Xin chào các anh chị em Đồng Điệu,

Mình tên là Lê Duy Kiên, tốt nghiệp Cử nhân ngành CNSH (hệ Chất lượng cao) thuộc trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TP.HCM). Hôm nay Kiên lại tiếp tục lên đây chém gió cùng cả nhà, mong được đại gia đình Đồng Điệu ủng hộ ạ.

Note nhỏ nhẹ: Bài viết này Kiên sẽ “đụng” một tí đến môn Xác suất thống kê – một môn Kiên đã học gần 4 năm trước, nên nếu có gì sai sót, mong anh chị em “giơ cao đánh khẽ”, mạnh dạn comment để Kiên sửa đổi và ghi nhận credit của anh chị em vào bài viết nhen. Cảm ơn cả nhà.

Lan man chào hỏi tí, vào nội dung bài viết thôi nào

[Warning] Bài dài, hơi nặng đô nha ace. Các ace cân nhắc trước khi quắn não

Trước khi làm rõ vấn đề, hãy cùng literature review với Kiên nào.

1. Retinol là gì?

Retinol (danh từ): Là một dạng của vitamin A, thuộc nhóm các hợp chất có hoạt tính sinh học được gọi là retinoid. Đây là một trong những dạng vitamin A được sử dụng phổ biến nhất trong các sản phẩm chăm sóc da do khả năng chuyển hóa thành retinoic acid, một chất hoạt động sinh học mạnh mẽ trong cơ thể.

Trong y tế và dinh dưỡng, thuật ngữ “retinol” thường được dùng để chỉ các hợp chất có hoạt tính của vitamin A, nhưng không phải là retinoic acid aka. tretinoin. Cách gọi tên này thường có thể gây nhầm lẫn với các retinyl ester và retinal (cũng là anh chị em bạn dì trong dòng họ “vitamin A” – gọi là các retinoid).

Hiện nay, thuật ngữ “retinol” đang ngầm được phân nhóm rõ hơn, với hậu tố “-ol”, tức là thuộc về ancol – có nhóm chức -OH. Những trường hợp thiếu nhóm chức này thì nên được cân nhắc không dùng tên gọi “retinol”.

Danh từ “retinol” hiện đang được dùng để chỉ 3 dạng của vitamin A có nhóm ancol: Vitamin A1 (all-trans retinol truyền thống full HD không che), vitamin A2 (3,4 dehydro-retinol) và vitamin A3 (3-hydroxy retinol). Trong đó, loại A1 là loại hay gặp trong mỹ phẩm/ dược mỹ phẩm/ thuốc và có hoạt tính sinh học cao nhất.

Retinol nói riêng, và vitamin A nói chung, có tiếng nào giờ trong việc hỗ trợ thị lực, miễn dịch và sức khỏe sinh sản. Vitamin A cũng là một chất chống oxy hóa ngon nghẻ theo cả đường bôi và đường uống. Trong tự nhiên, vitamin A thường gặp trong các loại rau củ có màu vàng cam đỏ, các loại cá béo, trứng, sữa, các động vật thân mềm (như các loại nghêu sò ốc hến, mực, bạch tuộc, hàu, bào ngư…), và gan động vật, nhất là gan của các loài cá nước ngọt.

Trong da liễu, retinol, cụ thể là all-trans retinol hay vitamin A1, đã và đang được xem là “thành phần vàng” cho 7749 vấn đề về da, nổi bật như kiềm dầu, giảm mụn, tăng sinh mô, cải thiện các dấu hiệu lão hoá, nhưng không bạo tàn như nhỏ tretinoin (aka. retinoic acid, là dạng thức mạnh nhất của vitamin A, liên kết trực tiếp với các thụ thể retinoic acid – RAR để kéo theo một mớ các đáp ứng tế bào liên quan – gọi là các RARE).

Bạn có biết? Retinal (họ hàng của retinol) từng là một loại sắc tố quang hợp phổ biến với màu tím rất thơ, với nhiệm vụ chính là nhận và truyền điện tử trong quang hợp. Về bản chất, retinal sẽ nhận kích thích của ánh sáng để giải phóng điện tử, sau đó lại được hoàn điện tử nhờ đứa khác. Nhưng trong một công thức mỹ phẩm, hễ mất điện tử là coi chừng mất luôn 🙂

Đây cũng chính là nhược điểm chí mạng của retinol (họ hàng của retinal) nguyên chất không pha – sự bất ổn. Bản thân retinol rất nhạy cảm với nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm, oxygen, các chất có trong bản thân hệ nền…. Qua thời gian, nó dễ dàng bị oxy hoá thành các sản phẩm thứ cấp (như 13-cis-retinol, 5,6-epoxy-retinol hay retinoic anhydride), với hoạt tính sinh học và nguy cơ kích ứng khác với retinol ban đầu, cộng thêm sự thay đổi cảm quan về kết cấu, màu sắc và mùi hương.

