Đứng trên quan điểm của mình, thứ nhất trẻ sơ sinh là đối tượng đặc biệt, các cơ quan trong cơ thể chưa hoàn thiện nên việc sử dụng thuốc bừa bãi là không nên. Thứ hai, vì là đối tượng có làn da nhạy cảm nên bé rất dễ mắc các bệnh về da, các bệnh này thường do nhiều nguyên nhân khác nhau: vi khuẩn, vi nấm, virus,.. và đối với mỗi nguyên nhân đều có những phương pháp điều trị khác nhau.
Nên điều các mẹ cần làm là phân biệt từng loại bệnh ngoài da và nguyên nhân gây nên, để có thể nhận biết sơ bộ và tốt hơn hết là nhờ sự tư vấn từ bác sĩ, dược sĩ có chuyên môn để sử dụng thuốc phù hợp với vấn đề mà bé đang gặp phải.
Một số vấn dề da liễu thường gặp ở trẻ sơ sinh bao gồm:
1. Hăm tã ở trẻ sơ sinh
Nguyên nhân: thường do nước tiểu hoặc những chất bẩn tiếp xúc lâu với da em bé tại vùng quấn tã và chính môi trường ẩm ướt là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn và nấm phát triển.
Dấu hiệu:
- Da nổi mẩn đỏ thường xuyên, để một thời gian không thấy lặn.
- Mụn đỏ xuất hiện ở vùng da có nếp nhăn, bộ phận sinh dục và phần mông.
- Vùng da bị hăm khi chạm vào có cảm giác nóng hơn so với những vùng da khác.
Cách xử lý:
- Giữ trẻ luôn sạch sẽ, khô ráo, thay tã thường xuyên, sử dụng tã thông thoáng tránh gây bí
- Cần đến gặp bác sĩ khi trẻ có dấu hiệu hăm kéo dài trên 5 ngày, có sốt, nổi nhiều mụn mủ (có dấu hiệu nhiễm khuẩn nghiêm trọng).
2. Chàm sữa
Dấu hiệu: Xuất hiện những mụn nước nhỏ li ti xuất hiện hai bên má rồi lan ra cằm, trán; sau xuất hiện những mụn nước. Chúng nhanh chóng vỡ ra và đỏ, rỉ dịch rồi khô, nứt nẻ, rịn nước, đóng mày tróc vảy và ngứa.
Nguyên nhân: Do môi trường ô nhiễm, thiếu ẩm, cơ địa da bé khô và rối loạn chức năng hệ miễn dịch dễ dẫn đến hư tổn hàng rào bảo vệ da.
Cách xử lý:
- Dùng sữa tắm dịu nhẹ, có pH trung tính
- Vệ sinh nhẹ nhàng cho bé, tránh chà sát gây tổn thương
- Dưỡng ẩm đều đặn để cải thiện tình trạng khô của da, giúp củng cố hàng rào bảo vệ da, tránh tái phát
- Nếu tái đi tái lại, trẻ có dấu hiệu nhiễm khuẩn cần liên hệ bác sĩ.
3. Nấm da
Dấu hiệu: Xuất hiện một hoặc nhiều vòng màu đỏ rực. Những vòng tròn có đường kính khoảng 6mm. Vòng trung tâm thường có màu hồng, hồng nhạt hoặc đỏ, trong khi vòng ngoài nổi lên trên và có màu sắc nét. Khi nấm phát triển, các vòng tròn này trở nên lớn hơn nhưng tới khoảng 2,5cm, chúng ngừng phát triển. Vùng da này có thể xuất hiện thành từng mảng, bề mặt còn có các vảy có cạnh sắc cứng hoặc mụn nước nhỏ phồng rộp.
Nguyên nhân: nhiễm nấm do tiếp xúc, môi trường ẩm ướt và hệ miễn dịch yếu là một trong những nguyên nhân thường gặp
Cách xử lý: Nấm là một trong những nguyên nhân gây vấn đề về da khá phức tạp và khó điều trị. Vì có rất nhiều chủng nấm có thể gây viêm da và không phải loại nấm nào cũng đáp ứng với một loại thuốc nhất định. Khi bé đã có dấu hiệu nhiễm nấm thì cách tốt nhất là nhờ sự can thiệp của bác sĩ để có thể điều trị cho bé dựa vào phác đồ theo kinh nghiệm, hoặc phết da lấy mẫu để xác định đúng loại nấm gây bệnh và điều trị triệt để.
