Trong bài chia sẻ với chủ đề “Tâm an để da đẹp” trước đây, tôi đã cùng các Đồng Điệu tìm hiểu về mối liên hệ giữ sức khỏe tinh thần với vẻ đẹp của làn da. Nhận thấy cuộc sống chúng ta được chi phối rất nhiều bởi các nền tảng mạng xã hội. Bên cạnh nhiều lợi ích, không thiếu những tác động tiêu cực từ thế giới ảo làm ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của mỗi người: nhiều thông tin xấu được lan truyền, sự công kích cá nhân, vùi dập người khác…

Bài viết lần này sẽ đề cập đến việc sử dụng mạng xã hội an toàn, trách nhiệm như một cách để giữ gìn sức khỏe tinh thần, nuôi dưỡng sự bình an nội tâm, xây dựng lối sống lành mạnh, văn minh.

1. Thông tin xấu dễ lan nhanh

Người ta thường ví điều tốt sẽ lan truyền theo tốc độ cấp số cộng, còn điều xấu sẽ lan truyền với tốc độ cấp số nhân. Lí do đầu tiên chính là thông tin xấu thường gây tò mò, đánh vào bản năng hiếu kì của con người. Do đó, những thông tin có hậu quả nghiêm trọng hoặc nội dung tiêu cực sẽ dễ thu hút người xem bấm vào đọc và chia sẻ.

Lí do thứ hai liên quan đến bản năng phòng vệ của con người. Việc chia sẻ và lan tỏa những thông tin xấu còn nhằm mục đích cảnh báo cho chính mình và mọi người xung quanh tránh gặp phải tình huống xấu tương tự, hoặc tự mình rút ra bài học.

Một lí do khác thuộc về thuật toán của các nền tảng mạng xã hội. Khi có nhiều sự quan tâm dành cho một thông tin, lập tức thông tin đó sẽ xuất hiện liên tục trên các trang chủ.

Có thể nói, sự việc nào cũng có tính chất hai mặt. Khi những thông tin xấu được quan tâm và lan truyền nhanh chóng, mặt tích cực nằm ở giá trị cảnh báo, nhắc nhở. tuy nhiên, tâm lí người dùng mạng xã hội cũng sẽ bị tác động, trở nên bất an khi phải nghe, nhìn và nghĩ về cái xấu quá nhiều. Trong khi tham vấn tâm lý, mình đã gặp rất nhiều người bị trầm cảm hoặc rối loạn lo âu có nguyên nhân liên quan đến việc nghe, nhìn nhiều thông tin xấu trên mạng. Việc quan tâm và bị cuốn vào những thông tin tiêu cực cũng là nguy cơ đưa đến hành vi công kích, những pha “ẩu đả” bàn phím không hồi kết.

2. Mối liên hệ giữa sự tự ti và hành vi công kích

Tâm lí tự ti thường đi cùng với tâm lí so sánh và thái độ ghen tị, từ đó dẫn đến hành vi mỉa mai, “dìm hàng”, phủ nhận thành công của người khác. Người tự ti thường sẽ tìm cách hạ bệ người khác để bù đắp cho cảm giác bất an, che giấu những bất ổn của bản thân.

Sự tự ti trong cuộc sống đời thực càng khiến người ta khao khát thể hiện quyền lực trong thế giới ảo. Trong khi đó, mạng xã hội cho phép sự xuất hiện của những yếu tố ẩn danh. Như thế, người ta vừa được thể hiện quyền lực, vừa không phải chịu trách nhiệm cho những điều mình nói hoặc viết.

Mặt khác, người tự ti thường có tâm lí muốn thu hút sự chú ý của người khác. Khi lan tỏa một thông tin xấu hoặc tham gia bày tỏ ý kiến chê bai ai đó trên mạng xã hội, họ cảm thấy thỏa mãn khi nhận được được sự đồng tình, những lượt like, share rầm rộ.

3. Tâm lí đám đông và vai trò của các cộng đồng trực tuyến

Hiện nay, sự xuất hiện của các hội nhóm ngày càng nhiều. Về điểm tích cực, đây là chức năng của mạng xã hội giúp tập hợp, kết nối những người có cùng sở thích, sự quan tâm để trao đổi, học hỏi kiến thức và kinh nghiệm lẫn nhau.

Tuy nhiên, cũng có không ít các hội nhóm được tạo ra với mục đích tiêu cực, thậm chí được thành lập để vùi dập một cá nhân nào đó. Các hội nhóm này không chỉ có trong giới showbiz mà còn xuất hiện ở nhiều lĩnh vực khác.

Lúc này, hành vi công kích sẽ được vận hành dựa theo tâm lí đám đông. Quả thật, không một cá nhân nào muốn mình bị tách khỏi các hội nhóm xã hội. Do đó, chúng ta sẽ có xu hướng làm theo, nương theo tập thể để hòa nhập. Đây là một hành động vô thức để bảo vệ chính mình trước sự tẩy chay, cô lập. Không có gì để nói nếu đó là một cộng đồng tích cực nhưng một khi cộng đồng được tạo ra với mục đích công kích, “ném đá”, chúng ta dễ dàng bị chi phối và dẫn dắt bởi các quan điểm tiêu cực.

4. Học cách bình thản trước những bình luận tiêu cực

Vùi dập, tấn công nhau bằng ngôn từ trên mạng xã hội có khi còn nguy hiểm hơn những tác động ở đời thực, vì thông tin sẽ được lan tỏa với tốc độ chóng mặt, chưa cần biết đúng hay sai, thật hay giả. Điều đáng sợ là người ta không thể kiểm soát được ai đang nói xấu mình, ai đang hiểu sai về mình và không thể thanh minh với từng người.

Nạn nhân của sự công kích có thể sợ hãi giao tiếp, trốn tránh các mối quan hệ trên mạng lẫn ngoài đời vì bị mất niềm tin, rối loạn lo âu, trầm cảm và có thể dẫn đến những hậu quả đáng tiếc khác.

Vậy, làm sao để có thể tự bảo vệ tâm lý và cảm xúc của bản thân khi đối diện với những bình luận tiêu cực trên mạng xã hội? Nội lực của mỗi người sẽ cho chúng ta câu trả lời. Nội lực ở đây bao gồm thể lực, tâm lực và trí lực. Nếu sự tự ti khiến chúng ta phải sống trên miệng lưỡi người khác, thì một người có nội lực mạnh mẽ, tự tin sẽ luôn biết mình, biết người và không để tâm quá nhiều đến lời ong tiếng ve bên ngoài.

Hơn nữa, ông bà ta có câu: “Không có lửa làm sao có khói”. Để không phải đứng trước đầu sóng ngọn gió của những công kích, trước tiên, chúng ta phải là những người dùng mạng xã hội an toàn, có trách nhiệm. Không công kích, không chỉ trích mỉa mai bất kì ai, không chia sẻ những thông tin thiếu kiểm chứng, cần có trách nhiệm với những gì mình đăng tải và thận trọng với những cú like share. Ngoài ra, cần tránh sa vào những cuộc tranh luận trên mạng xã hội để không vướng vào những hiểu lầm, gây mâu thuẫn đôi bên.

Sau cùng, rất khó để có thể miễn nhiễm với những công kích. Việc trao đổi, tâm sự với những người đáng tin cậy là điều cần thiết để cảm xúc được giải tỏa, nhất là với những đối tượng học sinh sinh viên, đang trong giai đoạn trưởng thành.