Tại sao thực trạng lạm dụng các từ tiêm cấy truyền trong các sản phẩm từ bôi thoa cho tới xâm lấn cứ ngày một loạn xạ?

  • Để hạn chế bị “đánh gậy” trên các nền tảng mạng xã hội?
  • Để nghe có vẻ nhẹ nhàng hơn, cho khách hàng đỡ sợ và ngại “tiêm”?
  • Để nghe có vẻ hiệu quả hơn, dễ mộng mị với khách hàng?
  • Hay…bạn thực sự không hiểu bản chất sản phẩm/ dịch vụ bạn đang truyền thông!

"Cấy", "tiêm", và "truyền" đều là các phương pháp liên quan đến y học, nhưng chúng có SỰ KHÁC BIỆT về CÁCH THỨC, MỤC ĐÍCH VÀ HIỆU QUẢ thực hiện:

  1. Cấy là quá trình đưa một vật thể, mô, hoặc một thiết bị y tế (ví dụ như cấy ghép tim nhân tạo, cấy ghép răng) vào bên trong cơ thể một cách cố định và thường là lâu dài. Quá trình này có thể bao gồm cấy các tế bào, mô, hoặc thiết bị y tế. Cấy thường yêu cầu phẫu thuật.
  2. Tiêm là việc đưa một chất lỏng (như thuốc hoặc vaccine) vào cơ thể bằng cách sử dụng một cây kim tiêm xuyên qua da. Tiêm có thể thực hiện qua nhiều cách khác nhau như tiêm tĩnh mạch (vào mạch máu), tiêm dưới da, hoặc tiêm vào cơ. Các phương pháp tiêm quen thuộc trong ngành làm đẹp có thể kể đến như tiêm vi điểm (mesotherapy), tiêm BAP, tiêm MD Codes, hay một số hãng có tên gọi những phương pháp tiêm độc quyền (Restylane có phương pháp tiêm Butterfly vì tiêm 2 điểm nhìn như hình cánh bướm).
  3. Truyền là quá trình đưa một dung dịch (chẳng hạn như dịch muối, thuốc, hoặc các chất dinh dưỡng) vào cơ thể qua đường tĩnh mạch bằng một hệ thống nhỏ giọt. Thường dùng cho việc cấp nước hoặc thuốc trong một khoảng thời gian dài.

Tóm lại, cấy liên quan đến việc đặt vật thể cố định vào cơ thể, tiêm là đưa thuốc vào cơ thể bằng kim tiêm, và truyền là quá trình cung cấp dịch hoặc thuốc qua tĩnh mạch trong thời gian dài.

Từ điển Tiếng Anh cũng đang rất rạch ròi giữa cả 3 thuật ngữ này, cụ thể là:

1. Cấy – implant (v) /ɪmˈplɑːnt/: implant something (in/into something) to put something (usually something artificial) into a part of the body, usually in a medical operation | Eg. an electrode implanted into the brain, an operation to implant an artificial heart
Đây là quá trình đưa một thiết bị hoặc mô vào cơ thể, ví dụ như “dental implant” (cấy ghép răng) hoặc “organ implant” (cấy ghép nội tạng).

TIÊM, CẤY, TRUYỀN - Xin hãy rạch ròi giữa các thuật ngữ y tế!

2. Tiêm – inject (v) /ɪnˈdʒekt/: to put a drug or other substance into a person’s or an animal’s body using a syringe inject something (into yourself/somebody/something) | Eg. Adrenaline was injected into the muscle, the anaesthetic is injected locally.
Việc tiêm thuốc hoặc chất lỏng vào cơ thể bằng kim tiêm. Ví dụ: “vaccine injection” (tiêm vắc-xin) hoặc “intramuscular injection” (tiêm bắp).

TIÊM, CẤY, TRUYỀN - Xin hãy rạch ròi giữa các thuật ngữ y tế!

3. Truyền – infuse (v) /ɪnˈfjuːz/: infuse something (into something) (medical) to slowly put a drug or other substance into a person’s vein.
Truyền dịch qua tĩnh mạch thường được gọi là “intravenous infusion” (truyền dịch qua tĩnh mạch) hoặc đơn giản là “IV infusion.”

TIÊM, CẤY, TRUYỀN - Xin hãy rạch ròi giữa các thuật ngữ y tế!

Phân tích thử một case study truyền thông lạm dụng thuật ngữ “truyền trắng” mà dạo gần đây đang tranh cãi nhiều trên tiktok nhé!

Mình không có thời gian để xem kĩ các video về vấn đề này, nhưng từ góc nhìn của một người có background về Y Dược, làm trong mảng thông tin y khoa nhiều năm thì ngay cái tên “truyền trắng” đã làm mình nghi ngờ về nguồn gốc và chất lượng sản phẩm.

  1. Đầu tiên, sản phẩm đang được PR là sản phẩm đơn thuần bôi thoa ngoài da, tuyệt đối không thể TRUYỀN.
  2. Thứ hai, một thuật ngữ cũng đang bị lạm dụng khá nhiều (mình sẽ viết bài trong thời gian tới), mọi người nên cẩn trọng đối với một số thương hiệu “do bác sĩ làm ra”, “chỉ được sử dụng tại Clinic/Spa” vì đây thường là các sản phẩm không đầu tư nhiều về sản xuất, gia công kém chất lượng.
  3. Cuối cùng, dịch vụ “truyền trắng” ở Việt Nam vẫn là một vấn đề gây tranh cãi và chưa được cấp phép chính thức. Theo quy định của Bộ Y tế Việt Nam, chưa có loại thuốc hay phương pháp nào liên quan đến việc truyền trắng (infusion for skin whitening) được cấp phép để sử dụng chính thức trong các cơ sở y tế. Các hoạt chất thường được dùng trong truyền trắng, như glutathione, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe nếu sử dụng sai cách hoặc không có sự giám sát của bác sĩ chuyên khoa.

Nguy cơ của việc sử dụng dịch vụ truyền trắng bao gồm các phản ứng dị ứng, suy thận, ảnh hưởng đến hệ miễn dịch, và thậm chí nguy hiểm đến tính mạng trong một số trường hợp nặng.

Vì vậy, cho đến nay, truyền trắng vẫn chưa được Bộ Y tế Việt Nam công nhận và cấp phép như một phương pháp làm đẹp hợp pháp đâu nhé!

Hi vọng mọi người hãy trang bị kiến thức để trở thành một người tiêu dùng thông thái, nhận định được các hãng kém chất lượng, hoặc đang nói quá về công dụng sản phẩm, không xứng với mức chi phí bỏ ra, tránh tiền mất tật mang nhé!

_______________

Các bạn có thể liên hệ với Thoại Khanh thông qua các nền tảng sau:

Facebook: Fanpage Tran Hoang Thoai Khanh

Instagram: tranhoangthoaikhanh_

Tiktok: tranhoangthoaikhanh

_______________

Bài viết thuộc quyền sở hữu của DS. Trần Hoàng Thoại Khanh và group Đồng điệu. Đề nghị không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý của tác giả

Bài viết độc lập, không được tài trợ bởi bất cứ nhãn hàng nào.