Xin chào các anh chị em Đồng Điệu,
Mình tên là Lê Duy Kiên, tốt nghiệp Cử nhân ngành CNSH (hệ Chất lượng cao) thuộc trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TP.HCM). Hôm nay Kiên lại tiếp tục lên đây chém gió cùng cả nhà, mong những kiến thức này hữu ích cho ae Đồng Điệu.
1. Bạn có biết: Mắt cũng có tuyến bã nhờn?
Mắt là một bộ phận nhạy cảm và phức tạp của cơ thể người, đóng vai trò quan trọng trong quá trình tiếp nhận hình ảnh aka. “cửa sổ tâm hồn” . Thế nên, mắt được bảo vệ bởi nhiều cơ chế sinh học, trong đó có nước mắt.
Nước mắt gồm ba lớp chính:
-
Lớp lipid (lipid layer): Lớp ngoài cùng, do tuyến Meibomian tiết ra. Lớp này giúp giảm sự bốc hơi của nước mắt và bôi trơn bề mặt mắt.
-
Lớp nước (aqueous layer): Lớp giữa, do tuyến lệ tiết ra. Chứa nước và chất dinh dưỡng để dưỡng ẩm và bảo vệ mắt khỏi vi khuẩn.
-
Lớp nhầy (mucin layer): Lớp trong cùng, giúp nước mắt bám vào bề mặt giác mạc.
Các tuyến bã nhờn, đặc biệt là tuyến Meibomian đóng vai trò quan trọng trong việc điều hoà lớp lipid trong nước mắt. Đây là hệ thống tuyến bã nhờn lớn nhất trong mắt, nằm ở mép mi mắt. Lớp dầu từ tuyến Meibomian tiết ra giúp bảo vệ màng nước mắt, giúp ngăn sự bốc hơi quá nhanh của nước mắt, duy trì độ ẩm cho mắt và giúp mắt không bị khô.
Ngoài ra, các tuyến bã nhờn tiết ra lipid chứa các thành phần kháng khuẩn, giúp ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn có hại trên bề mặt mắt và mi mắt.
Một số tuyến bã nhờn khác gồm có tuyến Zeis và các tuyến bã nhờn ở vùng da quanh mắt. Bã nhờn từ tuyến Zeis bôi trơn lông mi, giúp giảm ma sát khi lông mi cọ xát với nhau hoặc với bề mặt da quanh mắt.
Khi các tuyến bã nhờn này hoạt động không bình thường, mắt có thể gặp phải nhiều vấn đề về sức khỏe. Các bệnh phổ biến bao gồm:
-
Hội chứng khô mắt (Dry Eye Syndrome): Khi tuyến Meibomian không tiết đủ dầu, màng nước mắt sẽ nhanh chóng bị bốc hơi, gây ra tình trạng khô mắt. Bệnh nhân có thể cảm thấy mắt bị khô, ngứa, rát và mờ tạm thời.
-
Viêm bờ mi (Blepharitis): Đây là tình trạng viêm nhiễm do sự tắc nghẽn hoặc nhiễm trùng của các tuyến bã nhờn tại bờ mi, đặc biệt là tuyến Meibomian và Zeis. Biểu hiện của bệnh bao gồm ngứa, đỏ mắt, tiết dịch nhờn và tạo vảy trên lông mi.
-
Mụn lẹo (Hordeolum): Mụn lẹo là một dạng nhiễm trùng cấp tính của tuyến Zeis hoặc Meibomian, thường do vi khuẩn tấn công. Bệnh gây sưng, đau và nổi mụn tại mi mắt.
-
Chắp (Chalazion): Chắp là tình trạng tắc nghẽn mãn tính của tuyến Meibomian, thường không gây đau nhưng tạo ra u nhỏ và cứng tại mi mắt.
→ Chốt lại: Mắt cũng có lipid, và những chất có xu hướng hòa tan lipid sẽ dễ bị giữ lại ở lớp này và khó bị đào thải hơn những chất tan nước.
