Cốc, Cốc, Cốc! Là mình đây.
Nhìn bản thân và những người xung quanh, chắc ae Đồng Điệu cũng biết người Việt mình khá… lười vận động. Quán ăn ở con hẻm kế bên nhưng phải đặt app giao hàng, đi đến cửa hàng cách 500m bằng xe máy… là chuyện không hiếm. Và thực sự thì theo số liệu của Trung tâm Dinh dưỡng TP. HCM, mỗi ngày, người Việt đi bộ trung bình 3.600 bước, dân văn phòng thì chỉ có 600 bước trong khi khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới là 10.000 bước.
Theo các chuyên gia văn hóa thì chuyện này không mới mà đã có cách đây từ hàng nghìn năm. Một là chúng ta sống trong nền văn minh lúa nước, sinh sống lâu dài tại một vùng đất chứ không di chuyển liên tục trên đồng cỏ, sa mạc. Hai là lối sống khu biệt thành các cộng đồng nhỏ, không có lý do để đi xa. Ba là chúng ta có thân hình nhỏ bé, ít cơ bắp, không phù hợp hoạt động thể chất nhiều. Cuối cùng là do cuộc sống nghèo khó, buộc phải tiết kiệm năng lượng bằng cách vận động để tồn tại.
Nghe hay ha, nhưng lấy ra làm lý do ngụy biện mới cho sự lười vận động thì hong ổn đâu, vì ngày nay khác ngày xưa rồi, đặc biệt là thể trạng và sức bền của người Việt đã được cải thiện.
Nhưng loay hoay từ lúc mở mắt dậy đến khi về nhà từ trường học/chỗ làm cũng chưa chắc được thảnh thơi, vậy thời gian đâu để hoạt động thể chất?
Thời gian ở đây nè 🤲
1. Ý thức rằng bản thân cần vận động
Suy nghĩ thay đổi thì hành động cũng đổi thay. Chỉ cần bạn luôn nhớ rằng mình cần phải vận động trong ngày thì tự khắc bạn sẽ tìm ra cách, có thể là chẳng cần đến những gợi ý dưới đây luôn.
2. “Một cây làm chẳng nên non”
Rủ thêm nhỏ bạn chắc là siêng hơn. Để có động lực cho những hoạt động thể chất, bạn có thể “lôi kéo” người thân, người yêu, bạn bè, đồng nghiệp hoặc… thú cưng. Mình thấy nhiều “con sen” đi làm về mệt đến mấy cũng ráng dắt đứa ngủ 18 tiếng ở nhà đi dạo vì sợ nhỏ bị stress =)))
3. Tranh thủ từ những chuyện nhỏ nhặt
Mình hiểu rằng khi chúng ta đã cảm thấy quá bận rộn và thiếu động lực thì những lời khuyên như “hãy dậy sớm”, “hãy sắp xếp thời gian” không có nhiều ý nghĩa.
Nên trước tiên, bạn không nhất thiết phải sắp xếp một buổi tập luyện “đàng hoàng” mà có thể tranh thủ những cái cớ để vận động trong ngày. Ví dụ như đi bộ đến những nơi cần đến nếu khoảng cách không quá xa, đi dạo nhẹ nhàng sau khi ăn tối, leo thang bộ vài tầng thay vì thang máy…
Những điều này sẽ giúp bạn cải thiện được tần suất vận động của mình và thoát khỏi cảm giác làm biếng, tạo nền tảng cho việc tập luyện nghiêm túc với tần suất cao hơn sau này.
Tóm lại là:
- Linh hoạt theo lịch trình của bản thân.
- Không tự áp lực rằng một buổi tập luyện chỉn chu mới là hoạt động thể chất.
Các Đồng Điệu có cách gì khác thì cứ chia sẻ để mọi người cùng tham khảo nhen.
Discussion