Xin chào các anh chị em Đồng Điệu,

Mình tên là Lê Duy Kiên, tốt nghiệp Cử nhân ngành CNSH (hệ Chất lượng cao) thuộc trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TP.HCM). Hôm nay là lần đầu tiên mình xuất hiện trong group dưới vai trò là một cây viết mới, và đây chính bài viết debut của mình. Mong được đại gia đình Đồng Điệu ủng hộ ạ.

_____________

1. Đôi nét về khái niệm “vitamin C” trong mỹ phẩm

Vitamin C, hay ascorbic acid, là một loại vitamin tan trong nước cực kỳ quan trọng cho cơ thể. Nó là chất chống oxy hóa mạnh, bảo vệ tế bào khỏi tổn thương do gốc tự do và tham gia vào quá trình tổng hợp collagen – giúp duy trì cấu trúc và độ đàn hồi của da.

Trong mỹ phẩm, vitamin C thường bao gồm ascorbic acid và các dẫn xuất như SAP, MAP, EAA, ascorbyl palmitate, tetrahexyldecyl ascorbate, và ascorbyl glucoside. Chúng thường được dùng như một nhóm hoạt chất giúp làm sáng da, giảm thâm nám, chống lão hóa và kích thích sản xuất collagen. Trong đó, LAA là dạng hoạt động mạnh nhất, và được cho là có hiệu quả rõ rệt nhất (nhưng cũng dễ “bung bét” nhất :>).

2. Tổng quan về dung dịch iodine

Dung dịch iodine (hay cồn iod) là hợp chất hóa học phổ biến trong y tế với khả năng khử trùng mạnh. Nó tiêu diệt vi khuẩn, virus, nấm và ký sinh trùng bằng cách phá hủy cấu trúc protein và enzyme của chúng. Dung dịch này thường được dùng để sát trùng vết thương, ngăn ngừa nhiễm trùng sau phẫu thuật và trong các quy trình y tế khác.

3. Vitamin C gây mất màu dung dịch iodine - một phản ứng oxy hóa khử điển hình

Phản ứng giữa iodine và L-ascorbic acid (LAA) là quá trình oxy hóa khử, trong đó LAA bị oxy hóa thành dehydroascorbic acid và iodine bị khử thành ion iodide, dẫn đến sự mất màu của iodine. Phản ứng này thường được dùng để định lượng LAA trong các mẫu thí nghiệm thông qua phương pháp chuẩn độ với iodine.

4. Quảng cáo thử vitamin C bằng dung dịch iodine - Một nửa sự thật chưa phải là sự thật

Gần đây, Kiên thấy nhiều bạn trên các nền tảng mạng xã hội dùng phản ứng này để chứng minh hiệu quả của sản phẩm vitamin C. Có vẻ như họ muốn tạo ra sự liên hệ hình ảnh rằng vitamin C làm mất màu iodine như cách nó làm mất màu vết thâm trên da. Nhưng về bản chất, melanin trên da và iodine trong nước hoàn toàn khác nhau. Nếu vitamin C thực sự tẩy thâm như vậy thì nó đã hơn cả thuốc tẩy rồi! Quảng cáo kiểu này dễ gây hiểu nhầm, “thần thánh hóa” vitamin C và “thổi phồng” quá đà công dụng của sản phẩm.

5. Phân tích và tính toán

Dựa trên quy mô thí nghiệm ở các video đó, hãy thực hành tính toán một chút với Kiên hen:

– Cho khoảng 3 mL dung dịch iodine 10% (khoảng 3 pump) vào 30mL serum vitamin C (tương đương với dung tích của hẳn 1 chai serum), pha loãng thêm với nước để đạt tổng 50 mL dung dịch (cỡ 1 chiếc cốc nhỏ).

– Theo phương trình phản ứng: C6H8O6 (LAA) + I2 (iodine) → C6H6O6 (dehydroascorbic acid) + 2I− + 2H+ (tỉ lệ 1:1 giữa LAA và iodine)

– Số mol iodine trong 3 mL dung dịch iodine 10% là khoảng 0.001182 mol.

– Để phản ứng hết với 0.001182 mol iodine, cần 0.001182 mol LAA, tức là khoảng 0.208 g LAA.

– Nồng độ LAA tối thiểu trong 50 mL dung dịch cuối là 0.416%. Suy ra, nồng độ LAA trong 30mL serum ban đầu là khoảng 0.693%.

Tức là, với chưa tới 1% LAA cũng có thể gây mất màu hoàn toàn 3mL dung dịch iodine!

6. Kết luận

Phản ứng giữa iodine và LAA chỉ nên dùng để kiểm tra sự hiện diện của LAA, chứ không xác định được nồng độ LAA có đủ để gây hiệu quả trên da. Hơn nữa, nhiều chất chống oxy hóa khác, bao gồm cả hoạt chất và các chất bảo quản, cũng có thể làm mất màu iodine, chứ không riêng LAA.

Nói thêm, hiệu quả của vitamin C còn phụ thuộc phần lớn vào các yếu tố như hoạt chất đi kèm, chất mang, hệ nền của sản phẩm, cách bảo quản… Do đó, không nên chỉ dựa vào phản ứng này để đánh giá toàn diện một sản phẩm vitamin C, cũng như không có cơ sở để đánh giá sản phẩm này “mạnh”, sản phẩm kia “nhẹ”, hay để “tâng bốc” khả năng giảm sắc tố của một sản phẩm vitamin C nào cả. Các ae cần xem xét thêm các yếu tố về công thức, sự ổn định của vitamin C và cách bảo quản sản phẩm để đảm bảo hiệu quả tốt nhất.

Khởi động sương sương nhiêu đây đủ rồi. Hẹn gặp ae Đồng Điệu ở những bài viết dài dòng và phức tạp hơn sau này nhen.

_____________

Bài viết thuộc quyền sở hữu của Lê Duy Kiên và group Đồng Điệu. Đề nghị không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý của tác giả.

Bài viết độc lập, không được tài trợ bởi bất cứ nhãn hàng nào. Chỉ mang tính chất tham khảo. Không thể thay thế các nghiên cứu khoa học chính thống/hay lời khuyên y tế.