2. Những thành phần nào của kem chống nắng có thể khiến mắt bạn cay?
Kem chống nắng thường chứa các hợp chất hữu cơ có khả năng hòa tan vào lớp lipid và tương tác với các tế bào biểu mô trên bề mặt mắt thông qua sự khuếch tán vào lớp nhầy. Những hợp chất này, như oxybenzone và avobenzone, có cấu trúc phân tử đặc biệt, với nhiều vòng benzen và nhóm chức có hoạt tính, khiến chúng dễ dàng thâm nhập vào lớp lipid trên bề mặt màng nhầy.
Các thành phần thuộc màng lọc chống nắng có thể gây “bụi bay vào mắt chứ đâu khóc đâu” là:
-
Oxybenzone: Oxybenzone là một hợp chất hữu cơ với nhóm phenol có khả năng hấp thụ ánh sáng UV. Cấu trúc của oxybenzone có các vòng benzen liên kết với nhóm hydroxyl (-OH) và carbonyl (C=O), tạo điều kiện cho nó dễ dàng tham gia vào các phản ứng với protein và lipid trong màng tế bào. Khi tiếp xúc với màng nhầy mắt, oxybenzone có thể phá vỡ hàng rào lipid, gây ra sự mất cân bằng thẩm thấu, làm tổn thương tế bào và gây ra cảm giác cay mắt.
-
Avobenzone: Avobenzone là một bộ lọc UV phổ rộng với cấu trúc diketone (có hai nhóm C=O) liên kết với các vòng thơm, làm cho nó ổn định và có khả năng hấp thụ ánh sáng UV. Tuy nhiên, dưới ánh sáng mặt trời, avobenzone có thể bị phân hủy thành các sản phẩm trung gian, bao gồm các gốc tự do. Các gốc tự do này có khả năng oxy hóa cao, dễ dàng tấn công các cấu trúc tế bào tại bề mặt mắt, gây ra phản ứng viêm và kích ứng mạnh.
-
Octocrylene: Octocrylene là một hợp chất hữu cơ có khả năng hấp thụ tia UVB và một phần tia UVA, giúp bảo vệ da khỏi tác động của ánh nắng mặt trời. Nó chứa một liên kết ester giữa benzoic acid và alcol mạch dài, mang lại tính ổn định và tính kháng nước cao.
Octocrylene có thể hòa tan vào lớp lipid trên bề mặt màng nhầy của mắt và gây kích ứng. Bởi vì nó có tính kháng nước cao, khi hòa tan vào lớp lipid, nó có thể phá vỡ tính toàn vẹn của lớp lipid này, dẫn đến việc nước mắt dễ bốc hơi và làm mắt bị khô. Điều này gây ra cảm giác cay, khó chịu khi tiếp xúc với mắt. -
Homosalate: Homosalate là một ester của salicylic acid và cyclohexanol. Nó được sử dụng như một bộ lọc UVB, giúp ngăn chặn các tác hại của tia UV ngắn đối với da. Khi tiếp xúc với mắt, homosalate có thể tương tác với lớp lipid trên màng nước mắt, tạo ra các phản ứng làm mất tính ổn định của màng nhầy. Điều này có thể gây khô mắt và dẫn đến kích ứng, cảm giác cay và đỏ mắt.
-
Octinoxate (Ethylhexyl Methoxycinnamate): Octinoxate là một hợp chất hữu cơ với cấu trúc gồm một nhóm cinnamate (chứa vòng thơm và nhóm ester) có khả năng hấp thụ tia UVB. Nó rất phổ biến trong các sản phẩm kem chống nắng nhờ khả năng chống nắng tốt. Cấu trúc phân tử của octinoxate với các vòng thơm có thể dễ dàng thâm nhập vào lớp lipid và tương tác với tế bào biểu mô trên bề mặt mắt. Nó có thể làm mất cân bằng cấu trúc lipid của màng nước mắt, dẫn đến cảm giác cay mắt và khô mắt.
