Chào mọi người, mình là Hằng – cây viết mới của Đồng Điệu.

Đầu tiên, là giai đoạn khám phá phát triển thuốc và tiền lâm sàng.

Đây là giai đoạn khá thú vị, đó là các nhà khoa học sẽ tìm kiếm, xác định các hoạt chất có tiềm năng trong điều trị bệnh. Từ hàng nghìn hoạt chất tiềm năng, sau khi chọn được một hoạt chất có triển vọng, họ sẽ tiến hành thí nghiệm để thu thập thông tin về dược động học, dược lực học, tương tác thuốc,…
Sau khi đã tìm kiếm xong công thức của hoạt chất chính, thì giai đoạn thử hoạt chất trên mô hình động vật được tiến hành để đánh giá tính an toàn và hiệu quả, từ đó chất có tiềm năng nhất sẽ được sử dụng để đến với giai đoạn tiếp theo. Đó là giai đoạn lâm sàng

1. Giai đoạn lâm sàng

Giai đoạn lâm sàng sẽ được chia thành 4 giai đoạn nhỏ và được thực hiện trên người, mỗi giai đoạn sẽ được dùng để trả lời các câu hỏi khác nhau trong quá trình nghiên cứu.

  • Giai đoạn 1: Thử nghiệm trên nhóm nhỏ người tình nguyện khỏe mạnh từ 10-80 người tham gia, để đánh giá tính an toàn, dược động học, liều lượng và để tìm được đường dùng phù hợp nhất cho hoạt chất. Giai đoạn này sẽ thường kéo dài từ vài tháng đến 1 năm. Theo FDA, khoảng 70% số hoạt chất sẽ được chuyển sang giai đoạn 2.
  • Giai đoạn 2: Thử nghiệm này nhằm đánh giá hiệu quả và an toàn của hoạt chất trong điều trị bệnh cụ thể. Số người tham gia ở giai đoạn này thường từ 100-300 và thường kéo dài từ vài tháng đến tận 2 năm. Tuy quy mô của giai đoạn này lớn hơn so với giai đoạn 1, nhưng dữ liệu thu thập được từ giai đoạn này vẫn chưa đủ lớn để xác định rủi ro tổng thể. FDA ước tính khoảng 33% hoạt chất sẽ đủ điều kiện đến với giai đoạn 3.
  • Giai đoạn 3: Thử nghiệm này hiệu quả và an toàn của hoạt chất, so sánh với thuốc tiêu chuẩn hoặc giả dược. Các bác sĩ sẽ so sánh phương pháp điều trị mới với phương pháp điều trị tiêu chuẩn bằng cách phân người bệnh thành từng nhóm khác nhau và nhận các phương pháp điều trị khác nhau. Từ đó, họ có thể dễ dàng so sánh được đâu là phương pháp điều trị tốt nhất, liệu phương pháp điều trị mới này có phải là phương pháp tối ưu hay không. Quy mô ở giai đoạn này từ hàng trăm đến hàng triệu người tham gia và tiến hành ở nhiều khu vực trên toàn cầu, kéo dài trong vòng nhiều năm. Khoảng 25-30% hoạt chất sẽ được chuyển sang giai đoạn cuối cùng, giai đoạn 4. (Khi đã chứng minh được độ an toàn và hiệu quả của thuốc thông qua giai đoạn 3 (hoặc thậm chí là giai đoạn 2) thì hoạt chất sẽ được đăng kí lên FDA thông qua để được chấp nhận sử dụng và đưa ra thị trường)
  • Giai đoạn 4: Ngay cả khi được FDA chấp thuận thì việc sử dụng thuốc ngoài thị trường vẫn cần tiếp tục được theo dõi trong thời gian dài trong các nghiên cứu giai đoạn 4. Các thông tin có thể thu được trong giai đoạn này đó là các tác dụng phụ xuất hiện sau thời gian dài sử dụng, hoặc các tác dụng khác được ghi nhận nằm ngoài tác dụng chính được ghi trên nhãn. Thông tin được tập hợp từ hiệu quả sử dụng thuốc của người bệnh trong thực tế. (Ví dụ như các vaccin dự phòng Covid-19, vì thời gian gấp rút nên quá trình nghiên cứu vaccin cũng được tiến hành nhanh gọn nhất có thể, tuy nhiên khi sử dụng trên người rồi thì vẫn được tiếp tục theo dõi và gần đây đã xuất hiện các bài báo đề cập về tác dụng phụ liên quan đến đông máu của hãng X chẳng hạn).

2. Giai đoạn xin cấp phép

Các hãng dược phẩm sẽ nộp hồ sơ xin cấp phép lưu hành thuốc cho cơ quan quản lý dược phẩm. Và nếu hồ sơ đáp ứng yêu cầu, cơ quan quản lý sẽ cấp phép lưu hành thuốc. Đây là giai đoạn hoạt chất chính thức được đưa vào quá trình sản xuất tại nhà máy.

