Chào các Đồng Điệu, trong bài viết giới thiệu Admin, tôi đọc được một bình luận bày tỏ rằng bạn đang quan tâm đến chủ đề trầm cảm sau sinh.
Những năm qua, nhiều sự việc đau lòng về người mẹ nghi là trầm cảm sau sinh bỏ rơi con nhỏ, dìm ch.ết con, tự làm hại mình… khiến dư luận vô cùng bàng hoàng. Bản thân tôi khi nghe được những tin tức này cũng rất xót xa, thương cho cả mẹ, bé và gia đình.
Là người làm về thai giáo từ năm 2007 đến nay, tôi rất coi trọng yếu tố tâm lý của người mẹ bởi điều này liên quan mật thiết đến sự phát triển lành mạnh của trẻ. Đặc biệt, trong giai đoạn sau sinh, người mẹ phải trải qua rất nhiều những biến chuyển lớn, dễ gây ảnh hưởng xấu đến tâm lý nếu không được quan tâm chăm sóc kịp thời.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, có từ 10% đến 20% sản phụ trên toàn thế giới mắc chứng trầm cảm sau sinh. Còn ở Việt Nam, tỉ lệ này có thể lên tới 33%, nhưng có đến 50% trong số đó không được chẩn đoán bởi các chuyên gia y tế. Đây là cảnh báo từ Bộ Y tế Việt Nam từ năm 2022. Rất nhiều mẹ chủ quan, chưa biết hoặc chưa thực sự quan tâm đến chứng trầm cảm sau sinh để phòng tránh trầm cảm ngay từ khi mang thai.
Tôi hy vọng qua bài viết này, mọi người sẽ hiểu hơn về trầm cảm sau sinh, cũng như biết cách để chăm sóc cho bản thân hoặc những người xung quanh, tránh xảy ra hậu quả đáng tiếc khi không phát hiện kịp thời.
Khái niệm trầm cảm sau sinh
Trước tiên, cần phải nói đến trầm cảm. Đây là một chứng rối loạn tâm thần với nhiều biểu hiện và mức độ khác nhau. Trầm cảm sau sinh là một trong những dạng trầm cảm, xuất hiện ở người phụ nữ sau khi sinh con. Theo bảng phân loại ICD-10 (International Classification of Diseases, 10th Revision), do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ban hành, các triệu chứng của trầm cảm nói chung bao gồm:
1/ Thích ở một mình, ngại giao tiếp
2/ Không thích trao đổi trực tiếp, chỉ muốn trao đổi gián tiếp qua mạng xã hội
3/ Thường xuyên ở trong trạng thái chán nản, ủ rũ
4/ Mệt mỏi, thiếu sức sống
5/ Mất tập trung, không muốn làm việc
6/ Bi quan, cảm thấy tội lỗi hoặc thất vọng về bản thân
7/ Dễ cáu gắt, nổi nóng, kích động
8/ Cảm thấy lo âu, bất an
9/ Rối loạn giấc ngủ: mất ngủ, hoặc ngủ quá nhiều
10/ Không còn hứng thú với những sở thích trước đây
11/ Rối loạn ăn uống: chán ăn hoặc ăn uống vô độ
12/ Suy nghĩ về cái chết hoặc có ý định tự t.ử
Nếu một người gặp từ 5 trong 12 dấu hiệu trên kéo dài quá 2 tuần thì đó là dấu hiệu sớm cho việc người đó cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa thần kinh để được thăm khám.
Còn nếu những dấu hiệu này chỉ là thoáng qua thì có thể đây là hội chứng Baby blues mà 80% phụ nữ sau sinh đều gặp phải, đừng lo lắng thái quá. Bản thân tôi cũng trải qua 2 lần sinh nở, sinh xong thì rất mê con nhưng vài ngày sau thì sự căng thẳng, chán nản, mệt mỏi, đau đớn làm cho cảm xúc của mình đi xuống. Trải qua cơn sinh nở - một sự biến chuyển rất mạnh mẽ từ một cô gái trở thành người phụ nữ với trách nhiệm làm mẹ, chúng ta cần chấp nhận rằng cơ thể và tâm lý của mình cần có thời gian thích nghi.