2. Retinol bọc phân tử sinh học aka. Biogenic Gentinol-200 có gì đặc biệt hơn?

Mình là một đứa tôn sùng công nghệ. Không ai khùng điên, tự nhiên đổ bạc tỷ đi R&D ra một thứ công nghệ không mang lại mấy khác biệt so với hoạt chất tinh khiết ban đầu, đúng không nào?

Biogenic Gentinol-200 là một công nghệ cải tiến retinol, vượt trội hơn retinol tinh khiết, mang lại hiệu quả cao và an toàn trong việc cải thiện làn da. Là kết quả của 3 năm liền nghiên cứu và phát triển, làm mọi cách để đảm bảo hiệu quả cao mà vẫn an toàn, đáp ứng nhu cầu khắt khe của thị trường mỹ phẩm, Gentinol-200 có các điểm đặc biệt so với retinol truyền thống, bao gồm:

  • Công nghệ bao bọc tiên tiến: Biogenic Gentinol-200 được bao bọc bằng màng polymer kép lưỡng tính và catechin từ trà xanh tự nhiên, giúp bảo vệ và ổn định retinol khỏi sự phân hủy do ánh sáng, nhiệt độ và oxy.

  • Hàm lượng retinol cao: Sản phẩm chứa 8-10% retinol tinh khiết, cung cấp lượng retinol hiệu quả chỉ với một lượng nhỏ, tối ưu hóa công thức và tiết kiệm chi phí.

  • Độ ổn định vượt trội: Hệ thống đa ổn định giữ nguyên hiệu quả của retinol trong các điều kiện công thức khác nhau, giúp retinol không bị phân hủy dễ dàng.

  • Giảm thiểu kích ứng da: Công nghệ bao bọc giúp retinol được giải phóng từ từ, giảm thiểu kích ứng da, an toàn và thân thiện hơn với làn da nhạy cảm.

  • Dễ dàng ứng dụng trong bào chế, dễ dùng: Biogenic Gentinol-200 được ra đời để loại bỏ rào cản “chỉ tan dầu” của retinol, giúp retinol dễ dàng được ứng dụng vào các công thức mỹ phẩm thông qua việc phối trộn đơn giản, cải thiện độ ổn định nhiệt và tối đa hóa hiệu quả của retinol.

3. Tính thấm của một hoạt chất là gì?

Trong sinh học nói chung và da liễu nói riêng, tính thấm hay “permeability” của một chất đề cập đến khả năng của chất đó đi qua một rào cản sinh học, như biểu bì da, lớp lipid da hoặc màng tế bào. Tính thấm quyết định mức độ và tốc độ mà chất đó có thể được hấp thụ vào cơ thể thông qua da hoặc các mô. Đây là một đặc tính quan trọng trong việc hiểu cách thuốc, chất dinh dưỡng và các hóa chất khác được hấp thụ và phân phối trong cơ thể.

Tính thấm của một chất có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, bao gồm:

  • Cấu trúc phân tử: Kích thước và độ phân cực của phân tử có ảnh hưởng đáng kể đến tính thấm. Các phân tử nhỏ và ít phân cực thường dễ thẩm thấu qua màng tế bào hơn so với các phân tử lớn và phân cực.

  • Khả năng tan dầu: Độ tan trong lipid cao cũng làm tăng tính thấm của một chất, do màng tế bào chủ yếu được cấu tạo từ lipid. Các chất tan trong lipid dễ dàng hòa trộn vào màng tế bào và xuyên qua chúng, cũng như len lỏi qua lớp lipid bảo vệ da.

  • Gradient nồng độ: Tính thấm cũng bị ảnh hưởng bởi gradient nồng độ giữa hai khu vực nhất định (VD: 2 bên của màng tế bào). Các chất thường di chuyển từ nơi có nồng độ cao đến nơi có nồng độ thấp.

  • Tương tác với các thụ thể hoặc kênh vận chuyển: Các thụ thể trên bề mặt tế bào có thể tăng cường tính thấm bằng cách liên kết và vận chuyển các chất qua màng.

4. Tính thấm: Những thông tin được trình bày bởi nhà cung cấp nguyên liệu

Những thông tin về tính thấm của retinol so với Gentinol-200 do nhà cung cấp nguyên liệu thể hiện trong tài liệu không hẳn là dạng toàn văn như một bài báo khoa học, nhưng vẫn đảm bảo có các phần Phương pháp, Kết quả, và Kết luận.

Thử tiến hành phân tích thống kê một tí nhen. Khúc này hơi quằn, các anh chị em chịu khó hấp thu nhaaa 🧠

Theo số liệu được cho, để so sánh xem tính thấm sau 8 giờ của retinol và Gentinol-200 có thực sự khác biệt đáng kể về mặt thống kê hay không, ta sẽ sử dụng phương pháp kiểm định t-test độc lập.