  • Giai đoạn sản xuất: 
    Tại nhà máy hoạt chất sẽ trải qua một số các quy trình chính như:
    Kiểm nghiệm (QC) nguyên liệu đầu vào: bao gồm hoạt chất chính, tá dược, bao bì,…
    Nghiên cứu & phát triển thuốc (R&D): đây là giai đoạn các nghiên cứu viên phải lên công thức mẫu, kết hợp hoạt chất và tá dược để được một công thức đảm bảo về hiệu quả, độ ổn định, độ cứng,…để thuốc phát huy đúng tác dụng và ổn định suốt thời gian lưu hành ngoài thị trường.
    – Sản xuất thuốc: dựa vào công thức mẫu do R&D cung cấp, bộ phận sản xuất sẽ tiến hành sản xuất ở quy mô lớn tại nhà máy theo quy trình GMP (Good Manufacturing Practice).
    – Kiểm định chất lượng (QC) bán thành phẩm: giai đoạn này các kiểm nghiệm viên sẽ kiểm tra về các yêu cầu liên quan đến nồng độ hoạt chất chính có đạt yêu cầu hay không, nồng độ các tạp chất, kim loại nặng có vượt ngoài ngưỡng cho phép hay không, nồng độ vi sinh vật có vượt ngưỡng cho phép không,…
    – Cuối cùng là đóng gói thành phẩm, bảo quản, lưu kho.
  • Giai đoạn phân phối:
    Thuốc sẽ được phân phối đến đến bệnh viện, nhà phân phối, nhà thuốc bán lẻ => đến tay người dùng.
    Tại Việt Nam, hiện nay đang tiến hành một giai đoạn khá mới đó là “Đánh giá công nghệ y tế – HTA (Health Technology Assessment). Đây là giai đoạn khi thuốc đã ra thị trường, được sử dụng một thời gian, các nghiên cứu riêng lẻ đánh giá về hiệu quả, chi phí, độ an toàn trên người dùng đã được thực hiện.
    Sau đó, các nghiên cứu viên sẽ tổng hợp các kết quả này, kết hợp với đánh giá khả năng chi trả của người bệnh dựa trên GDP đầu người tại Việt Nam. Nghiên cứu này sẽ cho thấy một bức tranh toàn cảnh về hiệu quả người bệnh sẽ đạt được và mức chi phí người bệnh cần chi trả trên 1 đơn vị hiệu quả là cao hay thấp, hợp lý hay không đối với người dùng. Để rồi từ đó các nghiên cứu này sẽ là căn cứ trình bày lên các cơ quan bảo hiểm xã hội, nếu nghiên cứu là có giá trị khoa học, thuốc sẽ được cơ quan bảo hiểm chi trả một phần, người bệnh chi trả một phần để được hưởng lợi từ thuốc.

Nhân tiện, mình bàn thêm một chút xíu về thực phẩm chức năng (TPCN). Chắc hẳn mọi người cũng đã từng nghe câu “Sản phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh” rồi đúng không? Đó là quy định BẮT BUỘC khi quảng cáo về các loại (TPCN) trên thị trường, để tránh nhầm lẫn với thuốc. Vì vốn dĩ các loại sản phẩm này không bị bắt buộc phải trải qua các giai đoạn và kiểm tra nghiêm ngặt giống như thuốc, nên vẫn có nhiều loại TPCN trên thị trường không thể đạt đủ tiêu chuẩn chất lượng như thuốc được.

Đây là toàn bộ bức tranh từ hoạt chất đến thuốc. Có thể thấy được quá trình từ lúc còn là hoạt chất đến khi thành thuốc và sử dụng trên người bệnh là một khoảng thời gian rất dài, chưa kể đến là các nghiên cứu giai đoạn 4 còn nghiên cứu trong quá trình sử dụng trên thị trường nữa. Hồi mình còn đi học, cô hay bảo để một kháng sinh ra đời có thể mất từ vài năm đến vài chục năm, rồi có khi vài chục năm sau mới phát hiện ra tạp chất X,Y nào đấy có trong thuốc có khả năng gây ung thư hoặc các tác dụng phụ nghiêm trọng khác thì lại phải thu hồi.

Đau lòng hơn đó là quá trình nghiên cứu ra kháng sinh mất thời gian rất dài như vậy, nhưng theo WHO Việt Nam lại là nước có tốc độ đề kháng thuốc thuộc nhóm cao nhất thế giới. Thế là các nhà khoa học lại phải tìm kiếm các hoạt chất mới, rồi phải đến vài chục năm sau mới có được kháng sinh thay thế được thuốc cũ hoặc có thể là KHÔNG. Nên việc sử dụng thuốc hợp lý, không lạm dụng không chỉ bảo vệ bản thân mà còn BẢO TỒN được các loại thuốc khó, thuốc hiếm trên thị trường, để khi CẦN còn có cái mà sử dụng nhen!

_____________

Bài viết thuộc quyền sở hữu của Hằng Võ và group Đồng Điệu. Đề nghị không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý của tác giả.

Bài viết độc lập, không được tài trợ bởi bất cứ nhãn hàng nào. Chỉ mang tính chất tham khảo. Không thể thay thế các nghiên cứu khoa học chính thống/hay lời khuyên y tế.