Vừa rồi là Cô có làm 1 cái clip phân tích về công nghệ bọc Retinol để đời trên Tiktok. Ấy vậy, Cô cảm thấy chưa đã, nên trong bài viết này Cô sẽ chia sẻ thêm với mọi người, đặc biệt là những ai chán content dạng clip thì có thể qua đây đọc bài Cô rồi nghiền ngẫm thêm nhá!
Xem full clip của cô tại đây nhé.
@titphong2001 Phân tích công nghệ bọc Retinol #cophonghoacoc #learnontiktok #beautytip #skincare #retinol #zoskinhealth #twinsskin #obagi #encapsulated
1. Đặt vấn đề: Tại sao cần phải bọc retinol lại?
– Khó dùng vào buổi sáng, hoặc phải tắt đèn sau khi bôi thoa.
Thực ra cấu trúc của Retinol vốn nó cũng khá là bền vững, nhưng khi sử dụng vào buổi sáng, dưới tác động của tia UV thì nó rất là dễ bị biến đổi, Cô không dám giải thích sâu xa hơn vì nó thuộc về lĩnh vực hóa lượng tử, nghe xong ù tai luôn.
Ngoài ra, ngay từ cấu trúc phân tử của Retinol là đã có những nối đôi liên hợp với nhau, nên việc các gốc tự do phản ứng với tụi này là rất dễ dàng làm banh cái phân tử Retinol.
Tuy nhiên, chuyện phải tắt đèn sau khi bôi thoa Retinol thì Cô nghĩ là điều không thuyết phục lắm, hôm nào Cô rãnh sẽ soạn sẵn giáo án bài viết với clip để nêu ra quan điểm của Cô dựa trên những cái dẫn chứng khoa học. Vì thực tế, năng lượng ánh sáng của đèn trong phòng nó không đủ mạnh để bẻ gãy cấu trúc phân tử Retinol dễ dàng như vậy được.
– Tính thẩm thấu kém
Anh/chị nào học thuộc về cấu tạo da 1 cách bài bản thì sẽ nhớ: hàng rào bảo vệ da là những lớp lipid kép, tức là lớp nước xen kẽ với lớp dầu (layer-by-layer) tạo ra 1 hàng phòng thủ vững chắc. Chính vì lẽ đó mà các tác nhân ngoại lai như vi khuẩn, chất lạ sẽ khó thâm nhập vào sâu trong da, thậm chí là mỹ phẩm cũng vậy. Nếu như không bào chế bằng hệ nền có tính đưa dẫn tốt thì chắc chắn Retinol khó thâm nhập vào da để active được.
– Dễ bị kích ứng
Khi nồng độ Retinol thâm nhập vào bên trong tế bào quá lớn, chúng sẽ kích hoạt các tế bào hoạt động tăng sinh một cách kịch liệt, dẫn đến quá trình đẻ ra NMF trong lớp sừng không kịp, cuối cùng là gây khô da, bong tróc.
Hoặc cũng có thể là Retinol không thâm nhập hết vào bên trong tế bào, chúng còn lẩn quẩn bên ngoài và hệ miễn dịch sẽ phát hiện như 1 chất lạ và gây viêm. Khi đó, phải kiểm soát tốc độ giải phóng để giảm bớt tình trạng kích ứng.
Nhằm để cải thiện những khuyết điểm mà Cô vừa nói, nhiều nhãn hàng đã phát triển thêm các công nghệ bọc Retinol để tối ưu hóa hiệu quả cũng như tình trạng kích ứng khi dùng. Phần dưới này thì Cô sẽ phân tích sâu hơn về cấu trúc, điểm sáng của 3 công nghệ bọc trong những con Retinol đình đám trên thế giới.
2. Phân tích công nghệ bọc
2.1. Công nghệ bọc Oleosome
Cô nghĩ nếu ai sành đồ skincare cao cấp thì cũng đã nghe qua cái tên công nghệ này 1 lần rồi, đó là Retinol của ZO, nhưng chắc chắn là Cô không có review đâu, chỉ là phân tích công nghệ bọc để mn hiểu sâu hơn. Giờ Cô sẽ bóc tách cho mọi người biết nó có cấu trúc như thế nào nhé!
Oleosome, dịch theo nghĩa thì oleo = dầu, some = thể cấu trúc. Bắt nguồn từ tiếng Latin, oleosome là những cái hạt dầu rất nhỏ có trong thực vật, cụ thể hơn là trong phần hạt – cái nôi để sinh ra mầm sống mới. Thường thì cái gì tinh túy nó cũng sẽ nằm trong phần hạt giống hết :)))
Kích thước hạt oleosome sẽ rơi vào khoảng 0.2 đến 2.0 micromet và chỉ có 1 LỚP PHOSPHOLIPID bao bọc những gì bên trong nhân.