Tại sao lại chọn phương pháp này? Kiên đang cần so sánh giá trị trung bình (mean) về khả năng thấm của 2 nhóm chất khác nhau, và các số liệu đo được mang tính liên tục (continuous data – do kết quả này là từ một phép đo, và có thể là bất kỳ giá trị nào trong thang đo từ 0-100%).

Do thiếu số liệu thô, chỉ có giá trị trung bình và độ lệch chuẩn (SD), Kiên buộc phải giả định: Các số liệu thô trong nghiên cứu này có phân phối chuẩn, và giả định cỡ mẫu, tức số lượng đối tượng tham gia thử nghiệm ở mỗi nhóm là 3.

Kiên có hai giả thiết như sau:

  • Giả thiết H0: Không có sự khác biệt mang tính thống kê giữa hai nhóm, chấp nhận khi p-value (mức ý nghĩa quan sát) ≥ 0.05.

  • Giả thiết H1: Có sự khác biệt mang tính thống kê giữa hai nhóm, chấp nhận khi p-value < 0.05.

Sau đó, Kiên tiến hành chạy t-test độc lập các số liệu đã có và các số liệu giả định trên các phần mềm thống kê thông dụng như R-studio và Excel.

Kết quả sau khi chạy thống kê:

  • t-value: 1.2327

  • p-value: 0.2852 >> 0.05

→ Vậy nên có thể kết luận rằng giả thiết H0 đúng, tức là không có sự khác biệt đủ lớn về mặt thống kê: Tính thấm của retinol và Gentinol-200 là gần như ngang nhau, giống với kết quả được nêu trong bài báo.

5. Nhưng khoan, mọi chuyện chưa kết thúc dễ vậy đâu: Những yếu tố bị bỏ qua

Kết luận ở trên là kết luận về mặt số liệu, nhưng từ đó mà suy thẳng ra Gentinol-200 không khác gì so với retinol truyền thống là hơi vội đó. Đối với Kiên, thí nghiệm này chỉ mang tính tham khảo thôi. Tại sao ư? Mời anh chị em Đồng Điệu liếc qua dùm Kiên tờ Tóm tắt Kết quả Thí nghiệm (Summary of Test Result) nghen.

Có những yếu tố có thể ảnh hưởng đến kết quả của thí nghiệm này:

  • Không công bằng về nồng độ: Các bạn có thể thấy, trong phần Phương pháp (Test Methods), nồng độ retinol tinh khiết sử dụng là tận 50% (một nồng độ cao kinh hồn bạt vía) + chất phá màng surfactant 🙂 Ưu ái cỡ đó mà không thấm nữa thì thôi. Còn với nồng độ Gentinol-200, giả sử cũng dùng 50% đi, thì quy đổi ra lượng retinol tinh khiết cũng cỡ 5% à, mà cũng không thấy được kèm với surfactant gì ngoài bản thân cái vỏ bọc của nó hết. Bất công ha :)))

  • Không phải thử nghiệm lâm sàng: Một phần do nồng độ retinol quá cao (nguy cơ ngộ độc cấp tính), cũng như dùng lượng lớn sẽ có nguy cơ gây dị tật thai nhi cũng như tăng tính nhạy sáng cho da, vậy nên thử nghiệm này chỉ có thể tiến hành thông qua mô hình “Franz diffusion cells” (gồm 2 buồng, dùng để kiểm tra thẩm thấu 1 chất từ buồng cho sang buồng nhận) với một lớp mỏng da người làm màng ngăn cách. Mô hình này mô phỏng một phần nào đó chức năng bán thấm của da, nhưng không thể hiện hết toàn bộ các chức năng sinh lý, sinh hoá và miễn dịch, khiến kết quả đánh giá là không thực sự khách quan và thiếu phần nào tính lâm sàng.

  • Cỡ mẫu quá nhỏ: Có một yếu tố tiên quyết khác ảnh hưởng rất nhiều đến kết quả thí nghiệm, đó chính là cỡ mẫu, hay còn hiểu là số lượng đối tượng tham gia thử nghiệm, hoặc số lần thí nghiệm được lặp lại. Cỡ mẫu quá nhỏ sẽ khiến cho số liệu thô không được phân phối chuẩn, dẫn đến sai lệch kết quả thống kê. Hiểu đơn giản thế này, nếu 1 đồng xu có 2 mặt, mà bạn chỉ gieo đúng một lần thì sẽ không có cơ sở để khẳng định xác suất ra mặt sấp hay ngửa là 100% được. Khi bạn gieo đủ nhiều, đủ lâu thì bạn ngộ ra rằng, xác suất sấp/ngửa thực chất là 50:50.

