Xem nội dung tóm gọn tại: ĐÂY

@latrang.co

Bật mí bí mật về thí nghiệm mỹ phẩm trên động vật. Thí nghiệm mỹ phẩm trên động vật có thực sự cần thiết? #thuanchay #myphamthuanchay #testanimal #latrang #latrangskincaretoigian #skincaretoigian #beautytok #learnontiktok

♬ original sound – Là Trang – Là Trang

 

 

Tuy nhiên, Trang chưa thấy nhiều người nói về lý do vì sao thí nghiệm trên động vật bị lên án rất nhiều nhưng vẫn chưa thể nào xóa bỏ nó? Nên trong bài viết này, Trang sẽ chia sẻ lại với các Đồng Điệu buổi nói chuyện thực tế, vô cùng thú vị của Trang với Tiến sĩ Lê Vân (Đại học Y Dược) về vấn đề này. Mời các

Đồng Điệu cùng Trang mở rộng góc nhìn!

I/ Vì sao thí nghiệm trên động vật vẫn chưa thể xóa bỏ

1. Thí nghiệm trên động vật có thể là cách để che giấu kết quả thí nghiệm

Chưa gì đã bắt đầu với góc sân si rồi :)) Nhưng cái gì thực tế thì mình vẫn phải nói. Thí nghiệm trên động vật thì không nhất thiết phải công khai kết quả. Nhưng một khi đã làm thí nghiệm lâm sàng (tức là thí nghiệm trên người) thì chắc chắn là phải công khai kết quả. FDA có quy định rõ ràng về vấn đề này.

thi-nghiem-tren-dong-vat

Do đó, trong trường hợp thí nghiệm lâm sàng không cho kết quả như mong đợi thì không giấu được. Còn thí nghiệm trên động vật được kết quả như mong đợi thì có thể mang ra PR, còn không được thì vẫn không sao cả (vẫn còn cơ hội chứ không bị cấm luôn).

Ví dụ bạn muốn PR nồng độ % hoạt chất A, bạn test trên động vật đang rất ổn. Nên ngưng đó để có thông tin đem đi PR được rồi. Chứ mà tiếp tục đem test trên da người rồi lỡ nó không mang lại kết quả tương tự, thậm chí thể hiện kết quả ngược lại thì thôi coi như xong, nghỉ PR.

2. Thí nghiệm trên động vật có ưu điểm là dễ nghiên cứu cơ chế

Góc sân si rồi đến góc chân thật nè. Công bằng mà nói, thí nghiệm trên động vật vẫn có những ưu điểm của nó. Hãy có niềm tin là chúng ta có nhiều nhà khoa học chân chính.

Họ không thí nghiệm trên động vật vì muốn giấu kết quả. Mà họ chọn thí nghiệm trên động vật vì nó có ưu điểm là NGHIÊN CỨU ĐƯỢC CƠ CHẾ.

Các nhà khoa học có thể lóc da động vật ra để kiểm tra các tế bào trong đó. Còn da người sống thì ai dám lóc?

thi-nghiem-tren-dong-vat-1

3. Có những phương pháp test chỉ có thể dùng da động vật thay vì da người

Bạn biết đấy, chúng ta có thể gây bệnh trên da động vật sau đó dùng thành phần muốn test để thử hiệu quả/ độ an toàn. Còn da người chỉ có thể dựa vào bệnh nhân có bệnh da sẵn chứ không được cố ý gây bệnh. Quá trình tìm kiếm da người bệnh đương nhiên phức tạp hơn nhiều. Do đó, thí nghiệm trên động vật vẫn khả thi hơn.

Một ví dụ về hình ảnh chuột bị quang hóa, tức là chiếu UV rất lớn làm cho da nhăn trong Thí nghiệm test Tretinoin của Bác sĩ Kligman.

thi-nghiem-tren-dong-vat-2

Hoặc tạo các vết thương hở trên da thỏ trong Thí nghiệm test hiệu quả của GHK-Cu.

thi-nghiem-tren-dong-vat-3

Chưa kể, thí nghiệm trên người cần phải có hội đồng y đức thông qua mới được làm, đòi hỏi phải đảm bảo nhiều thứ về mặt đạo đức giữa con người với con người. Và trong suốt quá trình nghiên cứu phải đảm bảo chế độ ăn uống sinh hoạt sao cho phù hợp với nghiên cứu. Nói chung yêu cầu rất phức tạp.

Đó là toàn bộ những thông tin trong buổi nói chuyện với chị Vân mà Trang thấy nó cụ thể hơn so với các thông tin on top Google nên chia sẻ thêm với các Đồng Điệu.