Phần nhân là nơi chứa các acid béo không bão hòa đa như Linoleic (omega-6), Linolenic (omega-3)… Chung quy là phần nhân bên trong là biết nó giàu dinh dưỡng cỡ nào rồi. Còn khi điều chế Retinol bọc oleosome, người ta cũng sẽ dễ dàng nhét Retinol chung vào trong phần nhân này, vì thực chất Retinol là 1 chất ưa dầu.
Nhưng nói gì thì nói, điểm khác biệt là phần vỏ của oleosome khá là mong manh nếu như chỉ có 1 lớp phospholipid bảo vệ mà thôi. Thậm chí khi mà so sánh với bọc liposome, thì liposome có tận 2 lớp phospholipid kép (giống như trong các màng tế bào động vật), vậy chả lẽ những cái oleosome trong hạt thực vật nó rất chi là dễ vỡ?
Thực tế thì không phải như vậy, tạo hóa không bỏ rơi một ai khi ông trời ban cho nó thêm những protein gọng kìm hình chữ V để khóa chặt cái lớp vỏ, giúp cho hạt oleosome trở nên bền vững hơn, chịu được lực ép cao hơn và không bị vỡ ra dưới tác động cơ học cực lớn.
Nếu xét về mặt bào chế, công thức Retinol được bọc Oleosome này cô đánh giá nó khá là bền bỉ, đủ để chạy đường dài và thâm nhập vào sâu trong da, thậm chí là chạm tới được màng đáy để mang lại hiệu quả tốt nhất.
Còn nếu mà xét ở khía cạnh sinh tồn của thực vật, Cô nhận thấy rằng nhờ những protein này nó sẽ làm bền hạt oleosome, đảm bảo quá trình vận chuyển chất dinh dưỡng bên trong tế bào dù cho bên ngoài môi trường có sự thay đổi như nào đi nữa.
Khi đi sâu hơn về bảng thành phần, Cô nhận thấy rằng nguyên liệu chính mà họ sử dụng đó là dầu trong hạt hạnh nhân ngọt để làm nguyên liệu cấu thành hạt oleosome. Bởi vì loại dầu này có chứa rất nhiều acid béo không bão hòa như Oleic và Linoleic acid, chủ yếu là vì tụi này có cấu trúc lỏng lẻo và linh hoạt. Khi đó, Retinol được bào chế nó mới có thể phân tán đều ở trong phần lõi của hạt nhân.
Đây cũng chỉ là phỏng đoán mang tính logic của Cô từ những mảnh ghép gợi ý khi mà đọc tài liệu, chứ ko phải là hãng claim quỵt toẹt ra đâu. Nếu có ý kiến gì thì hãy đóng góp thêm dưới comment cho Cô nhé!
2.2. Công nghệ bọc Polymeric Micelle
Nói trước là Cô không hề seeding sản phẩm cho chủ nhãn hàng aka admin Là Trang trong đây, chỉ là Cô muốn phân tích công nghệ bọc Polymeric Micelle của Retinol nhà Twins 1 cách “thuần khiết” nhất.
Complex bọc Retinol Polymeric Micelle được công bố trên internet khá là minh bạch: Poloxamer 235, Retinol, Polysorbate 20, Sodium Ascorbate, Epigallocatechin Gallate.
Cấu trúc thì cũng sẽ có phần giống với công nghệ bọc oleosome, phần lõi ưa dầu để chứa Retinol, còn phần vỏ sẽ ưa nước. Nhưng điểm nổi bật ở công nghệ bọc này đó là có thể sử dụng vào buổi sáng, ít kích ứng hơn và hiệu quả cũng mạnh mẽ.
Sở dĩ công nghệ bọc này có thể dùng vào buổi sáng là vì ngay trong chính công nghệ bọc đó, nó có kèm theo 2 chất chống oxy hóa mạnh là Vitamin C (dạng Sodium Ascorbate) và EGCG (hoạt chất tinh khiết được ly trích trong trà xanh). Đặc biệt là EGCG có thể chặn tia UV, bảo vệ cho Retinol không bị biến đổi cấu trúc khi tiếp xúc với tia UV.
