Nếu như trước kia, táo đỏ chỉ được dùng trong các bài thuốc Y học cổ truyền, hoặc trong một số loại trà dưỡng sinh, thì bây giờ chúng ta có thể thấy sự xuất hiện của táo đỏ ngày một phổ biến, và dần dần chúng ta hợp thức hoá nó như một loại đồ ăn vặt.

Táo đỏ có vị ngọt, tính bình; quy vào kinh can, thận, tỳ và vị. Tác dụng của quả táo đỏ là bổ tỳ, dưỡng vị, ích khí, dưỡng huyết, nhuận tâm phế, sinh tân dịch, bổ can, chỉ thấu, giải độc dược, điều hòa các vị thuốc. Nhờ vậy, táo đỏ sử dụng trong rất nhiều bài thuốc giúp cải thiện tiêu hoá, bổ can thận, bổ máu, giúp cơ thể khoẻ mạnh, da dẻ hồng hào nhuận sắc,...

Thành phần có trong táo đỏ

Trong nghiên cứu của y học hiện đại

Các nghiên cứu về thành phần hợp chất có trong táo đỏ đã được tiến hành bởi nhiều nhà khoa học. Kết quả chỉ ra rằng thảo dược này mang nhiều dưỡng chất có lợi cho sức khỏe. Cụ thể như sau:

- Hoạt chất Saponin, Polyphenol, Kali, Natri, chất xơ tốt cho não bộ và hệ tuần hoàn.

- Calcium, Phốt pho, Sắt cần thiết cho xương và máu.

- Ngoài ra, còn các chất thiết yếu như: Aspartic acid, Proline, Valine, Lysine, Desmosterol, Vitamin A, B2, C,…

Năm 2022, tạo chí Dermatologic Therapy có bài nghiên cứu “Brightening effect of Ziziphus jujuba (jujube) fruit extract on facial skin: A randomized, double-blind, clinical study” (tạm dịch: Ảnh hưởng làm sáng da của chiết xuất táo đỏ: Một nghiên cứu lâm sàng ngẫu nhiên, kép mù) [1].

Các tác giả đã thực hiện nghiên cứu lâm sàng ngẫu nhiên, kép mù: 46 người tham gia, chia thành 2 nhóm sử dụng nước táo đỏ và sử dụng giả dược 2 lần một ngày trong 8 tuần. Kết quả cho thấy nhóm sử dụng táo đỏ có chỉ số cải thiện sắc tố tốt hơn so với nhóm giả dược.

Với những điều trên, chúng ta không thể phủ nhận những ích lợi của táo đỏ đối với sức khoẻ và sắc đẹp. Tuy nhiên, cũng chính vì những lợi ích được biết đến như vậy cộng với việc người bán táo đỏ không hiểu rõ cách dùng đã khiến cho mọi người mua và ăn táo một cách bừa bãi. Vô hình chung làm cho 1 loại thuốc bổ trở thành phản tác dụng.

Tuy rằng táo đỏ rất tốt, nhưng nó là một vị thuốc, và đã là thuốc thì cần dùng đúng: ĐÚNG ĐỐI TƯỢNG, ĐÚNG LIỀU LƯỢNG, và ĐÚNG CÁCH DÙNG.

1. ĐÚNG ĐỐI TƯỢNG

Về cơ bản, phần lớn mọi người đều có thể dùng táo đỏ. Tuy nhiên, với những người có thể chất Đàm thấp thì cần phải cân nhắc.

Người có thể chất này đa phần sẽ có chỉ số BMI ở ngưỡng từ bình thường cao trở lên, vòng 2 lớn, mồ hôi nhiều, dầu và dính, thích ăn đồ béo ngọt, mà táo đỏ là loại quả rất ngọt, càng khiến họ khó kiềm chế mà ăn với số lượng nhiều. Bản thân mình cũng đã rất dễ dàng ăn liên tục 500g táo chỉ trong 2 ngày.

Ở những người này, Đàm (chất nhầy hoặc dịch đặc) và thấp (tính ẩm ướt) tích tụ, không được lưu thông đúng cách, dẫn đến sự ứ trệ (tắc nghẽn). Các bạn sẽ cảm thấy là tứ chi nặng nề, mệt mỏi, uể oải, cơ nhục lỏng lẻo, hay thấy tức nặng vùng như ngực sườn, …

Nếu những người có thể trạng này mà thường xuyên sử dụng táo đỏ sẽ khiếp cho đàm thấp càng dễ tích tụ, khí huyết trở trệ, không lưu thông. Nặng hơn, nhiều bạn còn cảm thấy như người đang nóng bừng, da bị nổi mụn, thậm chí còn ảnh hưởng tới tiêu hoá, gây đau dạ dày,buồn nôn, đắng miệng, hôi miệng do đàm thấp tích tụ lâu ngày gây chứng vị hoả (trào ngược dạ dày thực quản),...

Còn với những người không thuộc dạng thể chất trên, nếu ăn lượng táo lớn trong thời gian dài, cơ thể cũng có thể dần tích tụ đàm thấp mà gây nên các vấn đề tương tự.

2. DÙNG ĐÚNG LIỀU VÀ ĐÚNG CÁCH

Để tận dụng tối ưu hiệu quả của vị thuốc này, bạn cần lưu ý dùng liều vừa phải, bởi liều lượng là điều quan trọng. Bạn có thể dùng Chu sa ( chứa Thuỷ Ngân) với liều lượng rất nhỏ để làm thuốc mà không gây hại gì, nhưng với các loại có vẻ vô hại như táo đỏ, lượng nhiều cũng có thể gây ảnh hưởng không tốt.

Bởi vậy, với mục đích dưỡng sinh, bồi bổ mỗi ngày cho sức khoẻ, thì 3 - 4 quả một ngày là đủ. Cách dùng thì cực kì đa dạng. Bạn có thể cắt nhỏ, bỏ hạt , đun nước lên uống như một dạng trà. Hoặc bạn cho vào thức ăn để hầm với canh. Cơ bản là bạn nên nấu lên, sẽ tốt hơn việc ăn sống.

Với những người hay có vấn đề về tiêu hóa, chẳng hạn hay đầy bụng, khó tiêu, đau dạ dày, viêm loét dạ dày, chúng ta nên cân nhắc có thể bỏ qua vị thuốc này. Hoặc nếu muốn dùng thì phải cân chỉnh liều lượng, chia nhỏ thời gian sử dụng: sáng 1 quả, trưa 1 quả, tối 1 quảNgười bị tiểu đường cũng cần lưu ý vì vị táo đỏ khá ngọt. Dùng không cẩn thận sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe.

Hiệu quả hơn nữa thì các bạn có thể tham khảo ý kiến bác sĩ đông y để được kê những bài thuốc có táo đỏ kết hợp cùng các vị thuốc khác phù hợp với thể trạng cụ thể của bạn, thì như vậy táo đỏ sẽ có thể phát huy tối ưu tác dụng hơn rất nhiều nhé!


Tài liệu tham khảo:

Aafi, E., Ardakani, M. R. S., Nasrollahi, S. A., Ardakani, M. M., Samadi, A., Hajimahmoodi, M., Naeimifar, A., Pourjabbar, Z., Amiri, F., & Firooz, A. (2022). Brightening effect of Ziziphus jujuba (jujube) fruit extract on facial skin: A randomized, double‐blind, clinical study. Dermatologic Therapy, 35(7).