Tương tự như vậy, với các số liệu đã cho và đã giả định như cũ, nhưng tăng cỡ mẫu ở 2 nhóm retinol và Gentinol-200 lên thành 10 (giả định số liệu thô phân phối chuẩn), thì ta lại có p-value = 0.0371 < 0.05. Bùm! Thế là sự khác biệt đã mang tính thống kê, tức là Gentinol-200 thấm sâu hơn retinol rồi đó :)))

6. Kinh nghiệm: Tại sao không nên "đốt cháy giai đoạn" khi đọc nghiên cứu khoa học

Qua case study ở trên, anh chị em Đồng Điệu có thể rút ra được kinh nghiệm xương máu như này:

Khi đọc một nghiên cứu khoa học, nhiều người thường mắc lỗi nghiêm trọng là chỉ đọc sơ qua phần Tóm lược (Abstract), rồi nhảy ngay đến phần Kết quả (Results) và Bàn luận (Discussions), vì những phần này thường được cho là phần “giá trị” nhất trong một bài báo. Mặc dù cách này có thể tiết kiệm thời gian, nhưng nó có thể khiến bạn bỏ lỡ những thông tin quan trọng được đề cập trong các phần khác của bài nghiên cứu.

Quan điểm của Kiên:

Không nhất thiết phải đọc kỹ từng chữ, nhưng bạn nên lướt qua mỗi phần của bài nghiên cứu ít nhất một lần. Việc này giúp bạn có cái nhìn tổng quan và nắm bắt được các thông tin quan trọng mà có thể không được đề cập trong phần Tóm lược, Kết quả hay Bàn luận.

Lý do nên đọc qua các phần khác:

  • Giới thiệu (Introduction): Cung cấp bối cảnh và lý do tại sao nghiên cứu được thực hiện, giúp bạn hiểu rõ hơn về mục tiêu và ý nghĩa của nghiên cứu.

  • Phương pháp (Methods): Giải thích cách thức nghiên cứu được tiến hành, giúp bạn đánh giá được độ tin cậy và tính hợp lệ của kết quả.

  • Kết luận (Conclusion): Tóm tắt những điểm chính và đề xuất hướng nghiên cứu tiếp theo, giúp bạn có cái nhìn toàn diện về nghiên cứu.

Bằng cách lướt qua tất cả các phần, bạn sẽ nắm bắt được toàn bộ thông tin quan trọng, tránh bỏ sót những chi tiết quan trọng mà có thể ảnh hưởng đến sự hiểu biết và đánh giá của bạn về nghiên cứu đó.

7. Kết luận

Suy cho cùng, đây cũng chỉ là một nghiên cứu nhỏ của bên cung cấp nguyên liệu, nhằm mục đích duy nhất là thể hiện câu chuyện “Ít ra Gentinol-200 của chúng tôi cũng thấm được như retinol tinh khiết”. Những mập mờ về số liệu có thể là vì đây bản chất chỉ là một văn bản chào hàng, không quá nhấn mạnh tính học thuật. Thế nên, những gì nêu ra ở trong đó cũng chỉ mang tính chất tham khảo chứ không nên tin 100% vào nó.

Nếu ta rộng rãi du di cho là tính thấm của retinol tinh khiết và Gentinol-200 là như nhau đi, cơ mà các tính sinh khả dụng và độ bền của Gentinol-200 vẫn cao hơn hẳn (các nghiên cứu trên cũng được đính kèm trong bài báo này). Hơn nữa, bọc giúp bảo vệ retinol khỏi bị phân huỷ trước khi thực sự có hiệu quả trên da. Retinol tinh khiết luôn hiện hữu nguy cơ không thấm, mất hoạt tính hoặc trôi sang những nơi khác một khi đã được đưa ra khỏi bao bì, thế nên trong trường hợp này, retinol bọc vẫn chiếm điểm số cao hơn trong lòng Kiên.

Kết bài, Kiên xin phép nhắc lại câu ở trên Kiên đã nói:

“Không ai khùng điên, tự nhiên đổ bạc tỷ đi R&D ra một thứ công nghệ không mang lại mấy khác biệt so với hoạt chất tinh khiết ban đầu, đúng không nào?”

Wow, các bạn vẫn còn ở đây á? Cảm ơn các bạn đã đọc hết bài của Kiên nghen.

Hãy đón chờ các bài viết khác của Kiên trong thời gian tới nhen.

Trân trọng.

____________________

Bài viết thuộc quyền sở hữu của Lê Duy Kiên và group Đồng Điệu. Đề nghị không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý của tác giả.

Bài viết độc lập, không được tài trợ bởi bất cứ nhãn hàng nào. Thông tin/kiến thức này thuộc sự tổng hợp cá nhân. Chỉ mang tính chất tham khảo. Không thể thay thế các nghiên cứu khoa học chính thống/hay lời khuyên y tế.