Xin chào các anh chị em Đồng Điệu,
Mình tên là Lê Duy Kiên, tốt nghiệp Cử nhân ngành CNSH (hệ Chất lượng cao) thuộc trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TP.HCM). Hôm nay Kiên lại tiếp tục lên đây chém gió cùng cả nhà, mong những kiến thức này hữu ích cho ae Đồng Điệu.
__________________________
Hành trình của một giọt nước mưa, từ khi bay hơi từ mặt đất cho đến khi chạm vào da bạn, là một câu chuyện về sự tích lũy những thành phần có thể gây ảnh hưởng đến làn da. Vậy, những giọt nước mưa ấy chứa đựng điều gì, và tại sao chúng lại có thể liên quan đến những nốt mụn đáng ghét?
Note: Không phải ai cũng bị mụn sau đi mưa. Nhưng đây là một vấn đề thường gặp và đáng để bàn luận.
1. Hành trình của nước mưa và những gì nó mang theo
Khi hơi nước ngưng tụ thành mây trên cao, nó gặp phải những phân tử khí trong khí quyển. Đầu tiên, chúng ta có các loại khí như carbon dioxide (CO2), oxy (O2), và nitơ (N2) – những chất khí mà chúng ta thường biết. CO2 hòa tan trong nước mưa tạo nên carbonic acid (H2CO3), khiến nước mưa có tính acid nhẹ, pH khoảng 5.6. Tuy nhiên, điều này không đủ để gây hại cho làn da.
Thế nhưng, câu chuyện không dừng lại ở đó. Khí quyển ngày nay không chỉ chứa những thành phần tự nhiên. Sự phát triển công nghiệp và giao thông đã đưa vào bầu khí quyển những chất ô nhiễm như sulfur dioxide (SO2) và oxit của nitơ (NOx). Khi hòa tan trong nước mưa, SO2 và NOx chuyển hóa thành sulfuric acid (H2SO4) và nitric acid (HNO3), gây ra hiện tượng mưa acid Khi bạn bước ra đường dưới cơn mưa của một thành phố công nghiệp, có thể bạn đang bị bao quanh bởi những giọt nước không còn tinh khiết như bạn nghĩ.
Nhưng chưa hết! Khi nước mưa rơi qua bầu khí quyển, nó còn cuốn theo vô số hạt bụi, phấn hoa, vi khuẩn và các bào tử nấm. Đặc biệt trong những thành phố đông đúc và ô nhiễm, nước mưa có thể mang theo những hạt kim loại nặng như chì, cadmi, và cả các chất hữu cơ bay hơi từ các hoạt động công nghiệp. Tất cả những thứ này tạo nên một hỗn hợp phức tạp mà chúng ta gọi là nước mưa.
2. Yếu tố nào trong nước mưa có thể gây mụn?
Vậy thì, đâu là kẻ thù tiềm ẩn với làn da của chúng ta trong nước mưa? Có một vài “thủ phạm” chính mà chúng ta cần lưu ý:
a. Bụi mịn và vi sinh vật
Hãy tưởng tượng bạn bước ra ngoài trời, để da mặt đón những giọt mưa mát lạnh. Những giọt nước này không chỉ chứa nước mà còn mang theo cả bụi bẩn, vi khuẩn, và bào tử nấm từ không khí.
-
Trong khí quyển, không khí luôn tồn tại những hạt bụi lơ lửng có kích thước siêu nhỏ, gọi là hạt bụi mịn (PM2.5, PM10). Những hạt bụi này có thể đến từ nhiều nguồn khác nhau: khói xe, khói nhà máy, thậm chí là các hạt vi nhựa phân tán trong không khí. Khi nước mưa rơi xuống, chúng cuốn theo các hạt bụi này, mang chúng trực tiếp tiếp xúc với bề mặt da. Đối với da mặt, đặc biệt là những làn da nhạy cảm hoặc da dầu, các hạt bụi mịn này có thể xâm nhập vào các lỗ chân lông.
Các hạt bụi không chỉ đơn giản là làm bẩn da; chúng còn có khả năng tạo ra môi trường thích hợp cho sự kết tụ của dầu, tế bào chết, và vi khuẩn. Khi lỗ chân lông bị tắc nghẽn bởi hỗn hợp này, chúng trở nên sưng viêm, gây ra mụn đầu đen, mụn đầu trắng, và thậm chí là mụn bọc. -
Không khí chứa hàng triệu vi khuẩn và bào tử nấm. Khi nước mưa tiếp xúc với không khí, nó cũng đồng thời thu gom những vi sinh vật này. Một nghiên cứu của Cho, B. C., và Jang, G. I. vào năm 2014 cho thấy trong các mẫu nước mưa có tận 14 nhóm vi khuẩn, bao gồm như đại diện tiêu biểu như Actinobacteria, Bacteroidetes, Firmicutes, Proteobacteria và các nhóm khác như Acidobacteria, Cyanobacteria.