-
Titanium Dioxide và Zinc Oxide (ở dạng nano): Titanium Dioxide (TiO2) và Zinc Oxide (ZnO) là hai thành phần vật lý phổ biến trong kem chống nắng. Ở dạng nano, chúng có kích thước siêu nhỏ và được sử dụng để phản xạ tia UV, ngăn chặn các tác hại của tia UV lên da. Dù ít gây kích ứng hơn so với các hợp chất hóa học, ở dạng nano, titanium dioxide và zinc oxide có thể dễ dàng xâm nhập vào màng nhầy mắt, gây kích ứng cơ học và làm cay mắt. Khi chúng kết hợp với các thành phần khác như chất bảo quản hoặc cồn, khả năng gây kích ứng mắt của chúng có thể tăng lên.
Ngoài ra, các thành phần khác cũng có thể gây cay mắt là:
-
Các paraben (Methylparaben, Ethylparaben, Propylparaben): Paraben là các chất bảo quản hóa học thường được sử dụng trong kem chống nắng để ngăn ngừa sự phát triển của vi khuẩn và nấm mốc. Paraben có cấu trúc đơn giản, gồm một vòng benzen và nhóm ester, giúp chúng dễ hòa tan vào các môi trường khác nhau, bao gồm lớp lipid. Paraben có khả năng gây kích ứng ở một số người nhạy cảm, đặc biệt khi chúng tiếp xúc với màng nhầy mắt. Sự phá vỡ lớp lipid và kích ứng này có thể gây ra phản ứng viêm, làm mắt trở nên cay và đỏ.
-
Alcohol denat (Cồn biến tính/ Cồn khô): Cồn khô thường được sử dụng trong kem chống nắng để làm chất dẫn và giúp sản phẩm thấm nhanh vào da. Các dạng cồn thường gặp là ethanol hoặc isopropyl alcohol. Cồn có khả năng bay hơi nhanh và gây khô da hoặc khô mắt khi tiếp xúc trực tiếp. Khi các hạt kem chống nắng chứa cồn bay hơi gần vùng mắt, chúng có thể gây kích ứng mạnh cho màng nhầy, dẫn đến cảm giác cay và khô mắt. Khi bay hơi, cồn cũng có thể cuốn thêm một số chất kích ứng dễ bay hơi vào mắt.
-
Fragrance (Hương liệu): Nhiều sản phẩm kem chống nắng chứa hương liệu để tạo mùi thơm dễ chịu. Các chất này thường là một hỗn hợp của các hợp chất hữu cơ phức tạp, bao gồm các vòng thơm và nhóm chức có hoạt tính. Hương liệu thường là nguồn gây kích ứng phổ biến. Khi tiếp xúc với mắt, chúng có thể gây ra phản ứng viêm, làm cay mắt và đỏ mắt do ảnh hưởng đến các tế bào biểu mô ở màng nhầy.
→ Chốt lại: Rất nhiều thành phần trong kem chống nắng có thể gây cay mắt. Tuỳ cơ địa mà có người kích ứng, có người không.
3. Một số cơ chế sâu hơn về việc gây cay mắt của kem chống nắng
Mắt là một trong những cơ quan nhạy cảm nhất trong cơ thể người, với nhiều thụ thể thần kinh cảm giác (nociceptors) phân bố dày đặc ở giác mạc và màng nhầy.
-
Kích hoạt thụ thể TRPV1: TRPV1 (Transient Receptor Potential Vanilloid 1) là một loại kênh ion thuộc nhóm thụ thể cảm nhận đau (nociceptor), được kích hoạt bởi nhiệt độ cao, pH thấp (acid), và các hóa chất như capsaicin (thành phần cay trong ớt). Các thành phần trong kem chống nắng có thể gây ra sự thay đổi pH, giải phóng ion H+, hoặc thậm chí trực tiếp kích hoạt TRPV1 khi tiếp xúc với mắt.
