Có lẽ mọi người đã quá quen thuộc với người anh em “Corticoid”, khi mà nhiều năm liền nó luôn là một cái tên bị réo liên tục vì các tác dụng có hại trên da về lâu dài. Tuy nhiên, mình cũng phải công nhận một điều là hiệu quả mà nó mang lại nhanh hơn hẳn so với các loại mỹ phẩm trên thị trường. Đối với tâm lý một người đang có làn da có quá nhiều khuyết điểm, da tối màu và không có quá nhiều kiến thức chuyên môn thì có lẽ việc sử dụng một sản phẩm đem lại hiệu quả tức thì, giá không quá cao, chỉ cần sử dụng đúng một sản phẩm duy nhất có thể cải thiện mọi vấn đề về da thì mình thấy khá dễ hiểu để mọi người quyết định xuống tiền vào bước chân vào con đường “chơi Cor”. Vậy Corticoid hô biến làn da mình nhanh chóng dựa vào cơ chế nào?
Tổng quan: Corticoid là gì?
Đầu tiên, phải nói qua một chút xíu về xuất thân của corticoid trước ha.
Cortisol là một loại hormone steroid được sản xuất tự nhiên bởi vỏ thượng thận. Sau đó, Corticoid tổng hợp (có cấu trúc tương tự cortisol) ra đời, với hoạt tính mạnh hơn và kéo dài hơn. Dựa vào khả năng điều hoà các đáp ứng viêm và hệ thống miễn dịch của cơ thể thì corticoid từ lâu đã là một loại thuốc dùng để điều trị các bệnh có liên quan đến miễn dịch như: các bệnh có tình trạng viêm (như viêm khớp dạng thấp, viêm mũi dị ứng,...), các bệnh lý tự miễn, và điều trị viêm da tiếp xúc, chàm, vẩy nến trong da liễu. Vậy corticoid có thể làm da đẹp lên nhờ vào đâu?
Làm trắng da, “xoá nám, tàn nhang”
Cơ chế: Corticoid có khả năng ức chế quá trình sản xuất melanin, giúp làm giảm sắc tố da và bong sừng => làm mờ tăng sắc tố một cách nhanh chóng. Ngoài ra, khi mới sử dụng người dùng còn cảm nhận thấy da trắng rõ, nguyên nhân có thể giải thích là do Corticoid gây co mạch, làm trắng tức thì nhưng màu da là trắng xanh, kém khoẻ mạnh.
Hậu quả:
- Quá trình sản sinh sắc tố melanin bị dội ngược dẫn đến việc tăng sắc tố ồ ạt, nặng và khó điều trị hơn.
- Corticoid gây bào mòn da, ức chế sự tăng sinh tế bào đáy để di chuyển lên trên biểu bì thay thế tế bào sừng. Da sẽ trở nên mỏng hơn, lộ mạch máu dưới da, dễ tổn thương và nhạy cảm với các yếu tố bên ngoài hơn.

Da căng mọng, mờ nhăn nhanh chóng
Cơ chế: Corticoid gây giữ nước cho da, mang lại cảm giác da căng mọng, se khít lỗ chân lông và mờ nếp nhăn nhanh chóng.
Hậu quả: Quá trình này làm giữ nước trong khoảng gian bào nên sử dụng lâu dài sẽ gây phù da, sưng, phù nề, cản trở quá trình tái tạo, làm suy yếu khả năng lành thương của da.
Giảm tiết dầu, bã nhờn
Cơ chế: Corticoid làm co các mạch máu nhỏ dưới da, giảm cung cấp máu và dưỡng chất cho tuyến bã nhờn nên làm ức chế hoạt động của tuyến bã nhờn. Viêm nhiễm cũng là một trong những nguyên nhân gây tăng tiết dầu nhờn nên khi ức chế phản ứng viêm, corticoid gián tiếp giúp giảm tiết dầu.Hậu quả: Thời gian đầu Corticoid làm co mạch các mạch máu nhỏ nông, sau một thời gian sẽ làm giãn mạch kéo dài, dẫn đến hiện tượng da dễ đỏ, nóng và nổi nhiều mạch máu hơn.
Trị mụn
Cơ chế: Mình có thể hiểu nôm na là khi có sự xâm nhập của các tác nhân có hại trên da như vi khuẩn, vi nấm… => Các yếu tố miễn dịch sẽ được kích thích => Quá trình viêm xảy ra dẫn đến hình thành mụn viêm (sưng, nóng, đỏ đau). Khi sử dụng corticoid làm:
- Ức chế miễn dịch => Quá trình viêm trên da không được biểu hiện.
- Giảm tốc độ phân chia tế bào => Giảm sừng hoá, bít tắc lỗ chân lông
- Co mạch máu dưới da => Giảm sưng, đỏ da
Hậu quả: Do ức chế corticoid kéo dài làm các quá trình sinh lý trên da không diễn ra bình thường, da yếu hơn, hệ miễn dịch bị ức chế kéo dài => Dễ nhiễm vi khuẩn, vi nấm... dẫn đến mụn viêm, mụn trứng cá xuất hiện không kiểm soát kèm triệu chứng sưng, ngứa rát, khô ráp, châm chích. Bên cạnh đó, Corticoid còn giảm sự phát triển của nguyên bào sợi, giảm tổng hợp collagen, elastin ở trung bì dẫn đến teo da.