Một số vi khuẩn gây mụn, như C.acnes, vốn tồn tại sẵn trên da và không gây hại khi trong trạng thái cân bằng. Tuy nhiên, khi có sự mất cân bằng vi sinh và bùng viêm, cộng thêm bít tắc có thể “kích hoạt” chế độ tăng trưởng của bọn này. -
Không chỉ vi khuẩn, nước mưa còn mang theo cả bào tử nấm từ không khí. Những bào tử này có kích thước rất nhỏ và có thể dễ dàng bám vào da.
→ Tóm lại: Sự kết hợp của bụi bẩn, vi khuẩn, và bào tử nấm trong nước mưa tạo nên một tác động đa chiều lên da mặt. Bụi bẩn gây tắc nghẽn lỗ chân lông, vi khuẩn và bào tử nấm tận dụng điều kiện này để phát triển, gây ra viêm nhiễm và hình thành mụn. Đặc biệt, với những người có làn da nhạy cảm hoặc da dầu, nguy cơ này càng cao. Mưa không phải là kẻ thù của da, nhưng khi nước mưa mang theo những yếu tố ô nhiễm từ môi trường, nó có thể trở thành nguyên nhân gián tiếp gây ra các vấn đề da liễu như mụn.
b. Chất mang tính acid như sulfur dioxide và oxit của nitơ
Da chúng ta có một lớp bảo vệ tự nhiên gọi là “lớp màng acid” (acid mantle), với pH trung bình khoảng 4.5 – 5.5, giúp bảo vệ da khỏi vi khuẩn, virus, và duy trì độ ẩm. Lớp màng acid này được tạo thành từ các axit béo tự do và các chất bã nhờn do tuyến dầu tiết ra. Khi tiếp xúc với nước mưa thông thường, lớp màng này không bị ảnh hưởng đáng kể. Tuy nhiên, khi tiếp xúc với mưa acid, vốn có pH thấp hơn rất nhiều (có thể dưới 4), cân bằng tự nhiên của da có thể bị phá vỡ.
Sulfuric acid và nitric acid trong mưa acid có tính chất ăn mòn, dù ở nồng độ thấp. Khi chúng tiếp xúc với bề mặt da, chúng có thể làm suy yếu hoặc phá hủy lớp màng acid. Điều này khiến da mất khả năng tự bảo vệ trước các tác nhân gây hại từ môi trường như vi khuẩn, bụi bẩn, và các chất kích ứng khác. Một khi hàng rào bảo vệ này bị suy yếu, da trở nên nhạy cảm hơn, dễ bị kích ứng, viêm, và mất nước.
Khi lớp màng acid bị suy yếu, da không chỉ dễ bị kích ứng mà còn dễ bị viêm. Mưa acid không chỉ làm giảm pH của da, mà còn có thể dẫn đến sự mất cân bằng trong hệ vi sinh vật trên da.
Ngoài ra, sự phá vỡ hàng rào bảo vệ còn làm tăng khả năng thâm nhập của các chất kích ứng và vi khuẩn vào sâu trong lỗ chân lông. Sự tác động dài hạn của nước mưa acid còn có thể kéo theo các dấu hiệu khác của việc mất hàng rào bảo vệ da mãn tính như da khô ráp, dễ đỏ, tăng sắc tố, tăng nhăn, tăng dấu hiệu lão hoá.
c. Kim loại nặng và chất hữu cơ
Trong không khí của các thành phố lớn, lượng khí thải từ xe cộ, nhà máy và các hoạt động công nghiệp không chỉ chứa các chất khí gây ô nhiễm mà còn mang theo vô số hạt kim loại nặng như chì (Pb) và cadmi (Cd). Khi bốc hơi từ bề mặt trái đất, hơi nước mang theo không chỉ những phân tử H2O mà còn cả các chất ô nhiễm này. Những hạt kim loại nặng này trở thành một phần của quá trình ngưng tụ, và khi mưa rơi xuống, chúng không rơi riêng lẻ mà hòa quyện trong từng giọt nước.
Khi chì, cadmi, và các kim loại nặng khác xâm nhập vào da, chúng có khả năng kích hoạt các phản ứng oxi hóa. Cụ thể, các kim loại này có thể tạo ra các gốc tự do – những phân tử không ổn định gây tổn hại đến tế bào. Gốc tự do có thể tấn công các màng tế bào, protein, và thậm chí cả DNA trong tế bào da, dẫn đến tình trạng stress oxy hóa, khiến da dễ viêm và dễ sinh mụn.
Điều này tạo nên một vòng luẩn quẩn: ô nhiễm dẫn đến tổn thương da, tổn thương da làm tăng nguy cơ mụn, và mụn tiếp tục làm tổn thương da, tổn thương da lại tăng gây mụn…
d. Tác động rửa trôi – Yếu tố ít người để ý
Khi nói đến tác động của nước mưa lên da, ta thường nghĩ đến thành phần hóa học và những chất ô nhiễm mà nước mưa mang theo. Tuy nhiên, có một khía cạnh khác tinh tế hơn, đó là “tác động rửa trôi” của nước mưa. Hiện tượng này xảy ra khi những giọt nước mưa lăn qua lăn lại trên bề mặt da, mang theo những chất bẩn, dầu thừa và vi khuẩn từ vùng da này đến vùng da khác. Dù nghe có vẻ vô hại, nhưng quá trình này thực sự có thể góp phần không nhỏ vào sự hình thành mụn sau khi tiếp xúc với mưa.
