1. Giới thiệu Urea

Urea trong cơ thể người: Urea là một phân tử mà bản chất là các axit amin tự nhiên tồn tại trong cơ thể chúng ta. Phân tử này được tổng hợp bởi gan bằng quá trình phân rã các protein, sau đó được thận lọc rồi loại bỏ qua nước tiểu. Người ta gọi đây là quá trình bài tiết.

Nồng độ urea (trong máu hay trong nước tiểu) đánh giá chức năng của gan, thận cũng như quá trình chuyển hoá, một số bệnh lý tim mạch, chế độ ăn uống… của bệnh nhân.

Mặt khác urea được bài tiết qua mồ hôi để điều chỉnh nhiệt độ phù hợp với cơ thể để tránh sốc nhiệt.

Urea và câu chuyện “nước thánh” trong làm đẹp

Urea trên da: Ở lớp biểu bì (epidermis) xuất hiện các yếu tố giữ ẩm tự nhiên (NMF: Natural Moisturizing Factors), Urea (chiếm 7%) được tìm thấy tham gia vào quá trình giữ ẩm cho da bên cạnh các axit amin, axit lactic, pyrrolidone carboxylic, glucide và một số ion kim loại như muối, canxi, kali…

2. Urea trong mỹ phẩm

Urea sử dụng trong sản phẩm mỹ phẩm được bào chế, sản xuất từ amoniac và carbon dioxide. Hiện nay hoạt chất được ưa chuộng, khá phổ biến cũng như nhiều hãng tập trung nghiên cứu công thức. Ở châu Âu hoạt chất này được đưa vào các sản phẩm hữu cơ (sản phẩm hữu cơ khác với sản phẩm thiên nhiên, đòi hỏi rất nhiều điều kiện khó khăn mới được các Hiệp hội công nhận).

Vậy Urea có gì nổi bật?

Urea thuộc nhóm “Hygroscopic” – có thể hút ẩm (humectant) từ không khí để da được ngậm nước tức thì. Các bạn tưởng tượng bông trang điểm “beauty blender”, khi chúng mình nhúng vào nước miếng bông nở căng to hơn kích thước ban đầu.

Ngoài tính năng hút ẩm, urea có thêm khả năng giữ ẩm (emollient) bằng cách tạo một lớp màng trên bề mặt da để hạn chế sự mất nước xuyên biểu bì (TEWL), xây dựng màng bảo vệ da vững chắc khoẻ mạnh đồng thời ngăn chặn các tác nhân ngoại lai ảnh hưởng tới làn da như: vi khuẩn, gió lạnh, bụi bẩn…

Thông thường urea được bào chế ở nồng độ dao động từ 1% – 10% phù hợp với cá nhân có làn da khô, dễ mất nước, viêm da cơ địa (eczema), vảy nến. Từ 10% – 15%, Urea chuyển mình như chú tắc kè hoa sở hữu khả năng bạt sừng (exfoliate). Ở nồng độ này, Urea làm tan rã Keratin, giúp chúng bong ra dễ dàng từ đó da đều màu, mịn màng, giảm bít tắc và đặc biệt giúp dưỡng chất từ serum thẩm thấu dễ dàng hơn.

Urea và câu chuyện “nước thánh” trong làm đẹp

Nhờ tính năng này, urea đưa vào ứng dụng phổ biến trong các sản phẩm chăm sóc da đầu để giảm ngứa, cấp ẩm, loại bỏ gàu. Mình là một bệnh nhân eczema mãn tính nên 365 ngày đều dùng kem dưỡng chứa Urea.

Trên thị trường hiện nay vẫn có các sản phẩm mỹ phẩm chứa nồng độ urea từ 20% – 40%. Ở khu vực châu Âu (khối Schengen) chưa có luật quy định rõ ràng nồng độ urea tối đa nhưng những nồng độ 5% – 10% – 15% được coi là “tiêu chuẩn vàng” của các nhãn hàng (giống trường hợp của retinol).

Như mình đề cập ở trên, kể từ 10% urea có khả năng thanh tẩy tế bào chết rất hợp với các bệnh nhân bị dày sừng, bệnh vảy nến, viêm da cơ địa. Nhưng nếu Urea ở nồng độ cao sẽ có rủi ro khiến da nhạy cảm, dễ kích ứng vì lớp sừng bị lấy một cách ồ ạt và lớp da non chưa kịp thích ứng. Vậy nên sản phẩm chứa urea 20% – 40% sẽ phù hợp sử dụng cho những vùng da dày trên cơ thể như: gót chân, khuỷu tay, đầu gối giúp phần da này loại bỏ lớp sừng cũ, mềm mịn, sáng hơn.

