cho nên chọn cấp độ peel sao cho phù hợp cũng phải cân đo đong đếm kỹ lưỡng nha!
Các nhân tố “hoạt chất” phổ biến
Để “chiến thắng” các vấn đề của làn da, “chị đẹp” Chemical Peel phải mang theo đủ các “vũ khí” – mà các nhà khoa học gọi là “hoạt chất”. Vũ khí này được chia thành 2 loại: Chất tiêu sừng (Keratolytics) và Protein biến tính (Protein Denaturants), Bích xin phép điểm mặt các “chiến binh” trong kho vũ khí của chị đẹp nha!

Đối với Chất tiêu sừng, chúng ta sẽ có các hoạt chất quen thuộc như:
a. Glycolic acid
Nhỏ đầu tiên là Acid Glycolic, có ai thắc mắc AHA là gì không? Đó, nó chính là nhỏ Axit Glycolic này nè, còn nếu là AHA thêm “s” phía (AHAs) thì sẽ bao gồm axit glycolic từ mía, axit lactic từ sữa và axit citric từ trái cây họ cam quýt. Cơ mà nhỏ Acid Glycolic này cũng drama dữ lắm, phải có “người thứ ba” trung hòa như nước và natri bicarbonate mới được yên ổn.
b. Salicylic acid
Nhỏ tiếp theo là Acid Salicylic, nhỏ này là một beta hydroxy acid (BHA) có nhóm hydroxyl liên kết với carbon thứ hai. Yêu dầu hơn Acid Glycolic nên dễ dàng len lỏi vào da. Nhờ vậy, Acid Salicylic thường được ưu tiên để điều trị mụn trứng cá, vì nó có thể dễ dàng thấm qua các tổn thương mụn và da dầu.
c. Dung dịch Jessner
Tiếp nữa nè, nhỏ thứ ba hơi lạ hơn 2 nhỏ trên chút nhưng có cái tên rất Tây đó là dung dịch Jessner, chủ yếu được sử dụng để điều trị mụn trứng cá và tăng sừng nhờ sự kết hợp của nhiều thành phần như 14% resorcinol, 14% acid salicylic và 14% acid lactic hòa tan trong ethanol.
d. Các tác nhân bạt sừng (keratolytic) khác
Ngoài ra, còn có các tác nhân keratolytic khác như: Acid Mandelic 40%, sự kết hợp của Acid Salicylic 20% và Acid Mandelic 10%, Acid Lactic 10 - 30%, Acid Pyruvic 40 - 70%,... nhưng chắc Bích để dành lần sau
e. Trichloroacetic acid
Còn đối với các Protein biến tính thì sao ta? Thôi khỏi suy nghĩ, để Bích trả lời luôn cho nè.
Là một người thường xuyên tham gia vào các ca điều trị sẹo thì TCA cái tên này Bích nghe mãi cũng chán rồi. Acid trichloroacetic (TCA) là hoạt chất thường được sử dụng chủ yếu trong điều trị sẹo mụn, tàn nhang, các nếp nhăn và dày sừng ánh sáng. Tác dụng của nó thay đổi tùy theo nồng độ, số lần sử dụng trong một buổi điều trị.
f. Phenol
Và một hoạt chất mà theo Bích không dành cho tay mơ là Phenol. Dù có mùi thơm ngọt ngào, nhưng cô nàng này là “nữ chiến binh” với sức mạnh phi thường! Kết hợp với dầu croton một chất gây phỏng rộp và làm bong vảy biểu bì để tăng độ sâu và đồng đều khi peel, làm bong biểu bì da, giúp đẩy hiệu quả đến mức tối đa. Nếu bạn thấy hỗn hợp phenol 88%, hexachlorophene, xà phòng, dầu croton và nước cất xuất hiện thì xin chúc mừng! Đó chính là “chiến binh” Baker-Gordon trứ danh, một phương pháp lột da sâu cực an toàn được thực hiện bởi chuyên gia!
Phenol thường được sử dụng để điều trị các tình trạng như tổn thương do ánh nắng mặt trời, nếp nhăn, sẹo mụn, xanthelasma (u vàng quanh mắt),... nhưng nhớ là Phenol chỉ dành cho những ai thực sự nghiêm túc và có chuyên gia bên cạnh thôi đó nha.
Hoạt chất và độ sâu tương ứng
- Nếu muốn peel nông, nhẹ thì có thể peel với các hoạt chất như TCA 10 - 30%, Acid Gycolic 30 - 50% hay Salicylic Acid nồng độ thấp, Acid Retinoic, dung dịch Jessner,...
- Còn nếu cảm thấy chưa đủ đô thì có thể thử peel trung bình với sự kết hợp 35% TCA với dung dịch Jessner hoặc 70% Acid Glycolic.
- Trong trường hợp muốn thử cảm giác mạnh hơn bằng peel sâu có thể sử dụng TCA với nồng độ trên 50% hoặc kết hợp Phenol và dầu croton.

Tới đây thì bài viết cũng đủ dài rồi, nên vì Bích sợ mọi người sẽ gục ngã khi đọc nhưng để không ai “gục ngã” khi đọc đến đây, Bích xin phép không đi sâu vào chi tiết về cơ chế hoạt động của từng hoạt chất nhưng nhìn chung Chemical Peel sẽ gây ra hiện tượng bong vảy sừng, đông tụ và biến tính protein ở cả lớp biểu bì và hạ bì.
Chủ đề này tạm gác tại đây, Bích sẽ tiếp tục cùng mọi người “đạp gió” để mổ xẻ thêm về “chị đẹp” Chemical Peel trong bài viết sau nhé. Chứ giờ tay của Bích không còn sức để google dịch và “đạp phím” nữa rồi.
_____________
Thông tin liên hệ
- Facebook: https://www.facebook.com/bich.nguyenthanh888
- Website: https://jangmiclinic.vn/
_____________
Bài viết thuộc quyền sở hữu của Nguyễn Thanh Bích và group Đồng Điệu. Đề nghị không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý của tác giả.
Bài viết độc lập, không được tài trợ bởi bất cứ nhãn hàng nào.
Discussion