Nguyên nhân dẫn đến trầm cảm sau sinh
Ông bà ta có câu: “Người chửa cửa mả”, mang thai và sinh con là một quá trình căng thẳng. Có rất nhiều yếu tố khiến người mẹ sau sinh có nguy cơ trầm cảm cao hơn những người khác:
1/ Yếu tố sinh lý:
- Những thay đổi về nội tiết: Sau khi sinh con, cơ thể người phụ nữ sẽ có sự giảm đột ngột estrogen và progesterone, ngoài ra, hormones tuyến giáp cũng giảm nhanh chóng nên gây ra cảm giác mệt mỏi, buồn bã.
- Sự thay đổi về thể tích máu, hệ miễn dịch, huyết áp và sự chuyển hóa trong cơ thể.
2/ Yếu tố tâm lý:
- Mâu thuẫn gia đình, các vấn đề tài chính hoặc không có sự giúp đỡ của người thân.
- Áp lực trong việc chăm sóc em bé, cuộc sống cá nhân bị đảo lộn.
3/ Tiền sử bản thân hoặc tiền sử gia đình từng mắc chứng trầm cảm.
Bên cạnh đó, các nhóm đối tượng phụ nữ sau đây cũng có nguy cơ trầm cảm sau sinh cao hơn những người khác:
- Mang thai khi quá trẻ, dưới 18 tuổi: Cơ thể chưa phát triển hoàn chỉnh, cộng thêm việc thiếu kinh nghiệm sống, áp lực tài chính…
- Mang thai khi lớn tuổi: Lo lắng con dễ bị dị tật, lo mình không còn trẻ để chăm sóc nuôi dạy con…
Một số cách thức phòng tránh trầm cảm sau sinh
Trong một buổi chia sẻ với Webtretho, tôi từng nhận được câu hỏi của một bạn rằng bạn ấy chưa kết hôn và sinh con, nhưng thời gian trước đã có giai đoạn bị trầm cảm, đã được thăm khám và cho uống thuốc. Hiện tại, sức khỏe tâm lý của bạn đã ổn định nhưng bạn lo lắng sau này mình sẽ bị trầm cảm sau sinh.
Quả thực, bạn nằm trong nhóm đối tượng có nguy cơ cao, nhưng điều đó không có nghĩa là bạn chắc chắn sẽ bị trầm cảm sau sinh. Đôi khi, sự lo lắng và ám ảnh về trầm cảm còn khiến chúng ta dễ mắc bệnh hơn cả tiền sử của chính mình. Vậy nên lời khuyên đầu tiên của tôi chính là không được chủ quan, nhưng cũng đừng quá bất an. Hãy cứ tập trung vào những điều khiến bạn bình an và yên vui trong cuộc sống.
Bên cạnh đó, dựa trên những kiến thức, kinh nghiệm mà tôi tích lũy được trong quá trình nghiên cứu và tham vấn tâm lý của mình, đây là những điều cần lưu ý để phòng tránh trầm cảm sau sinh.
Đối với bản thân người phụ nữ:
- Mang thai chủ động: Nhiều nghiên cứu và thực tế cho thấy, nếu người phụ nữ chủ động, họ sẽ có thể chuẩn bị sức khỏe và tâm lý phù hợp để mang thai. Họ cũng có thời gian để bàn bạc với gia đình và chồng, đồng thời sắp xếp công việc và chuẩn bị tài chính. Điều này không chỉ khiến họ ít gặp tình trạng trầm cảm hơn, mà còn giảm ốm nghén - bởi tâm lý là một trong những nguyên nhân gây ra triệu chứng này.