Nghe tới đây chắc nhiều bạn đang nghĩ có phương pháp gì thay thế không đúng không nè? Câu trả lời là có, các Đồng Điệu đọc phần tiếp nha.

II/ Các phương pháp thay thế thí nghiệm trên động vật

1. Các phương pháp phổ biến

Tính tới thời điểm hiện tại đã có nhiều phương pháp thay thế thí nghiệm trên động vật như:

– Nuôi cấy tế bào trong ống nghiệm: là quá trình phân lập tế bào khỏi mô sống và nuôi nấng, theo dõi dưới điều kiện môi trường nhân tạo, tương thích với môi trường trước đó của chúng.

– Sử dụng siêu máy tính từ dữ liệu con người: có thể thực hiện tính toán hơn hàng trăm triệu tỷ phép tính mỗi giây dựa trên dữ liệu sẵn có của con người để đưa ra kết quả cuối cùng.

– Dùng các cấu trúc da mô phỏng, nhân tạo, giống với da người để nghiên cứu.

Mỗi phương pháp trên đều có ưu nhược điểm riêng nhưng chưa có phương pháp nào thay thế được hoàn toàn vì động vật cũng là một thực thể sống nên ít nhiều sẽ có những điểm tương đồng với con người.

– Thu mua da người được cắt bỏ trong các cuộc phẫu thuật:

Hay hiện tại Trang cũng thấy có một số bên đã thu mua da người được cắt bỏ trong các cuộc phẫu thuật cắt da thừa sau đó tiến hành nuôi cấy. Ưu điểm của việc làm này là giữ được toàn bộ cấu trúc da từ lớp thượng bì cho tới hạ bì Sau đó, họ cho nuôi cấy trong các khoang. Nó gần giống như Hill Top Chamber mà Tiến sĩ Sheldon Pinnell nhà Skinceutical dùng trong thí nghiệm trên lợn về Vitamin C nồng độ cao.

Hill-Top-Chamber

Một số kết quả cho thấy nuôi xong da mọc lông và có các phản ứng miễn dịch như đang sống trên cơ thể người luôn. Tiêu biểu như nhà Genoskin:

Tuy nhiên Trang nghĩ nó vẫn chưa thể thể hiện đầy đủ các phản ứng từ não, nội tiết như trên một cơ thể sống hoàn toàn. Chưa kể với nhu cầu nghiên cứu lớn như hiện tại thì lượng da đi thu mua lại cũng khó lòng đảm bảo.

Vậy ở góc độ R&D của các chủ brand như Trang thì có thể chọn giải pháp nào?

2. Giải pháp thay thế thí nghiệm trên động vật mà Trang lựa chọn

Thẳng thắn mà nói thì ngày trước team Trang chỉ dừng lại được ở việc ứng dụng các hoạt chất đã có tư liệu nghiên cứu sẵn trước đó. Và sẽ ưu tiên các thành phần hoạt chất đã có cả nghiên cứu lâm sàng.

Nhưng như Trang từng nói trong bài viết “Vì sao Trang không chọn concept mỹ phẩm thuần chay cho brands của mình?”, thì khi nào còn dùng các hoạt chất đã có lịch sử thí nghiệm trên động vật (dù có cách đây bao nhiêu chục năm đi nữa) thì Trang cũng sẽ không tuyên bố brand mình là mỹ phẩm thuần chay.

Cũng như đi sâu vào khâu sản xuất nguyên liệu mới thấy có những thành phần người dùng cuối chỉ biết nó là một tổ hợp thành phần thiên nhiên, có vẻ hiền lành nhưng để ra được tới bước cuối, đem đi bán thì nó cũng bị vấy lên đó rất nhiều xương máu của động vật để làm nghiên cứu.

Thế nên với riêng Trang, chữ thuần chay nó nặng lắm. Brand nào đang đi theo hướng này thì hi vọng mọi người đủ sự cam kết nghiêm túc đến tận cùng từng ngõ ngách nhỏ trong hàng chục, hàng trăm nguyên liệu mà bạn dùng.

Chia sẻ thêm với các Đồng Điệu về dự án tương lai của team Trang. Ở hiện tại, khi tụi Trang muốn tiến sâu hơn vào nghiên cứu bài bản các thành phần mới từ thiên nhiên Việt Nam trong dự án mới đầy tham vọng sắp tới thì thay vì chỉ dùng thành phần có sẵn trên thế giới, team Trang phải tự tiến hành thêm các bước nghiên cứu nữa.

