Trong khoảng 2 tháng trở lại đây, có rất nhiều vụ quay lén, nhìn trộm bị phanh phui: một tài khoản Tiktok chuyên giả dạng phỏng vấn dạo để tiếp cận các bạn nữ trên bãi biển, chủ trọ gắn camera quay lén trong nhà vệ sinh của nữ sinh thuê phòng, quán cà phê dating gắn gương hai chiều, và gần đây nhất là chuyện một fashionista nổi tiếng phát hiện camera quay lén ngụy trang đồng hồ đeo tay được đặt trong phòng thay đồ của studio.
Những vụ việc này cũng như bao “drama” khác, chỉ nổi rộ lên một thời gian rồi chìm vào quên lãng. Camera giấu kín rẻ mạt như nhân cách của kẻ quay lén, nhưng hậu quả nó để lại thì vô chừng.
Đáng sợ hơn, chuyện quay lén không chỉ được thực hiện bởi những kẻ biến thái vất vưởng ngoài đường. Bởi có một nền “công nghiệp” quay lén tồn tại, không phải ở Hàn Quốc, Nhật Bản xa xôi, mà ngay chính tại Việt Nam. Nhiều tờ báo, trang tin đã cảnh báo về những kẻ bán video quay lén để kiếm tiền. Vì đồng tiền, chúng có thể quay lén cả người yêu mình.
Bên cạnh đó, sự tò mò về cuộc sống riêng tư của người khác đang dần trở nên “bình thường hóa”. Trước những vụ lộ hình ảnh nhạy cảm, tràn lan những comment “xin link” và “inbox mình gửi cho”. Họ tự tin như thể đó chỉ là lẽ thường, hoàn toàn không nhận thức được mình đang làm một chuyện trái đạo đức và pháp luật.
Năm 2018, một nữ sinh ở Quỳnh Lưu (Nghệ An) đã quyên sinh vì video hôn bạn trai bị phát tán. Lá thư vĩnh biệt để lại trên cánh tủ có lẽ sẽ mãi là nỗi đau của gia đình, nhưng chẳng đủ trở thành hồi chuông cảnh tỉnh xã hội.
Luật nào bảo vệ chúng ta?
Theo Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015:
- Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý.
- Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Do vậy nếu tự ý đăng tải hình ảnh của người khác lên mạng xã hội thì tùy vào tính chất mức độ hành vi vi phạm có thể bị xem xét xử lý hành chính, xử lý hình sự hoặc bồi thường thiệt hại nếu có theo quy định pháp luật.
Nghị định 14/2022/NĐ-CP sửa đổi Khoản 1, Điều 101, Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử như sau: Cá nhân có hành vi tự ý sử dụng hình ảnh cá nhân của người khác đăng lên mạng xã hội có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng, tổ chức vi phạm thì mức phạt áp dụng bằng 2 lần so với cá nhân vi phạm. Đồng thời buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm.
Nếu hành vi quay lén nhằm mục đích làm nhục, xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự, làm giảm uy tín của cá nhân, người thực hiện có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Làm nhục người khác” theo Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015.
Theo đó, người phạm tội có thể bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 05 năm. Bên cạnh đó, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Hành vi lưu hành, trao đổi, mua bán hoặc phổ biến hình ảnh, video quay lén với nội dung nhạy cảm có thể bị xử lý theo tội Truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy theo quy định tại Điều 326 Bộ luật Hình sự 2015. Theo đó, Người nào làm ra, sao chép, lưu hành, vận chuyển, mua bán, tàng trữ ảnh, phim, nhạc... có nội dung khiêu dâm, đồi trụy bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
Nạn nhân cần làm gì để tố cáo?
Trả lời báo Phụ nữ Việt Nam về vấn đề này, Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh) cho biết:
Ngoài việc có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự thì đối tượng có hành vi đăng tải hình ảnh của người khác lên mạng xã hội mà không được sự cho phép còn có thể phải bồi thường thiệt hại do xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác theo Điều 592 Bộ luật Dân sự 2015 khi nạn nhân có yêu cầu. Các khoản bồi thường có thể bao gồm: Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại, thu thập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút, thiệt hại khác do luật quy định.
Trong tình huống này, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân các nạn nhân có thể thực hiện các bước pháp lý sau: Đầu tiên, lưu giữ bằng chứng về hành vi vi phạm, bao gồm cả hình ảnh và đường link đến nội dung đã được đăng tải.
Tiếp theo, liên hệ với cơ quan công an để trình báo vụ việc và yêu cầu hỗ trợ pháp lý. Đồng thời nạn nhân có thể tìm đến sự giúp đỡ của luật sư để được tư vấn và đại diện trong quá trình giải quyết vụ việc. Việc bảo vệ quyền riêng tư cá nhân và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm cũng là một phần quan trọng của khung pháp lý hiện hành tại Việt Nam.
Làm gì để bảo vệ chính mình?
1/ Sử dụng ứng dụng dò camera trên điện thoại hoặc thiết bị dò camera ẩn chuyên dụng.
2/ Kiểm tra gương: Bạn hãy đặt đầu ngón tay của mình lên bề mặt gương. Nếu bạn thấy có một khoảng cách giữa đầu ngón tay và hình ảnh ngón tay phản chiếu thì đó là gương thông thường. Nếu hai đầu ngón tay không có khoảng trống thì rất có thể đó là gương hai chiều.
3/ Trong trường hợp của fashionista mình nêu ở đầu bài, team của cô đã sử dụng máy dò camera ẩn nhưng không phát hiện được. Vì vậy, chúng ta nên quan sát bằng mắt thường và loại bỏ những vật lạc quẻ, đáng ngờ như:
- Các vật dụng bằng vải lý tưởng cho việc ngụy trang: khăn, gấu bông,...
- Những chỗ khuất kín: Bình hoa, tủ, gầm bàn, đèn bàn, hộp khăn giấy…
- Những vật dụng nhỏ: Ốc vít, bật lửa, bút, chìa khoá xe ô tô, đồng hồ, ốc vít,...
- Ổ điện, giá đỡ máy sấy tóc, đầu báo cháy…
- Lỗ trống trên tường
4/ Đeo khẩu trang khi sử dụng nhà vệ sinh ở nơi công cộng.
Cá nhân mình vẫn mong có những biện pháp quản lý chặt chẽ hơn và mức xử phạt nặng hơn. Nhưng thói xấu ở đời không dễ dẹp yên, trước tiên chúng ta vẫn nên tự cảnh giác. Cẩn tắc vô áy náy, hen.
Discussion