Xem clip tóm gọn nội dung tại: ĐÂY
@latrang.co Có thực sự cần bôi Vitamin C 15–20%/ vitamin C trên 20%? #vitamincserum #vitaminc #vitc #vitcserum #serumvitaminc #vitaminc20 sertrangskincaretoigian #latrang #beautytok #goclamdep #learnontiktok
Trong bài viết này, Trang sẽ chỉ ra những lý do vì sao Trang không ủng hộ việc bôi Vitamin C nồng độ cao và sẽ nêu cách Trang chọn một sản phẩm Vitamin C. Các Đồng Điệu đọc xem thử quan điểm có giống Trang không nhé!
I/ Trang không ủng hộ việc bôi Vitamin C nồng độ cao hơn 20% tại nhà
Sở dĩ Trang không ủng hộ là vì các nghiên cứu về Vitamin C đáng tin cậy mà Trang tìm thấy mới chỉ dừng lại ở nồng độ từ 20% trở xuống. Chưa kể, dùng nồng độ cao sẽ dẫn tới bão hòa hoạt chất trong khi da chỉ có ngưỡng hấp thu nhất định chứ không phải cứ tấp gì lên nó cũng hấp thụ, chuyển hóa hết.
Ví dụ, một số loại serum Vitamin C có chứa Axit Ascorbic (một dạng Vitamin C dễ bị oxy hóa). Khi Axit Ascorbic được bôi lên da, nó sẽ bị phân hủy và biến thành một số chất có lợi cho da. Nhưng nếu bị dư thừa, Vitamin C sẽ trải qua một loạt phản ứng biến đổi trở thành erythrulose – một thành phần key có trong các sản phẩm làm rám màu da.
Không dừng lại ở đó, Erythrulose phản ứng với các protein trong sừng chết trên da để tạo thành hợp chất màu nâu có tên là Melanoidin. Những Melanoidin này lưu lại trên da của bạn và làm cho da có màu nâu cho đến khi các tế bào chết bong ra. Nên đừng nghĩ mấy mảng vàng trên da cứ rửa đi là hết đâu nha.
Tiến sĩ Michelle Wong (Lab Muffin) cũng có phân tích rõ về hiện tượng này, bạn nào muốn tìm hiểu chi tiết thì đọc ở đây nghen: https://labmuffin.com/vitamin-c-can-stain-skin-avoid/
Điều này giải thích vì sao có nhiều người dùng Vitamin C nồng độ cao thời gian đầu cảm thấy da sáng hơn, mờ thâm rất nhanh nhưng sau vài tuần da bị vàng hoặc tệ hơn là sạm xỉn. Nhiều trường hợp người dùng không nghĩ da bị vậy là do sản phẩm Vitamin C mà lại đi truy soát các nguyên nhân từ các sản phẩm khác mà mình mới sử dụng.
Tóm lại:
Trang thực sự không thích tư tưởng của một số brand là muốn chạy đua nồng độ hoạt chất để tỏ ra mình “treat” mạnh đô, mình hiệu quả hơn đối thủ. Nếu họ không dùng nhiêu đó thật mà “bùa” thì cũng dở. Mà nếu cho là có dùng nồng độ cao như công bố thật, một thời gian khách quay qua phàn nàn mặt vàng như nghệ cũng dở nốt :))
Điều này làm Trang nghĩ tới câu “đốt tiền nấu trứng tỏ ra mình giàu” :)))
II/ Trang cũng không chọn Vitamin C nồng độ cao 15 – 20% (dù không bác bỏ)
Từ khi bác Sheldon Pinnell (founder Skinceutical) làm kha khá thí nghiệm về Vitamin C, đặc biệt là dạng LAA từ thí nghiệm về độ thấm, nồng độ hiệu quả… thì tỉ lệ 15 – 20% đã thành “khuôn vàng thước ngọc” với việc bào chế Vitamin C.
Trang đọc nhiều bài thấy các bạn nhận định Vitamin C phải trên 10% mới có hiệu quả. Nhưng có một vấn đề mà Trang thấy hay bị lờ đi là các nghiên cứu này phần lớn được thực hiện trên lợn Yorkshire.
Có những điểm chưa thuyết phục được Trang như sau:
– Thứ nhất, da lợn thì vẫn khác da người nên không thể quy chụp là một để đưa ra kết luận tương tự kết luận của nghiên cứu lâm sàng được.
– Thứ hai, các thí nghiệm này được Sheldon Pinnell thực hiện bằng cách lấy da lợn cho vào Hill Top Chamber. Đây là một hệ thống buồng nhựa đúc đã được cấp bằng sáng chế. Và việc sử dụng Hill Top Chamber sẽ giúp tăng cường độ thẩm thấu hoạt chất vào da hơn so với thực tế. Thế này làm cho thí nghiệm về Vitamin C thì chưa đủ khách quan rồi.
– Thứ ba, điều kiện sống của những con lợn trong nghiên cứu không được mô tả. Vì vậy, có thể chúng không được tiếp xúc với ánh sáng ban ngày tự nhiên. Trong khi đó, tia cực tím làm tăng sản sinh gốc tự do trong da, đồng thời làm cho Axit Ascorbic bị oxi hóa nhanh chóng hơn.
Nếu thực tế lợn trong thí nghiệm không tiếp xúc với ánh sáng thật thì đương nhiên hiệu quả của hoạt chất Vitamin C cũng sẽ được bảo toàn và phát huy tác dụng cao hơn so với lợn dùng Vitamin C và có tiếp xúc ngoài ánh nắng. Tác giả không mô tả rõ ràng thì sao đủ cơ sở để so sánh, kết luận?
