Xin chào các anh chị em Đồng Điệu,
Mình tên là Lê Duy Kiên, tốt nghiệp Cử nhân ngành CNSH (hệ Chất lượng cao) thuộc trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TP.HCM). Hôm nay Kiên lại tiếp tục lên đây chém gió cùng cả nhà, mong những kiến thức này hữu ích cho ae Đồng Điệu.
1. Mở đầu: Khái niệm chu kỳ da trong tẩy tế bào chết
Cùng Kiên ôn sơ qua về cấu trúc da nhen:
Da gồm ba lớp chính: biểu bì (epidermis), trung bì (dermis), và hạ bì (subcutis). Mỗi lớp có chức năng riêng nhưng cùng hoạt động để bảo vệ cơ thể khỏi tác động bên ngoài, điều hòa nhiệt độ, và cung cấp cảm giác.
-
Biểu bì (Epidermis): Lớp ngoài cùng, chứa nhiều loại tế bào, có thể kể đến như tế bào sừng, tế bào sắc tố, tế bào Langerhans (đóng vai trò miễn dịch) và Merkel (đóng vai trò xúc giác). Trong đó, tế bào sừng chiếm phần đông và đóng vai trò chính trong chu kỳ da.
-
Trung bì (Dermis): Lớp chứa collagen, elastin, và các cấu trúc như tuyến mồ hôi, tuyến bã nhờn, và mạch máu, cung cấp dưỡng chất cho biểu bì.
-
Hạ bì (Subcutis): Lớp chứa mỡ và mô liên kết, giúp cách nhiệt và bảo vệ cơ thể khỏi chấn thương.
Nhắc đến chuyện bong lột là phải nhắc đến chu kỳ da, vì nói gì thì nói bong lột đến mấy thì cũng phải tuân theo chu kỳ da, chứ chưa hết chu kỳ mà cứ đè da ra “lột” 7749 lần thì da nào chịu cho nổi.
Chu kỳ da là một quá trình phức tạp bao gồm sự thay thế và tái tạo các tế bào da, diễn ra liên tục nhằm duy trì cấu trúc, chức năng và vẻ ngoài khỏe mạnh của da. Chu kỳ này không chỉ ảnh hưởng đến khả năng bảo vệ, chức năng hàng rào, mà còn quyết định đến tình trạng thẩm mỹ của da, từ độ sáng mịn đến sự hiện diện của các vấn đề như mụn, sẹo và lão hóa.
Chu kỳ da bao gồm nhiều giai đoạn và chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố nội sinh và ngoại sinh. Chu kỳ da chủ yếu diễn ra ở lớp biểu bì, với quá trình tái tạo các tế bào sừng từ lớp đáy (stratum basale) được đẩy dần lên lớp sừng (stratum corneum), nơi chúng bong ra khỏi bề mặt da.
Chu kỳ này thường kéo dài khoảng 28 – 40 ngày ở người trưởng thành khỏe mạnh.
Một chu kỳ da hoàn chỉnh gồm 4 giai đoạn:
-
Giai đoạn hình thành tế bào (Cell formation);
-
Giai đoạn trưởng thành và biệt hóa (Maturation and differentiation);
-
Giai đoạn sừng hóa (Keratinization);
-
Giai đoạn bong tróc (Desquamation).
2. Tẩy tế bào chết có lợi gì?
Tẩy tế bào chết có khá nhiều cái lợi, đã được educate rất nhiều trên nhiều bài báo khoa học và đa dạng các kênh truyền thông. Kiên xin phép liệt kê lại một ít như sau:
-
Hỗ trợ quá trình bong tróc tự nhiên: Mặc dù da có cơ chế bong tróc tự nhiên, nhưng đôi khi quá trình này có thể bị chậm lại do tuổi tác, môi trường, hoặc các vấn đề về da. Tẩy tế bào chết giúp loại bỏ nhẹ nhàng các tế bào sừng chết tích tụ trên bề mặt da, hỗ trợ quá trình bong tróc tự nhiên, giúp da mịn màng hơn.
-
Kích thích tái tạo da: Khi các tế bào chết được loại bỏ, da sẽ nhận được tín hiệu để tăng cường quá trình tái tạo, sản sinh các tế bào mới. Điều này giúp cải thiện kết cấu da, làm mờ các vết thâm nám, và mang lại làn da tươi sáng hơn.
-
Tăng cường hấp thụ dưỡng chất: Các tế bào chết tích tụ trên bề mặt da có thể tạo thành một hàng rào ngăn cản sự thẩm thấu của các dưỡng chất từ sản phẩm chăm sóc da. Tẩy tế bào chết giúp loại bỏ hàng rào này, cho phép các dưỡng chất thẩm thấu sâu hơn vào da, tăng hiệu quả của các sản phẩm dưỡng da.
