Xin chào các Đồng Điệu, xin lỗi mọi người vì đã ngụp lặn khá lâu, nhân dịp khai bút lại Bs. Hân sẽ lần đầu nói về một drama rất đình đám trong làng chăm tóc. Và mình cũng khá tự tin là thông tin mình mang lại trong bài viết này, chắc chắn chưa 1 beauty blogger nào nói đến và cũng hiếm khi có bác sĩ nào phân tích, vì nó khá sâu nhưng rất thú vị.

Drama bắt nguồn từ clip ủ tóc với chuối, mayonnaise, giấm táo của chị Happy Phạm. Và sau đó thì bác sĩ Mập Hồng có ý không đồng tình (nói không đồng tình là do mình lịch sự) với phản biện là:

“Phần tóc ló ra bên ngoài chúng ta thấy hoàn toàn đã chết vậy có đắp lên hàng tấn chất đạm từ lòng đỏ trứng gà thì cũng là chuyện dư thừa”.

Mặc dù tự đặt tên kênh là Người Làm Y Chất, nhưng mình thì cũng thuộc hội người hèn Việt Nam, nên không bao giờ nói thẳng ai đúng ai sai, nhưng hôm nay mình sẽ dẫn chứng một loại bệnh học về sợi tóc (Hair Shaft Disorder), và chắc là sau khi đọc xong mọi người sẽ tự hiểu được ẩn ý của mình.

Đầu tiên chúng ta phải làm rõ điều BS. Mập Hồng nói “Phần tóc mọc dài bên ngoài da đầu có chết không?”, câu trả lời của mình là CÓ VÀ KHÔNG. Dựa trên lập luận tóc chỉ còn là những lớp tế bào sừng/keratin thì ok nó c.h.ế.t, NHƯNG xét về phần lõi (medullar) vẫn chịu sự chi phối của Androgens (hormone sinh dục) và quyết định độ chắc khỏe của sợi tóc vì chỉ có những sợi tóc đường kính lớn mới có phần lõi này THÌ LẠI KHÔNG.

Bên cạnh đó, các chuỗi keratin đan xen tạo nên cấu trúc của tóc tạo thành các liên kết hóa học liên tục bị phá vỡ và kết nối lại trong các điều kiện nội và ngoại sinh khác nhau. Một số liên kết này có thể đảo ngược được, trong khi một số khác thì không và một khi bị phá vỡ, chúng không thể kết nối lại được. Các tác nhân thường gặp như:

  • Độ ẩm cao sẽ làm đứt gãy liên kết yếu như liên kết hydro giữa các chuỗi keratin, làm thay đổi hình dạng của tóc và gây ra tình trạng xơ rối.
  • Độ pH cao từ các sản phẩm chăm sóc tóc hoặc nước cứng có thể phá vỡ các liên kết ion làm tóc bung xù mất sự vào nếp.
  • Liên kết disulfide và peptide (những liên kết bền và đứt là đứt luôn) có chức năng ổn định cấu trúc của tóc dọc theo chiều dài và chiều rộng tạo độ bền và đàn hồi của sợi tóc, có thể bị phá vỡ bởi nhiệt, chất gây ô nhiễm môi trường, tia UV, phản ứng oxy hóa và tác nhân hóa học.

Và để bảo vệ những liên kết này thì người ta cũng tìm ra những sản phẩm như: bảo vệ tóc với nhiệt trước khi tạo kiểu bằng những sản phẩm duy trì điện tích, hay những sản phẩm ủ sợi tóc với peptide và keratin để trám vào những nơi tóc hư tổn bị bung và không xếp chặt được lớp keratin vốn có.

Một loại bệnh học thường gặp nhất gây đứt gãy ngang sợi tóc tên là Trichorrhexis nodosa. Nó không có thuật ngữ dịch ra tiếng việt, nhưng nói nôm nó sẽ có những điểm đứt gãy keratin hoàn toàn và tạo điểm gãy ngang cho sợi tóc.

Bệnh có thể do mắc phải khi sử dụng dầu gội không phù hợp, chải tóc mạnh, xử lý hóa chất độ tẩy cao hay suy dinh dưỡng, thiếu sắt, suy giáp. Và cũng có thể do di truyền, xảy ra khi mới sinh hoặc trong vòng vài tháng sau khi sinh dựa vào tình trạng trội nhiễm sắc thể.

Trichorrhexis nodosa mắc phải thường là một căn bệnh tự giới hạn và có thể tự hồi phục. Để giảm thiểu đứt gãy tóc thêm cần tránh các phương pháp điều trị hóa chất mạnh, chải tóc quá nhiều, tiếp xúc với nhiệt, và chấn thương cơ học như cọ xát hoặc gãi.

Sử dụng thêm dầu gội và sản phẩm ủ tóc giàu protein, cũng như cắt tóc trong trường hợp thấy tóc rõ ràng bị hư tổn. Tóc sẽ trở lại bình thường trong vòng 2 đến 4 năm.

Mọi người có thấy chi tiết “dầu gội và sản phẩm ủ tóc giàu protein” mà sách khuyến cáo không, đó là tác dụng của việc ủ mayonnaise á, vì nó có chứa chất béo (dầu olive) và protein (lòng đỏ trứng). Nhưng điều mình không biết là nồng độ và kích thước phân tử protein trong một chất sinh ra là để ăn thì có phù hợp hấp thu vào sợi tóc không. Vì theo mình biết những sản phẩm cung cấp protein cho tóc thì họ phải có những nghiên cứu và tinh chế phân tử phù hợp cho sợi tóc từ trong phòng thí nghiệm của hãng.

Túm cái áo blouse lại, nói sợi tóc chết hoàn toàn thì không chính xác, và dùng các dòng ủ thiên nhiên để cung cấp protein cho sợi tóc thì mình nghĩ nên chọn phân tử phù hợp và được nghiên cứu trong lab. Thế nên mọi người đừng cãi nhau nữa, nếu tóc bạn khỏe thì cứ trải nghiệm nhiều phương pháp và tự tìm cho mình lối đi riêng, còn nếu rụng tóc đến lộ trắng da đầu thì làm ơn, gặp bác sĩ nào cũng được, nhưng hãy đi khám bác sĩ bạn nhé.

_______________

Thông tin liên hệ

– Fanpage: https://www.facebook.com/drhaniez

– Tiktok: https://www.tiktok.com/@nguoilamychat

– Youtube: https://www.youtube.com/@drhaniez

– Group Nuôi tóc khoa học: https://www.facebook.com/groups/758251482585457

_______________

Bài viết thuộc quyền sở hữu của bác sĩ Đinh Gia Hân và group Đồng Điệu. Đề nghị không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý của tác giả.

Bài viết độc lập, không được tài trợ bởi bất cứ nhãn hàng nào.