Tưởng tượng bạn đang sống trong xã hội nguyên thủy. Rong ruổi một mình cả ngày, bạn trở về nơi bộ lạc mình sinh sống và thấy mọi thứ trống không. Chẳng còn ai ở đó nữa. Nếu không nhanh chóng lần ra dấu vết và chạy theo bộ lạc của mình, bạn sẽ rất dễ trở thành con mồi cho thú ăn thịt, hoặc ch*t đói.
FOMO (fear of missing out) đã tồn tại từ ấy, như một bản năng sinh tồn của con người. Chúng ta phải luôn chú ý người khác làm gì, để nhanh chóng làm theo, chạy theo, để không bị bỏ lại.
Nên với mình, không có cách nào để dừng hẳn FOMO. Mà cũng không cần thiết phải làm vậy. FOMO đôi khi cũng… tốt, như trong suốt thời học sinh và sinh viên, FOMO là thứ giữ mình đi học đều đặn =))))
Mọi thứ trên đời đều tồn tại đồng thời hai mặt, cân bằng là trạng thái tốt nhất. Nghiêng hẳn về bên nào cũng không nên.
Nếu đang FOMO quá, thì chúng ta cùng tìm hiểu về JOMO nha.

1. Nguồn gốc thuật ngữ
JOMO (joy of missing out) là sự tận hưởng khi có thể thoải mái bỏ qua những gì “có vẻ thú vị” mà người khác đang làm để tập trung vào những điều khiến bản thân thực sự hạnh phúc.
Nhiều nguồn cho rằng thuật ngữ này ra đời từ blog của một doanh nhân vào năm 2012 và được biết đến rộng rãi qua cuốn The Joy of Missing Out: Finding Balance in a Wired World của tác giả Christina Crook.
2. Làm sao để chuyển từ FOMO thành JOMO?
Hạn chế sử dụng mạng xã hội, học cách nói “không”, tập trung làm một thứ trong một thời điểm… là những điều có lẽ bạn đã biết rồi. Những phương pháp này, mình tạm gom chung là tránh tiếp xúc với nguồn kích hoạt FOMO.
Nhưng phải làm sao nếu không tránh được?
FOMO hay JOMO đều là hiệu ứng tâm lý, sau cùng cũng chỉ khác nhau ở việc bạn nghĩ như thế nào.
Thú thật thì là một người hướng nội, mình hiếm khi bị FOMO khi bỏ lỡ một cuộc vui nào đó. Trong một lịch trình, nếu phải ở lại khách sạn vì lý do sức khỏe, mình sẽ nghĩ đây là lúc thích hợp để nghỉ ngơi, tận hưởng cảm giác mát mẻ từ máy lạnh và êm ái từ chiếc giường, chứ không nghĩ đến việc bạn bè của mình chắc hẳn đang vui vẻ tham quan ngắm cảnh lắm.
Là một người đang… nghèo, mình đã quen với việc không chạy theo xu hướng. Brand A mới ra mắt sản phẩm mới hả? Kệ chứ, đồ ở nhà xài còn chưa hết. Mốt mới mùa hè nè? Ờm, tủ đồ có thứ mặc được cả bốn mùa xuân hạ thu đông luôn, khỏi dụ.
Và khi biết bản thân cần gì, thật sự thích gì, chúng ta cũng ít làm theo lựa chọn của người khác. Đi Thái, mọi người cứ việc đi Tuktuk, dạo Chatuchak, mình sẽ đi triển lãm ở centralwOrld. Sau đó, nếu muốn, tụi mình có thể ngồi kể lại trải nghiệm của nhau mà. Dù sao thì chúng ta cũng chỉ có một cuộc đời. Đâu thể phân thân. Đó là lý do mà phim ảnh, sách, truyện… xuất hiện, để chúng ta có thể gián tiếp trải nghiệm những điều xảy ra trong cuộc đời người khác.
Nếu không làm gì đó, bạn chẳng bỏ lỡ nó đâu. Bạn chỉ đang dành thời gian để làm những điều thực sự có ý nghĩa với bản thân mà thôi.
Discussion