-
Ngăn ngừa bít tắc lỗ chân lông: Tế bào chết, dầu thừa và bụi bẩn có thể tích tụ trong lỗ chân lông, gây bít tắc và dẫn đến mụn. Tẩy tế bào chết giúp làm sạch lỗ chân lông, ngăn ngừa mụn và các vấn đề về da khác.
-
Cải thiện tuần hoàn máu: Quá trình massage nhẹ nhàng khi tẩy tế bào chết có thể giúp kích thích tuần hoàn máu, mang lại nhiều oxy và dưỡng chất hơn cho da, giúp da khỏe mạnh và hồng hào hơn.
3. Hiểu đúng về tẩy tế bào chết: Chỉ nên là một yếu tố add-in, chứ không phải là một yếu tố must-have
Tẩy tế bào chết lợi là vậy, thế nhưng có phải vì thế mà đua nhau tẩy 7 ngày trong tuần, rồi tăng dần nồng độ từ 5 lên 7, 7 lên 10, 10 lên 20%? Không nhe. Nếu da bạn đang khoẻ mạnh thì chả cần gì phải đua đòi như thế.
Bong sừng tự nhiên, hay còn gọi là quá trình desquamation, là giai đoạn cuối cùng của chu kỳ da, trong đó các tế bào chết (corneocyte) ở lớp ngoài cùng của biểu bì tách rời và bong ra khỏi bề mặt da. Quá trình này diễn ra liên tục và âm thầm, giúp loại bỏ các tế bào chết, duy trì sự mịn màng và tươi trẻ của làn da. Có thể hiểu, tẩy da chết chính là đang thúc đẩy “bong sừng nhân tạo”.
Cơ chế phân tử của bong sừng tự nhiên khá phức tạp, liên quan đến sự phân giải các cầu nối corneodesmosome giữa các tế bào sừng. Các enzyme protease như kallikrein (gồm 2 phân loại là KLK5 và KLK7) đóng vai trò then chốt trong quá trình này, chúng phân cắt các protein cầu nối, cho phép các tế bào sừng tách rời.
Đồng thời, các chất ức chế protease như LEKTI (Lympho-Epithelial Kazal-Type Related Inhibitor) kiểm soát hoạt động của kallikrein, đảm bảo quá trình bong sừng diễn ra một cách cân bằng và không gây tổn thương da.
Một trong những yếu tố khiến cho quá trình bong sừng này diễn ra tự nhiên chính là da khoẻ và đủ ẩm, chứ không phụ thuộc gì vào acid hay hạt scrub cả. Chỉ cần có như vậy thì các enzyme này sẽ hoạt động được một cách trơn tru, da sẽ bong rụng một cách tự nhiên và đúng chu kỳ. Thế nên, DƯỠNG ẨM và PHỤC HỒI đúng, đủ, phù hợp cũng chính là cách các Đồng Điệu “tẩy tế bào chết” gián tiếp á.
Thực tế thì việc lạm dụng tẩy tế bào chết hoá học ở nồng độ quá cao, hoặc tẩy da chết nói chung quá liên tục, kéo dài có thể gây tổn thương hàng rào bảo vệ da, dẫn đến mất độ ẩm, tăng nguy cơ viêm da, và làm cho da nhạy cảm hơn với các tác nhân môi trường. Đặc biệt, ở da khỏe mạnh, việc tẩy tế bào chết quá thường xuyên có thể phá vỡ cân bằng tự nhiên, làm suy yếu chức năng bảo vệ của lớp sừng. Nói vui là tẩy riết “lột da non” luôn á :))))
Việc tẩy tế bào chết quá mức không chỉ ảnh hưởng đến lớp sừng mà còn có thể làm mất cân bằng hệ vi sinh vật trên da (microbiome), các Đồng Điệu có thể nghía lại bài Loạn khuẩn của Kiên để đọc lại xem chuyện gì sẽ xảy ra khi hệ vi sinh rơi vào “khủng hoảng cán cân quyền lực” nhé. Da cứ sưng viêm làn nhàn rồi mất nước hoài sẽ dẫn đến hậu quả tất yếu là gia tăng các dấu hiệu lão hoá nữa.
4. Khi nào tẩy tế bào chết là cần thiết?
-
Rối loạn quá trình bong sừng: Ở một số người, quá trình bong tróc tự nhiên bị gián đoạn do các yếu tố như da khô, môi trường khắc nghiệt, hoặc vấn đề da liễu như viêm da cơ địa, mụn. Trong những trường hợp này, tế bào sừng không bong ra hiệu quả, dẫn đến tình trạng tắc nghẽn lỗ chân lông, mụn hoặc da xỉn màu. Tẩy tế bào chết lúc này đóng vai trò như một giải pháp hỗ trợ để khôi phục sự cân bằng của quá trình này.