Khi TRPV1 bị kích hoạt, nó dẫn đến cảm giác bỏng rát và cay mắt. Điều này cũng lý giải vì sao khi nước mưa hoặc chanh văng vào mắt có thể gây cay, vì chúng làm thay đổi pH và kích thích TRPV1 thông qua sự gia tăng nồng độ ion H+. -
Kích hoạt thụ thể TRPA1: TRPA1 (Transient Receptor Potential Ankyrin 1) là một kênh ion nhạy cảm với kích thích hóa học và thường được gọi là “thụ thể cay”. TRPA1 có thể bị kích hoạt bởi các chất oxy hóa hoặc các phân tử hoạt tính sinh học, chẳng hạn như các gốc tự do được tạo ra từ sự phân hủy của avobenzone dưới ánh sáng mặt trời. Khi TRPA1 bị kích hoạt, nó gây ra một phản ứng đau đớn và cay mắt nghiêm trọng, tương tự như khi tiếp xúc với các chất như khói hoặc hóa chất độc hại.
-
Phản ứng trên bề mặt tế bào và chất trung gian: Một số thành phần trong kem chống nắng có thể hoạt động như các chất trung gian hoặc tương tác với các yếu tố môi trường như ánh sáng mặt trời hoặc mồ hôi để tạo ra các sản phẩm phân hủy có tính kích thích mạnh.
– Quang hóa học và quang viêm: Các màng lọc hữu cơ thế hệ cũ có thể tạo ra các gốc tự do khi tiếp xúc với tia UV. Các gốc tự do này không chỉ gây tổn thương trực tiếp mà còn tạo ra các chất trung gian gây viêm, chẳng hạn như peroxide lipid và các aldehyde. Những chất này có thể tấn công vào cấu trúc protein và lipid của màng nhầy mắt, gây ra sự phá hủy tế bào và cảm giác cay rát. -
Phản ứng miễn dịch và viêm: Phản ứng viêm trong mắt có thể được kích hoạt không chỉ bởi các tổn thương trực tiếp từ các chất hóa học, mà còn bởi các phản ứng miễn dịch của cơ thể đối với các chất lạ.
– Hoạt hóa dưỡng bào: Dưỡng bào là một loại tế bào miễn dịch thường có mặt ở mô mắt, có chức năng phát hiện và phản ứng với các chất lạ. Khi các chất như oxybenzone hoặc các sản phẩm phân hủy của avobenzone xâm nhập vào mắt, chúng có thể kích hoạt dưỡng bào, dẫn đến việc giải phóng histamine và các cytokine viêm khác.
Histamine còn gây giãn mạch máu, tăng tính thấm mạch và kích ứng thần kinh, làm gia tăng cảm giác cay mắt.
– Phản ứng oxy hóa: Các gốc tự do sinh ra từ sự phân hủy của các chất trong kem chống nắng có thể tấn công trực tiếp vào màng tế bào và DNA, gây ra stress oxy hóa. Stress oxy hóa không chỉ làm tổn thương tế bào mà còn kích hoạt các con đường viêm, chẳng hạn như con đường NF-κB, dẫn đến sản xuất các yếu tố viêm như TNF-α và IL-1β, góp phần vào cảm giác đau và khó chịu.
4. Câu chuyện cay mắt: Hên xui may rủi là phần nhiều
Nãy giờ Kiên liệt kê cũng kha khá thành phần có thể gây cay mắt rồi. Những cái né được thì các bạn có thể chọn né như cồn khô và hương liệu. Nhưng nếu chỉ vì sợ cay mà né hết các màng lọc chống nắng đi thì còn gì là kem chống nắng nữa :)))
Việc cảm thấy cay mắt khi sử dụng kem chống nắng có thể được coi là một hiện tượng do “hên xui may rủi” bởi lẽ nó không xảy ra đồng nhất ở tất cả mọi người, cũng như phụ thuộc vào nhiều yếu tố không hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của người dùng.
-
Cơ địa cá nhân: Sự nhạy cảm của mắt đối với các thành phần hóa học trong kem chống nắng có thể khác nhau ở mỗi người. Các yếu tố ảnh hưởng đến độ nhạy cảm này bao gồm:
– Độ nhạy cảm của các thụ thể TRPV1 và TRPA1: Như đã phân tích ở trên, thụ thể TRPV1 và TRPA1 là những kênh ion nhạy cảm với các chất kích thích hóa học và nhiệt độ. Một số người có ngưỡng kích hoạt cao hơn, khiến họ ít cảm thấy cay mắt hơn khi tiếp xúc với những chất như oxybenzone hoặc avobenzone trong kem chống nắng.