Ngoài những hậu quả kể trên, corticoid không chỉ gây tác dụng phụ trên da mà còn ảnh hưởng tới tuyến thượng thận. Khi sử dụng corticoid ngoài da lâu ngày, trên diện rộng sẽ gây ức chế vỏ thượng thận sản sinh ra cortisol (một dạng của corticoid). Do đó, khi ngừng kem đột ngột => Vỏ thượng thận cố gắng “quá mức” để hoạt động trở lại sau một thời gian bị ức chế hoạt động => Hội chứng suy thượng thận cấp.

Ngoài ra, một số các tác dụng phụ toàn thân có thể kể đến như: loãng xương, hội chứng Cushing, tăng nhãn áp,...
Theo phân loại của Bộ Y tế, Corticoid là chất độc bảng B, được biết đến với tác dụng chống viêm mạnh mẽ nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Việc lạm dụng corticoid để điều trị các vấn đề về da thường dẫn đến tình trạng phụ thuộc và gây ra nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng. Hơn nữa, việc sử dụng corticoid chỉ mang lại hiệu quả tạm thời, không giải quyết được nguyên nhân gốc rễ của vấn đề và có thể khiến tình trạng da trở nên tồi tệ hơn trong tương lai.
Chỉ cần search từ khoá “Corticoid” thì những bài viết và những cảnh báo liên quan đến vấn đề Corticoid và các tác dụng thường gặp rất rất nhiều, nhưng mọi người vẫn chọn sử dụng nó vì “hiệu quả” thần tốc mà nó đem lại.
Rồi dẫn tới vòng lặp luẩn quẩn: Da không đẹp => Chơi corticoid (nghĩ rằng dùng một thời gian thôi, đủ đẹp rồi mình cai) => Cai corticoid không hợp lý, không kiên nhẫn nổi, xuất hiện nhiều vấn đề về da => Tiếp tục sử dụng và phụ thuộc vào Corticoid => Dẫn đến nhiều tác dụng phụ toàn thân sau một thời gian dài sử dụng.
Nên chốt lại một điều, đối với mình nếu đã có một làn da đủ khoẻ dù có một vài phần khuyết điểm thì mình chọn cách hài lòng với nó song song với chăm sóc da khoa học, nếu có một làn da không đủ khoẻ, nhiều khuyết điểm, tự ti thì cứ tìm thẳng người có chuyên môn lun cho an toàn.
Tất nhiên, quá trình thử và sử dụng cho đến khi có hiệu quả là một quá trình dài, tốn nhiều thời gian và tiền bạc nhưng kết quả này là xứng đáng. Đừng vì ham một làn da căng bóng, trắng mịn, như em bé, bla bla mà sử dụng corticoid bừa bãi, đánh đổi sức khoẻ của bản thân, tới khi đó có tiền chạy chữa cũng chưa chắc lấy lại được làn da và sức khoẻ ban đầu đâu nè.
_______________
Thông tin liên hệ
- Facebook: https://www.facebook.com/hangvo
_______________
Bài viết thuộc quyền sở hữu của Hằng Võ và group Đồng Điệu. Đề nghị không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý của tác giả.
Bài viết độc lập, không được tài trợ bởi bất cứ nhãn hàng nào.
Discussion