-
Điều trị các vấn đề cụ thể: Tẩy tế bào chết có thể được sử dụng như một phương pháp điều trị cho các vấn đề như tăng sắc tố, sẹo mụn, và da lão hóa. Tuy nhiên, nó phải được thực hiện một cách khoa học và phù hợp với từng loại da.
Dưới đây Kiên xin tổng hợp một số lưu ý mà Kiên đúc kết được trong quá trình sử dụng của bản thân và tư vấn cho người thân và bạn bè khi dùng các sản phẩm tẩy tế bào chết, các Đồng Điệu có thể tham khảo nhen:
Tần suất sử dụng:
-
Da dầu, da mụn: 1-2 lần/tuần với acid (BHA, AHA) hoặc tẩy vật lý nhẹ nhàng. Da dầu vẫn là da, đừng coi thường tụi nó rồi táp gì thì táp nha. Bùng lên là dập không kịp đó :)))
-
Da khô, da lão hóa: 1 lần/tuần với AHA, LHA, PHA để tránh làm mất độ ẩm tự nhiên của da.
-
Da nhạy cảm: 1 lần mỗi 10-14 ngày với sản phẩm dịu nhẹ, hoặc sử dụng enzyme tẩy tế bào chết (như papain từ đu đủ) an toàn cho da nhạy cảm.
Thời điểm sử dụng:
-
Buổi tối là thời điểm tốt nhất.
-
Tránh, che và chống nắng vào ban ngày: Tẩy tế bào chết làm da nhạy cảm hơn với ánh nắng mặt trời, nên việc né nắng là bắt buộc để bảo vệ da khỏi tác động có hại của tia UV.
Kỹ thuật:
-
Tẩy tế bào chết hóa học: Thoa sản phẩm đều lên da sau khi làm sạch, để trong khoảng thời gian khuyến nghị (thường từ 5 – 10 phút đối với các sản phẩm home-peel và 20 – 30 phút đối với các sản phẩm có chứa acid), sau đó rửa sạch với nước. Theo Kiên, áp dụng Biện pháp tiếp xúc ngắn và cực ngắn là phương pháp hữu hiệu nhất để tối thiểu nhất hậu quả có thể có của việc tẩy tế bào chết.
-
Tẩy tế bào chết vật lý: Sử dụng lực nhẹ nhàng, tránh chà xát quá mạnh, di chuyển theo hình tròn nhỏ để làm sạch tế bào chết mà không gây tổn thương cho da.
5. Kết lại: Quan điểm đúng đắn về tẩy tế bào chết
Tẩy tế bào chết không phải là một bước bắt buộc cho mọi loại da, đặc biệt khi da đang trong trạng thái khỏe mạnh và quá trình bong sừng tự nhiên diễn ra ổn định. Vai trò chính của tẩy tế bào chết là một yếu tố bổ trợ giúp khôi phục hoặc cải thiện tình trạng da khi cần thiết, và nó nên được sử dụng một cách khoa học, cân nhắc đến nhu cầu thực tế của làn da. Hãy nhớ rằng:
-
Không bắt buộc cho da khỏe: Ở những người có làn da khỏe mạnh, việc dưỡng ẩm đầy đủ và duy trì quy trình chăm sóc da cơ bản đã đủ để hỗ trợ quá trình bong sừng tự nhiên. Việc thêm bước tẩy tế bào chết chỉ nên được xem là một yếu tố bổ sung để cải thiện nhất thời, không phải là bước chăm sóc da bắt buộc.
-
Điều chỉnh theo nhu cầu da: Tẩy tế bào chết nên được cá nhân hóa theo loại da, tình trạng da và nhu cầu cụ thể. Ví dụ, da dầu có thể cần tẩy tế bào chết thường xuyên hơn da khô hoặc da nhạy cảm. Thay vì tẩy tế bào chết định kỳ cố định, nên quan sát phản ứng của da và điều chỉnh tần suất, loại sản phẩm phù hợp.
Nếu da bạn đang khoẻ, thì việc duy trì độ ẩm và bảo vệ hàng rào da vẫn là yếu tố cốt lõi giúp da khỏe đẹp một cách tự nhiên, và là cách “tẩy da chết” hữu hiệu nhất. Chạy theo trào lưu làm chi cho nặng đầu, mà nếu có chạy thì nhớ chạy theo sao cho có lý trí nha :>
_____________
Bài viết thuộc quyền sở hữu của Lê Duy Kiên và group Đồng Điệu. Đề nghị không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý của tác giả.
Bài viết độc lập, không được tài trợ bởi bất cứ nhãn hàng nào. Chỉ mang tính chất tham khảo. Không thể thay thế các nghiên cứu khoa học chính thống/hay lời khuyên y tế.
Discussion