– Tình trạng mắt trước khi tiếp xúc: Những người có mắt bị khô, viêm bờ mi, hoặc các bệnh lý liên quan đến mắt có thể dễ dàng cảm thấy cay hơn do hàng rào bảo vệ tự nhiên (lớp lipid của màng nước mắt) đã bị tổn thương, cho phép các hóa chất dễ dàng thâm nhập và kích thích thụ thể hơn. -
Cách sử dụng kem chống nắng: Cách mà kem chống nắng được bôi lên da hoặc gần mắt có thể ảnh hưởng đáng kể đến việc có gây cay mắt hay không:
– Vị trí bôi: Việc vô tình bôi kem chống nắng quá gần vùng mắt sẽ làm tăng khả năng các thành phần trong kem tiếp xúc trực tiếp với giác mạc hoặc màng nhầy của mắt, dẫn đến kích ứng.
– Sự di chuyển của kem chống nắng: Trong quá trình hoạt động thể chất, mồ hôi và nước mắt có thể cuốn trôi kem chống nắng từ vùng trán hoặc xung quanh mắt xuống vào mắt. Do đó, người dùng có thể không trực tiếp bôi kem chống nắng vào mắt nhưng vẫn bị kích ứng do sự di chuyển của các thành phần này qua mồ hôi hoặc nước. -
Các thành phần hóa học trong kem chống nắng: Không phải tất cả các loại kem chống nắng đều gây kích ứng mắt, nhưng sự lựa chọn thành phần trong từng sản phẩm có thể ảnh hưởng đến nguy cơ gây cay mắt:
– Màng lọc hóa học: Các thành phần như oxybenzone, avobenzone, octocrylene và homosalate được biết là có khả năng gây kích ứng khi tiếp xúc với mắt. Tuy nhiên, một số người có thể không cảm nhận được kích ứng này do tính chất cơ địa của họ, trong khi người khác có thể gặp phải phản ứng mạnh.
– Màng lọc vật lý: Các thành phần vật lý như zinc oxide và titanium dioxide ít có khả năng gây kích ứng hơn, nhưng vẫn có thể gây ra cảm giác khó chịu ở mắt nếu ở dạng nano và bị cuốn vào mắt. -
Điều kiện môi trường: Môi trường nơi kem chống nắng được sử dụng cũng là một yếu tố ngẫu nhiên ảnh hưởng đến việc có gây cay mắt hay không:
– Nhiệt độ cao: Trong điều kiện nhiệt độ cao, khả năng mồ hôi chảy nhiều hơn, dẫn đến việc kem chống nắng dễ bị hòa trộn và chảy vào mắt.
– Gió mạnh hoặc nước: Khi ở gần nước (như hồ bơi hoặc bãi biển) hoặc trong môi trường gió mạnh, kem chống nắng có thể bị gió thổi hoặc nước bắn vào mắt, gây ra hiện tượng cay mắt.
– Ánh sáng mặt trời mạnh: Sự phân hủy hóa học của các thành phần trong kem chống nắng dưới ánh sáng mạnh có thể tạo ra các gốc tự do, gây kích ứng mạnh hơn đối với mắt so với các điều kiện ánh sáng nhẹ. -
Tình cờ trong quá trình bôi và tiếp xúc: Một yếu tố không thể đoán trước là sự ngẫu nhiên trong quá trình bôi kem và cách mà kem chống nắng tương tác với mắt.
– Ngẫu nhiên tiếp xúc: Kem chống nắng có thể vô tình dính vào tay và sau đó được chuyển lên mắt khi dụi mắt mà người dùng không nhận ra.
– Thời gian bôi kem: Nếu kem chống nắng chưa kịp khô trước khi người dùng ra mồ hôi hoặc bơi lội, khả năng nó bị chảy vào mắt tăng cao. -
Tính ngẫu nhiên trong phản ứng cá nhân: Những yếu tố sinh học tự nhiên như sự khác biệt trong thành phần lipid màng nước mắt hoặc mức độ biểu hiện của các enzyme chuyển hóa trong mắt có thể ảnh hưởng đến việc mỗi người phản ứng khác nhau với các thành phần trong kem chống nắng. Một số người có cơ chế chuyển hóa mạnh mẽ hơn hoặc hàng rào bảo vệ tự nhiên của mắt vững chắc hơn, do đó ít có khả năng bị kích ứng hơn.