4. Bệnh rôm sẩy
Dấu hiệu: Rôm sảy ở trẻ em là hiện tượng trên da (mặt, cổ, ngực, lưng) của trẻ xuất hiện các mụn nhỏ có màu hồng hoặc đỏ. Những mụn nhỏ này có thể to như đầu kim, cũng có thể là các hạt lấm tấm, li ti. Trên đầu mụn rôm có nước.
Nguyên nhân:
- Tuyến mồ hôi chưa phát triển đầy đủ, dễ gây bít tắc, nhất là vào mùa hè
- Mặc quần áo quá chật, không thấm hút mồ hôi, dễ gây bí
- Thời tiết nóng ẩm, khiến vi khuẩn dễ phát triển mạnh mẽ hơn
Cách xử lý:
- Mặc quần áo thoáng mát, thấm hút mồ hôi tốt
- Tránh để bé gãi, ma sát nhiều lên vùng da có rôm, dễ tạo vết thương hở và gây nhiễm khuẩn
- Khi có dấu hiệu nhiễm khuẩn, cần liên hệ bác sĩ để điều trị
Đây là một số các vấn đề về da mà trẻ sơ sinh dễ mắc phải. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến các vấn đề về da kể trên và tuỳ từng nguyên nhân sẽ có các cách xử lý khác nhau. Riêng, khi bé đã có tình trạng nhiễm khuẩn, nhiễm nấm và viêm (dấu hiệu chung là trẻ quấy khóc nhiều, sốt, xuất hiện mụn mủ,…) thì điều CẦN THIẾT các mẹ nên làm đó là không được tự ý sử dụng thuốc bừa bãi cho trẻ, đặc biệt là Corticoid.
Mình nhấn mạnh Corticoid khá nhiều lần vì đây là một hoạt chất kháng viêm, có hiệu quả nhanh nên thường bị lạm dụng và sử dụng bừa bãi. Nhưng chơi dao thì có ngày đứt tay, Corticoid gây ra nhiều tác dụng phụ đặc biệt là ở trẻ sơ sinh, khi dùng corticoid dài ngày có thể gây ảnh hưởng đến chức năng tuyến thượng thận, làm trẻ chậm phát triển, teo da, hội chứng Cushing (tăng cân, béo phì,..), suy giảm sức đề kháng và hàng loạt các tác dụng phụ nghiêm trọng ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.
Chính vì vậy, hoạt chất này đã nằm trong danh mục thuốc kê đơn, và bắt buộc phải có sự chỉ định và theo dõi của những người có chuyên môn, nên việc tự ý mua và sử dụng bừa bãi là chuyện HOÀN TOÀN KHÔNG NÊN!
5. Tóm lại
Khi bé nhà bạn có bất kỳ vấn đề sức khỏe nào, đặc biệt là các vấn đề về da liễu, điều quan trọng là phải đưa bé đi khám bác sĩ da liễu để được chẩn đoán và điều trị chính xác. Tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc cho bé, kể cả những loại thuốc được cho là “nhanh khỏi” hoặc “bệnh gì cũng được” mà không có chỉ định của bác sĩ.
Các thông tin trên mạng, bao gồm cả những thông tin được truyền tai nhau, không phải lúc nào cũng chính xác và đáng tin cậy. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi đưa ra bất kỳ quyết định nào liên quan đến sức khỏe của bé.
_____________
Bài viết thuộc quyền sở hữu của Hằng Võ và group Đồng Điệu. Đề nghị không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý của tác giả.
Bài viết độc lập, không được tài trợ bởi bất cứ nhãn hàng nào. Chỉ mang tính chất tham khảo. Không thể thay thế các nghiên cứu khoa học chính thống/hay lời khuyên y tế.
Discussion