Lúc đó, cả team cũng đã phải đấu tranh rất nhiều là có làm trên động vật hay không. Tới hiện tại thì team Trang vẫn quyết định là không làm trên động vật. Sự lựa chọn thay thế là tụi Trang sẽ tiến hành nghiên cứu trên artificial skin (tức là da mô phỏng) và khi thấy chín mùi sẽ tiến tới nghiên cứu lâm sàng trên da người luôn.

da-mo-phong-artificial-skin

Và Trang nghĩ quan trọng nhất là mình làm được tới đâu, mình minh bạch với người dùng của mình tới đó và thẳng thắn thừa nhận những điểm được và chưa được. Dự án thì Trang sẽ chia sẻ với mọi người sau nhé, hi vọng là trong năm nay.

III/ Lời cảnh tỉnh

Trang không định viết bài này để thể hiện mình nhân văn nhưng lại nửa mùa kiểu: hãy bài trừ thí nghiệm động vật hoàn toàn đi.

Với mảng thuốc thì Trang không dám đưa ý kiến. Vì ví dụ như thử nghiệm các thuốc ung thư không dễ gì mà tiến hành trên một miếng da nhân tạo hay cơ thể con người sống, đầu tiên họ vẫn sẽ thí nghiệm trên động vật trước.

Nhưng riêng đối với mỹ phẩm thì Trang chỉ muốn nhắn nhủ rằng: Nếu muốn giảm bớt số thương vong không cần thiết cho loài khác thì tốt nhất chúng ta cũng nên biết đủ, biết hài lòng.

Trước đây, Trung Quốc bắt buộc tất cả brands mỹ phẩm nhập khẩu qua nước họ phải thí nghiệm qua động vật. Nhưng từ tháng 05/2021, họ bắt đầu có các tín hiệu rõ ràng hơn trong việc không bắt buộc các thương hiệu nhập khẩu mỹ phẩm thí nghiệm trên động vật (dù kem chống nắng, đồ cho trẻ em vẫn còn phải giữ thí nghiệm này). Trong thời gian ngắn sắp tới, có thể sẽ toàn cầu hóa không thí nghiệm mỹ phẩm trên động vật (hoặc ít nhất cũng đạt được 80%).

cac-hang-my-pham-thuan-chay

Chưa kể, hiện thực mà các loài động vật phải chịu đựng khi bị đem ra làm vật thí nghiệm thật sự rất đau đớn:

– Có những trường hợp phổi của loài thí nghiệm bị nhiễm virus nặng nhưng không được giảm đau. Hay chuột con chịu đựng tình trạng mắt sưng tấy, đau đớn trong 28 ngày sau khi ghép giác mạc. Có con bị đứt dây chằng ở chân và khớp bị viêm với cơn đau từ cấp tính đến mãn tính trong 16 tuần mà không được giảm đau…

Mọi người có thể đọc thêm trong Thống kê thí nghiệm trên động vật của Humane Society International (một trong những tổ chức bảo vệ động vật lớn nhất thế giới).

ảnh chuột bị banh ruột

Số liệu thống kê hàng năm về số lượng thí nghiệm trên động vật được thực hiện tại các phòng thí nghiệm của Vương quốc Anh vào năm 2019 cho thấy tổng cộng 3,4 triệu quy trình đã được hoàn thành bao gồm:

+ 4.277 thử nghiệm trên chó

+ Hơn 1,2 triệu thử nghiệm trên chuột nhắt và chuột cống

+ 2.850 thử nghiệm trên khỉ

+ 17.119 trên thỏ và chuột lang và 131 thử nghiệm trên mèo.

Trong số này, 72.777 động vật đã phải chịu đựng những cấp độ “đau khổ nghiêm trọng” (mức cao nhất được phép).

Trang mong những con số, con chữ biết nói này ít nhiều cũng giúp chúng ta biết đủ, biết hài lòng. Sinh lão bệnh tử, già nua ai cũng phải trải qua hết. Nên dừng lại ở một vẻ đẹp phi hoàn hảo, chủ yếu là da khỏe. Vì khi bạn còn nhiều đòi hỏi quá nhiều thì những người làm kinh doanh sẽ đáp ứng bạn. Hoặc nếu bạn quá thiếu chính kiến họ sẽ tạo ra “nỗi đau” để bạn có nhu cầu rồi từ đó họ bán giải pháp cho bạn.

Cuối cùng, vẫn là vài dòng nhắn quen thuộc. Trang rất mong nhận được những quan điểm của mọi người về chủ đề này để có thêm nhiều góc nhìn. Hoặc nếu các bạn có chủ đề nào đó hay ho thì có thể đặt vấn đề để chúng ta cùng nhau bàn luận nhé!