Mặt khác, khả năng gây kích ứng của cái bọc Polymeric Micelle nó sẽ được giảm thiểu đi đáng kể so với những dạng khác. Bởi nếu so sánh với bọc oleosome, cái vỏ bọc của nó có chứa protein từ thực vật – đây là kháng nguyên lạ vs cơ thể con người, có thể gây kích ứng (cần thêm bằng chứng để chứng minh là nó không có gây kích ứng nhiều hơn thì mới thuyết phục được). Còn các loại công nghệ bọc Polymeric Micelle dùng thì nó không kích hoạt hệ miễn dịch ở da và được test lâm sàng
1 điểm đặc biệt nữa đó là khả năng cải thiện bề mặt da của Retinol bọc Polymeric Micelle lại có hiệu quả gấp đôi so với Retinol không bọc khi nhà cung cấp nguyên liệu test trên da người. Đây là điểm sáng giá mà Cô thấy rất thuyết phục.
Cái này thì hãng và tài liệu nhà sản xuất có công bố rõ ràng, minh bạch, không giấu diếm gì nên Cô cảm thấy tìm hiểu về cái này khá là dễ dàng.
2.3. Công nghệ bọc Entrapped Retinol
Ngồi mò mẫm 1 ngày 1 đêm về công nghệ này thì cuối cùng Cô cũng biết tên đầy đủ của em nó là “poly-pore entrapped retinol” của 1 nhà sản xuất. Chứ ban đầu, hãng O chỉ claim là sử dụng công nghệ Entrapped Retinol thui, nên tìm mãi không thấy bất kỳ thông tin khoa học hay từ nhà sản xuất nào cả.
Chia sẻ thêm, lúc Cô tìm từ khóa “poly-pore entrapped retinol” thì có 1 nhà cung cấp nguyên liệu cho ra phức hợp thành phần mà hãng O sử dụng, tên ẻm là Poly-Pore® 120 RE Retinol Delivery System, check INCI Name sẽ bao gồm: Allyl Methacrylate Crosspolymer, Polysorbate 20, Retinol and BHT.
Phân tích về công nghệ này, thì ngay từ cái tên, nó cũng đã nói lên tất cả, Poly-pore nghĩa là: Poly = nhiều, pore = lỗ. Vậy tính chi là có nhiều cái lỗ trên bề mặt của hạt vi cầu. Cụ thể thì hạt vi cầu này được cấu tạo từ Allyl Methacrylate Crosspolymer có kích thước rất là nhỏ (nhưng không rõ là kích thước hạt bao nhiêu).
Việc có nhiều cái lỗ như vậy sẽ giúp cho Retinol có thể trú ngụ trong các lỗ xốp đó và khống chế tốc độ giải phóng Retinol vào trong các lớp sâu hơn dưới da, giúp kéo dài hiệu quả theo thời gian, làm giảm sự kích ứng.
Hơn nữa, trong phức hợp này còn có thêm chất bảo quản là BHT – đầy đủ là Butylated Hydroxytoluene, nhiệm vụ của em nó là hấp thụ tia UV và chống oxy hóa. Hiển nhiên, nó sẽ bảo vệ cho Retinol ko bị tổn hại bởi tia UV và sự oxy hóa.
*Chia sẻ thêm 1 chút:
Thật ra, vào 1 ngày đẹp trời thì Cô cũng vô tình thấy được Retinol của Skin.Ceuticals họ cũng sử dụng công nghệ bọc này vì INCI Name trong bảng thành phần chai Retinol ấy cũng sử dụng tổ hợp các thành phần giống với cái vỏ bọc của nhà cung cấp đó.
Cô cũng tìm vài nguồn trên mạng thì 1 số web cũng có nói là em này có bọc, còn web hàng thì không nói, có thể là cạnh tranh với lại hãng O nên họ chọn cách im re, rồi đánh theo hướng là Retinol nền cồn nên mới mạnh. Mà thôi, đây cũng là suy luận của Cô nên mọi người tin hay không thì tùy nè!
Đọc đến đây chắc hoa mắt ù tai rồi chứ gì, nhưng thôi, buồn buồn ngồi viết 1 bài chuyên sâu cho mọi người đọc thêm. Vì mấy cái này là Cô cũng tự tìm kiếm rồi chia sẻ cho mọi người, Cô thấy hãng nào minh bạch, công khai thì Cô dễ tìm và phân tích. Còn bí ẩn quá, giấu giấu diếm diếm thì thui, cơ hội chỉ dành cho người hữu duyên.
_______________
À, do Phong đang xây dựng thương hiệu cá nhân, có gì ông đi qua, bà đi lại, cho Phong xin 1 follow, xem như là động lực để tiếp tục chia sẻ những nội dung về mỹ phẩm mang tính chuyên môn hơn nhé!
Fanpage Cô Phong Hoá Cọc
TikTok Cô Phong Hoá Cọc
_______________
Bản quyền sở hữu thuộc Đinh Tùng Phong và Đồng Điệu.
Đề nghị không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý của tác giả.
Discussion