Urea và câu chuyện “nước thánh” trong làm đẹp

3. Sử dụng “nước thánh” trong skincare

Gần đây xuất hiện một phương pháp làm đẹp mới lạ sử dụng “nước thánh” để dưỡng da. Lý giải cho phương pháp này trong nước tiểu có urea (chiếm khoảng 60%) có công dụng dưỡng ẩm, trẻ hoá thay thế các loại mỹ phẩm.

Thoạt nghe có vẻ đúng. Urea mang lại nhiều lợi ích cho da, “nước thánh” chứa urea suy ra “nước thánh” thay thế mỹ phẩm. Nhưng cuộc sống không phải lúc nào cũng bắc cầu thuận lợi như vậy.

Đầu tiên “nước thánh” qua thận xuống bọng đái thành phần chủ yếu gồm nước, muối khoáng (muối, kali), urea và amoniac (5%). Đối với amoniac trong ngành công nghiệp hoá học được tổng hợp bằng cách nén và tinh lọc (purification) hydro rồi tạo amoniac bằng phản ứng xúc tác với khí nitơ.

Urea và câu chuyện “nước thánh” trong làm đẹp

Thực tế amoniac cũng tồn tại trong cơ thể của chúng ta. Phân tử này tạo ra sau quá trình tiêu hóa thức ăn nhờ rất hàng triệu vi khuẩn đường ruột.

Phần lớn chúng ta vẫn nghĩ “nước thánh” có mùi do amoniac. Tuy nhiên ở trong cơ thể loại nước này không hề có mùi. Chỉ khi thoát ra ngoài sẽ gặp vô số vi khuẩn, nấm, virus cư trú ở khu vực “kín đáo” cũng như môi trường bên ngoài khiến urea hay amoniac bị phân hủy gây nặng mùi.

Hơn nữa hệ bài tiết là quá trình chất thải trao đổi chất được loại ra khỏi một sinh vật, đã loại bỏ đâu còn chất dinh dưỡng để tái sử dụng. Không biết các cậu thế nào nhưng mình tin cơ thể người là bộ máy thông minh kỳ diệu biết lựa chọn dưỡng chất, bỏ đi thứ dư thừa, có khả năng chữa lành phục hồi.

Thứ hai cách thức bảo quản “nước thánh” trong chai, lọ, bình, hộp trong môi trường không vô khuẩn, “sản phẩm chính” cũng hoàn toàn không được vô trùng. Vậy sử dụng cho da mặt hoàn toàn có khả năng cao xảy ra tình trạng kích ứng, dị ứng.

Cuối cùng mùi hương là một yếu tố ảnh hưởng khá nhiều đến trải nghiệm sản phẩm. “Nước thánh” mùi hương đặc trưng không dễ chịu cho lắm. Nhiều khi đưa lên lại đặt xuống chẳng gắng được. Chừng ấy những nhược điểm chẳng có lý do gì gạt bỏ công sức, trí tuệ của rất nhiều bộ não nghiên cứu sản phẩm để quay về với sự thô sơ hết sức “trần trụi” ấy.

Xin lỗi các bạn, mình so sánh phương pháp làm đẹp này giống như vấn nạn bài trừ vaccine, đi ngược khoa học phát minh vĩ đại trở về thời kỳ nguyên thuỷ.

Đương nhiên mỗi cá nhân đều được quyền quyết định bản thân mình muốn làm gì. Tuy nhiên khi chưa có cơ sở, nghiên cứu khoa học chứng minh xin đừng phát tán khẳng định với cộng đồng những gì cá nhân mình nghĩ là ĐÚNG. Đôi lúc nên đặt cái tôi thấp xuống vì lợi ích của cộng đồng.

_______________

Các bạn có thể liên hệ với Dương thông qua những nền tảng dưới đây:

Fapage GlowInside&Out 

Instagram GlowInside&Out

Youtube Glowinsideout

_______________

Bài viết thuộc quyền sở hữu của Nguyen Thuy Duong và group Đồng Điệu. Đề nghị không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý của tác giả.

Bài viết độc lập, không được tài trợ bởi bất cứ nhãn hàng nào.