Lần đầu tiên mình biết đến từ “phông bạt” có lẽ là ngày một cô nhà văn 8x nổi tiếng bị bóc phốt có lối sống khác xa với những gì mà cô chia sẻ trên mạng xã hội. Đó cũng là thời điểm Internet và mạng xã hội bùng nổ, kéo theo sự phát triển mạnh mẽ của lối “sống ảo”.
Nhưng chẳng phải đợi đến có mạng xã hội, người ta mới thích tô vẽ cho cuộc sống của mình thêm phần hào nhoáng. Ngày xưa đã có “nói dóc”, “khoác lác”, “ba hoa”, “nổ”... Từ ngữ có thể đổi khác theo thời thế, nhưng bản chất vẫn là khoe khoang, thể hiện những điều tốt đẹp mà mình không sở hữu.
Điều gì khiến người ta phông bạt say mê?
Không quá khó để chúng ta nhận ra, sự phông bạt trước là vì tự ti về bản thân, hai là tâm lý ưa chuộng sự giàu sang phú quý. Cho nên biết nguồn lực của mình hữu hạn, vẫn muốn làm cho xênh xang để được người khác coi trọng. Nhìn thoáng ra thì điều này cũng không phải quá đáng, bởi có thể họ chỉ muốn tạo một lớp vỏ để cho bản thân thấy an toàn, rồi từ từ cải thiện sau. Coi như “fake it till you make it” - giả vờ cho đến khi làm được thật.
Đáng nói là có những người phông bạt để đánh lừa, chuộc lợi từ lòng tin của người khác. Câu chuyện về “tiểu thư” Anna Sorokin giả dạng là người thừa kế sở hữu quỹ ủy thác trị giá 67 triệu USD đến từ Đức để ăn cắp 200.000 USD từ ngân hàng, khách sạn sang trọng, nhà hàng, cá nhân và một nhà điều hành máy bay tư nhân là một minh chứng cho sự nguy hại của thói phông bạt.
Gọi là “thói” bởi phông bạt là vấn đề về đạo đức và lối sống, chứ không hẳn là cách để “thoát ly” khỏi cuộc sống thực tại với nhiều khó khăn, bế tắc. Nói thoát ly thì làm sang cho phông bạt quá.
Hệ lụy của lối sống phông bạt?
Khi thói phông bạt bị phơi bày, hậu quả dễ thấy là bị chỉ trích, phê phán. Sự giàu sang phú quý thật sự còn khó tránh khỏi cảnh “lúc bung nở, lũ bướm sẽ vây quanh, còn khi tàn lụi thì sẽ chỉ có mình nó từ từ rụng lìa khỏi cành”, huống chi là phông bạt.
Hơn nữa, sống lâu trong cái giả, người ta sẽ quên mất đâu là thật, nên mải mê “fake it”, bỏ luôn vế “till you make it”. Đó là lý do người đã lỡ phông bạt phải gồng gánh cái “bạt” ấy mãi, dù bên trong mục ruỗng cũng phải ráng duy trì cái “bạt” thật đẹp đẽ. Sự phông bạt giống như lục bình giăng kín mặt nước. Không ai biết bên dưới có kẻ ch.ết đuối, nên không ai cứu.
Nên kết thúc cũng là bắt đầu: Sống đời phông bạt, coi chừng phận bạc.
Discussion