5. Cách sử dụng kem chống nắng để tránh gây cay mắt
Chuyện cay mắt khi bôi kem chống nắng là khó tránh khỏi, chẳng qua là bạn cay nhiều, tôi cay ít thôi. Để tránh cay mắt khi bôi kem chống nắng, có thể áp dụng nhiều biện pháp khoa học và thực tế.
-
Trước tiên, ưu tiên tránh nắng, che nắng hơn chống nắng. Nếu mắt bạn quá nhạy cảm mà bạn lại thật sự cần kem chống nắng (làm việc ngoài trời hoặc ngồi gần cửa sổ), việc chọn kem chống nắng vật lý chứa zinc oxide hoặc titanium dioxide là lựa chọn an toàn hơn.
Chúng ít gây kích ứng mắt hơn so với các thành phần hóa học, vốn có khả năng thâm nhập vào lớp lipid và kích hoạt các thụ thể gây cay mắt. -
Thứ hai, kỹ thuật bôi kem cũng đóng vai trò quan trọng. Hãy bôi cách xa vùng mắt khoảng 1 – 2 cm và vỗ nhẹ thay vì xoa mạnh để tránh kem trượt vào mắt. Đặc biệt, nên chờ ít nhất 15 – 20 phút cho kem thẩm thấu hoàn toàn trước khi ra ngoài hoặc hoạt động, để lớp kem chống nắng set hẳn vào da, tránh trôi tuột hoặc dây vào mắt.
-
Trong điều kiện môi trường nóng bức, sử dụng khăn thấm mồ hôi sẽ giúp ngăn chặn việc kem chảy vào mắt qua mồ hôi. Ngoài ra, lựa chọn kem chống nắng chống thấm nước là giải pháp hiệu quả khi hoạt động ngoài trời hoặc đi bơi.
-
Thói quen rửa tay sau khi bôi kem cũng giúp tránh vô tình đưa kem vào mắt khi chạm vào mặt. Nếu kem chống nắng vô tình vào mắt, hãy rửa mắt bằng nước sạch ngay lập tức để loại bỏ các hóa chất gây kích ứng.
-
Cuối cùng, nếu tình trạng kích ứng kéo dài, nên tìm đến bác sĩ để kiểm tra.
6. Kết lại
Việc cay mắt khi bôi kem chống nắng không hoàn toàn dựa trên một yếu tố duy nhất, mà là sự tổng hòa của nhiều yếu tố ngẫu nhiên và cá nhân.
Cơ địa, thành phần hóa học trong kem, cách sử dụng và điều kiện môi trường đều có vai trò trong việc quyết định liệu kem chống nắng có gây ra cảm giác cay mắt hay không. Việc tránh bị cay mắt khi bôi kem chống nắng không chỉ dựa vào yếu tố may mắn mà còn phụ thuộc vào việc lựa chọn sản phẩm, kỹ thuật bôi đúng cách, và thói quen bảo vệ mắt.
Bằng cách áp dụng những biện pháp khoa học như bôi kem xa vùng mắt, ưu tiên tránh nắng và che nắng, ưu tiên sử dụng kem chống nắng vật lý khi mắt quá nhạy cảm, chống thấm nước, và thực hiện các biện pháp phòng ngừa khi tiếp xúc với nước và mồ hôi, người dùng có thể giảm thiểu nguy cơ cay mắt khi sử dụng kem chống nắng một cách tối đa và hiệu quả.
_____________
Bài viết thuộc quyền sở hữu của Lê Duy Kiên và group Đồng Điệu. Đề nghị không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý của tác giả.
Bài viết độc lập, không được tài trợ bởi bất cứ nhãn hàng nào. Chỉ mang tính chất tham khảo. Không thể thay thế các nghiên cứu khoa học chính thống/hay lời khuyên y tế.
Discussion