Khi nước mưa lăn trên bề mặt da, nó có thể cuốn theo các vi khuẩn từ những vùng da có mật độ vi khuẩn cao, chẳng hạn như vùng mũi hoặc trán. Quá trình này không chỉ đơn thuần di chuyển vi khuẩn, mà còn tạo điều kiện cho chúng tiếp xúc với các vùng da khác, nơi chúng có thể xâm nhập vào các lỗ chân lông còn sạch.
Nếu lỗ chân lông ở những vùng da này bị tắc nghẽn hoặc đã bị suy yếu do các yếu tố khác (như tác động của mưa acid hay các kim loại nặng trong nước mưa), vi khuẩn có thể dễ dàng xâm nhập và gây viêm nhiễm. Điều này giải thích tại sao đôi khi sau khi đi dưới mưa, chúng ta có thể thấy mụn xuất hiện ở những vị trí bất thường trên khuôn mặt hoặc cơ thể (thường dọc theo hướng chảy của nước mưa – như trán, chân mày, quai hàm, cằm và cổ).
Bonus, việc các hạt mưa bắn vào da cũng gây stress vật lý và tăng viêm nhen. Có ai đã từng bị mưa bắn rát hết cả mặt không ạ? :>>>
3. Giải pháp bảo vệ làn da trước cơn mưa
Bạn không thể tránh hoàn toàn việc tiếp xúc với nước mưa, nhưng bạn có thể làm một số điều để bảo vệ làn da của mình:
-
Bảo vệ vật lý: Sử dụng ô, áo mưa hoặc mũ để hạn chế tiếp xúc trực tiếp của da với nước mưa. Nếu da bạn nhạy cảm hoặc bạn đang sống ở khu vực ô nhiễm, đây là biện pháp đơn giản nhưng hiệu quả.
-
Làm sạch da: Ngay sau khi tiếp xúc với nước mưa, hãy rửa mặt bằng nước sạch và sữa rửa mặt dịu nhẹ để loại bỏ bụi bẩn, vi khuẩn và các chất ô nhiễm bám trên da.
-
Dưỡng da và bảo vệ: Sử dụng kem dưỡng chứa chất chống oxy hóa cơ bản như vitamin C hoặc E, hoặc phức tạp hơn như resveratrol hay các loại peptide để giúp da chống lại các gốc tự do. Giảm viêm cũng cần nếu da bạn có dấu hiệu bị đỏ. Thêm nữa, nói tưởng đùa chứ kem chống nắng kháng nước cũng đóng vai trò quan trọng khi đi mưa á, không chỉ bảo vệ da khỏi tia UV mà còn tạo ra một lớp bảo vệ khó trôi thêm trước các yếu tố ô nhiễm trong nước mưa nữa :))))
4. Kết lại
Nước mưa, dù nhìn có vẻ trong lành và vô hại, thực chất chứa đựng nhiều yếu tố có thể gây hại cho làn da của chúng ta. Từ các chất hóa học như sulfur dioxide và oxit của nitơ gây mưa acid, đến bụi bẩn, vi khuẩn, bào tử nấm, và cả kim loại nặng từ ô nhiễm công nghiệp, tất cả đều tạo nên một hỗn hợp phức tạp tiềm ẩn nguy cơ cho làn da.
Khi nước mưa tiếp xúc với da, nó không chỉ tác động hóa học mà còn mang theo những yếu tố vật lý rửa trôi, lây lan bụi bẩn và vi khuẩn từ vùng da này sang vùng da khác. Điều này có thể làm suy yếu hàng rào bảo vệ của da, gây tắc nghẽn lỗ chân lông, viêm nhiễm, và cuối cùng là hình thành mụn.
Mưa không phải là kẻ thù của da, nhưng khi nó bị biến đổi bởi ô nhiễm, nó có thể trở thành nguyên nhân gián tiếp gây ra các vấn đề da liễu như mụn. Do đó, việc bảo vệ và chăm sóc da trước, trong, và sau khi tiếp xúc với nước mưa là vô cùng quan trọng. Hiểu rõ những nguy cơ tiềm ẩn và áp dụng các biện pháp bảo vệ đúng cách sẽ giúp Đồng Điệu duy trì một làn da khỏe mạnh, ngay cả khi phải đối mặt với những cơn mưa của môi trường đô thị hiện đại.
_____________
Bài viết thuộc quyền sở hữu của Lê Duy Kiên và group Đồng Điệu. Đề nghị không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý của tác giả.
Bài viết độc lập, không được tài trợ bởi bất cứ nhãn hàng nào. Chỉ mang tính chất tham khảo. Không thể thay thế các nghiên cứu khoa học chính thống/hay lời khuyên y tế.
Discussion