Nếu cần, bạn có thể tìm đọc cuốn Thai giáo – phương pháp khoa học dạy con từ trong bụng mẹ do tôi làm chủ biên viết cùng 23 tác giả khác là các bác sĩ, các nhà tâm lý…với sự cố vấn của cố GS.TS. Trần Văn Khê, hiệu đính của BS. Nguyễn Thị Ngọc Phượng, để biết thêm về cách chuẩn bị trước khi mang thai, cũng như chăm sóc bản thân và thai giáo cho con (giáo dục thai nhi từ trong bụng mẹ).
- Sau khi sinh, mẹ nên tranh thủ tối đa thời gian để nghỉ ngơi, có thể nhờ người khác trông con giùm một vài phút để nằm thư giãn một mình, có thể không ngủ, nhưng điều này khiến bạn đỡ “căng não”, đỡ mệt mỏi hơn rất nhiều.
- Mẹ cũng không nên quá kiêng cữ sau sinh. Có những lời khuyên của ông bà ta nên làm theo, nhưng cũng có những điều cần xem xét lại. Về vấn đề vệ sinh, nếu kiêng tắm, mẹ vẫn nên lau người bằng nước ấm. Không nên nhốt mình trong phòng kín, vận động nhẹ nhàng (đi dạo trong nhà, ra ngoài tắm nắng, mát-xa…) và gặp gỡ bạn bè, trò chuyện với người thân sẽ là những cách khiến tâm trạng người mẹ sau sinh thoải mái hơn.
- Nhớ rằng không ai chăm sóc bản thân tốt hơn chính mình. Sự quan tâm của người thân, nhất là người chồng, rất cần thiết, nhưng nếu ở trong hoàn cảnh không có được điều ấy, mong bạn đừng mãi chìm vào trong nỗi tủi thân. Hãy vì con của mình mà vực dậy tinh thần. Sức khỏe của con gắn kết với sức khỏe thể chất và tinh thần của người mẹ, khi mẹ ổn định cảm xúc thì con mới phát triển tốt.
Đối với người thân của phụ nữ sau sinh:
Không được chủ quan, đơn giản quá mức vấn đề: Nhiều người cho rằng sau sinh mệt mỏi, buồn bã là bình thường. Tâm lý này sẽ bỏ qua những sự bất thường của sản phụ, đến khi có hậu quả xảy ra thì đã muộn. Đôi khi người trong cuộc không thể nhận ra nên người thân cần chú ý, động viên, nếu có 5 trên 12 dấu hiệu trầm cảm kéo dài trên 2 tuần thì phải đưa đến bác sĩ chuyên khoa thần kinh để thăm khám và điều trị theo đúng phương pháp khoa học. Trong suốt quá trình này, người thân cần theo dõi sát sao, nếu thấy phương pháp điều trị không hiệu quả hoặc sản phụ có dấu hiệu bất thường, cần được tái khám sớm hơn lịch hẹn.
Kết lại, ai cũng có thể mắc phải căn bệnh trầm cảm, người phụ nữ nào cũng có thể bị trầm cảm sau sinh nếu không thể vượt qua những rối loạn, khúc mắc, khó khăn trong cuộc sống ở giai đoạn nuôi con nhỏ đầy thử thách này. Điều quan trọng là hãy giữ một tinh thần lạc quan, chọn cho mình những niềm vui nhỏ mỗi ngày, đừng quá để tâm đến những điều làm mình không vui. Có lẽ bạn cũng biết đến nguyên tắc 90/10: kết quả bạn nhận được: 10% là do những gì xảy đến với bạn, 90% là cách bạn ứng phó với nó.
Tôi rất thích bài “Chào buổi sáng” của nhạc sĩ Nguyễn Dân. Mỗi sáng, tôi thường mở bài hát này để động viên chính mình. Xin trích một đoạn thay lời kết:
“Hãy mỉm cười với bao chuyện đời
Hãy thật lòng nói xin cảm ơn
Hãy rộng lượng thứ tha lỗi lầm
Hãy cho niềm yêu thương
Sẽ có những sóng gió phía trước
Hãy cố gắng bước qua dù không dễ dàng
Trong cuộc đời còn những giấc mơ đẹp tươi
Hãy nói tôi yêu mọi người”
Discussion