Không chỉ Trang mà nhiều người khác cũng thấy các thí nghiệm trên lợn này chưa đủ thuyết phục. Tiêu biểu là Anh Stephen – Một nhà bào chế mỹ phẩm cũng “bắt bẻ” những khúc mắc trong các nghiên cứu này. Đồng điệu nào muốn đọc thì Trang để link đây nhé, rảnh thì dịch mọi người nghe chơi với :))
https://www.kindofstephen.com/skin-penetration-of-ascorbic-acid/
Tếu hơn là cuối bài ảnh còn bonus thêm câu: Vì vậy, nếu bạn thấy một tuyên bố tương tự như “15% Vitamin C ở độ pH 3,5 là nồng độ hiệu quả nhất”, hãy tưởng tượng tôi bên cạnh bạn thì thầm “…cho lợn.”
Đọc xong Trang muốn gửi anh câu: “Anh giơ cái nách lên coi, thâm quá thâm rồi :))”
Có 1 nghiên cứu lâm sàng cũng của Sheldon Pinnell, để kiểm tra khả năng chống tác hại của tia UV với công thức huyền thoại (Vitamin C – Vitamin E – Ferulic) của nhà Skinceu: 15% LAA – 1% Alpha-Tocopherol – 0,5% Ferulic Acid.
Nghiên cứu này chỉ thí nghiệm trên 9 người tình nguyện viên, một con số khá khiêm tốn. Mà kệ đi, có còn hơn không, brand làm được tới đó là cũng có tâm rồi.
Link nghiên cứu: https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/18603326/
Ngoài ra tính tới hiện tại, Trang cũng chưa tìm ra được các nghiên cứu lâm sàng tương đương khác. Trong khi đó, nghiên cứu lâm sàng về Vitamin C nồng độ từ 3 – 5% rất nhiều, hiệu quả ngon nghẻ.
Nghiên cứu lâm sàng về Vitamin C nồng độ từ 3 – 5%:
Một thử nghiệm ngẫu nhiên mù đôi đã được thực hiện để đánh giá hiệu quả lâm sàng khi sử dụng kem có chứa 5% Vitamin C trên da của 20 tình nguyện viên nữ khỏe mạnh ở độ tuổi từ 51 – 59 trong thời gian 6 tháng.
Kết quả cho thấy so với giả dược, việc sử dụng kem chứa 5% Vitamin C giúp cải thiện đáng kể diện mạo lâm sàng của làn da bị tổn thương do ánh sáng và giảm nếp nhăn sâu hiệu quả.
Link nghiên cứu: https://onlinelibrary.wiley.com/doi/abs/10.1034/j.1600-0625.2003.00008.x
Tuy nhiên, Trang cũng có trao đổi với các Bác sĩ da liễu thẩm mỹ mà mình làm việc cùng, thì họ nói quan sát các bệnh nhân dùng Vitamin C 10 – 15 – 20% có hiệu quả. Đặc biệt sau điều trị nám, dùng duy trì như vậy thì thấy da căng và đỡ tái nám hơn. Nên ai hợp nồng độ này thì cứ xài ngheng.
Riêng cá nhân Trang vẫn không chọn dùng nồng độ này lâu dài. Vì càng về sau Trang càng chú trọng đến tính tối ưu. Ít hơn mà vẫn hiệu quả ngang bằng thì mình xài ít hơn.
Xem thêm: Nồng độ càng cao, hoạt chất càng mạnh? Bạn có đang bỏ qua yếu tố độ pH trong mỹ phẩm?
Nó giống như việc đi du lịch của Trang ấy. Ngày xưa 1 cái vali to đùng luôn dư thừa đồ chỉ để thấy yên tâm là mình không mang thiếu. Bây giờ chọn lọc kỹ càng để mang 1 cái vali nhỏ xíu vẫn thoải mái là mình mang đầy đủ.
III/ Cách Trang chọn Vitamin C
Trang không phải fan Vitamin C nên không bôi thường xuyên. Nhưng chắc sắp tới sẽ xài đều hơn, tuổi già đang rình mò dưới gầm giường rồi :))
Vậy cuối cùng nên dùng Vitamin C nồng độ bao nhiêu? Và chọn sản phẩm Vitamin C như nào?
Câu trả lời của cá nhân Trang là:
– Xài hèn hèn 3 – 5% thôi, tầm nồng độ này nghiên cứu đã chứng minh hiệu quả đầy rồi, sài chi lắm :))
– Xài loại Vitamin C nào mà được khuấy chung vào hũ kem, lọ tinh chất với các chất chống oxy hóa ngon nghẻ khác là được.
– Xác định xài Vitamin C là lâu dài, xài vì hy vọng nên cứ thong thả mà xài. Chủ yếu để chống già. Chứ để sáng da, mờ thâm nám thì thiếu gì chất hơn Vitamin C mà cứ phải đâm đầu vào nó.
– Trang cũng sẽ không mua 1 chai Vitamin C tiền triệu (nhưng ai cho thì vẫn xin được lấy). Đặc biệt, mấy chai Vitamin C dạng vòi serum nhỏ giọt là “say no” luôn. Thiếu gì cách để đẹp mà cứ phải xài tới nửa chai Vitamin C là đau khổ vì nó đổi màu, đấu tranh tâm lý nên dùng tiếp nay không?
Ngay cả với các phái sinh khác được quảng cáo bền hơn hay có bọc thì Vitamin C nó vẫn cứ oxy hóa, chúng ta chưa giải quyết được câu chuyện này hoàn toàn.
Cuối cùng, vẫn là vài dòng nhắn quen thuộc. Trang rất mong nhận được những quan điểm của mọi người về chủ đề này để có thêm nhiều góc nhìn. Hoặc nếu các bạn có chủ đề nào đó hay ho thì có thể đặt vấn đề để chúng ta cùng nhau bàn luận nhé!
Discussion