Theo đuổi khoa học tế bào gốc từ 2 năm trước, nhận ra sự phức tạp khủng khiếp của nó với cơ thể người, đặc biệt là với làn da, đồng thời để mọi người có thể hiểu tường tận mọi thứ, Thiện chia ra làm 3 chủ đề chính liên quan mật thiết với nhau bao gồm: công nghệ tế bào gốcCytosignal  Miễn Dịch.

3 chủ đề này Thiện sẽ viết luân phiên lẫn nhau để cung cấp cái nhìn tổng thể và tuần tự làm quen trước khi Thiện viết hardcore về 1 chủ đề nhất định, như vậy các bạn sẽ dễ hiểu hơn và dễ hình dung được cuối cùng tế bào gốc tác động thế nào đến làn da và tương lai của công nghệ tế bào gốc đến da liễu thẩm mỹ.

Chủ đề lần này là Cytosignal. Vấn đề hot hit của thị trường hiện tại: Cytokines, Growth Factor (Yếu tố tăng trưởng) và Exosomes.

Cytosignal là gì?

Cyto – tế bào, signal – tín hiệu. Cytosignal là tín hiệu tế bào, ám chỉ 1 loại ngôn ngữ giữa các tế bào với nhau. Điều thú vị là các tế bào trong cơ thể chúng ta cũng có ngôn ngữ riêng và dựa vào tín hiệu này, các tế bào sẽ có những hành động cụ thể.

  • VD như kích thích đổi mới thượng bì là do các tế bào biểu bì nhận tín hiệu tăng sinh tế bào

  • VD như tiểu cầu trong máu nhận tín hiệu di chuyển đến vết thương để tiến hành cầm máu

Bản chất các tín hiệu này là 1 phân tử peptide hoặc protein được sản xuất bởi các tế bào khác nhau trong cơ thể, và một phần trong số đó có Cytokine & Growth Factor

Vậy ngôn ngữ này hoạt động như thế nào?

Nó thật sự phức tạp, tuy nhiên mình sẽ giải thích đơn giản bằng mô hình phối tử – thụ thể (ligand – receptor) cho mọi người dễ hiểu.

cytosignal-yeu-to-tang-truong

Khi tế bào tiết ra 1 phân tử tín hiệu, phân tử này sẽ gắn vào những thụ thể đặc hiệu của nó trên màng tế bào của tế bào khác hoặc chính nó. Sau đó, bên trong tế bào chứa thụ thể đã gắn với phối tử (tín hiệu tế bào) sẽ thực hiện 1 hoạt động nào đó!

Nếu các bạn muốn hiểu rõ hơn về các con đường truyền tín hiệu, có thể truy cập đây

Một số tín hiệu điển hình

– IL: Interleukin (Inter – giữa, leukin – bạch cầu), ban đầu IL được phát hiện là tín hiệu do các tế bào bạch cầu tiết ra và gắn trên thụ thể các tế bào bạch cầu khác. Song sau này các nhà khoa học nhận ra ko chỉ tế bào bạch cầu tiết IL mà còn các tế bào khác nữa. Nhưng đã lỡ đặt tên là Interleukin rồi nên cái tên giữ luôn đến giờ.

  • EGF: Epidermal Growth Factor: yếu tố tăng trưởng biểu bì

  • FGF: Fibroblast Growth Factor: yếu tố tăng trưởng nguyên bào sợi

  • IGF: Insulin-like Growth Factor: yếu tố tăng trưởng giống Insulin

  • TGF: Transforming Growth Factor: yếu tố tăng trưởng biến đổi

  • PDGF: Platelet Derived Growth Factor: yếu tố tăng trưởng có nguồn gốc từ tiểu cầu

  • VEGF: Vascular Endothelial Growth Factor: yếu tố tăng trưởng nội mô mạch máu

Các tín hiệu này là các tín hiệu điển hình liên quan đến thẩm mỹ da (một số liên quan đến quá trình lành thương, một số liên quan đến các tình trạng viêm như mụn, kích ứng, …). Chúng đều có các chức năng riêng và khi gắn trên các thụ thể của các tế bào khác nhau sẽ dẫn đến các phản ứng khác nhau của tế bào

– VD như VEGF: đây là yếu tố tăng trưởng sản xuất nhiều bởi tiểu cầu trong giai đoạn đầu tiên của quá trình lành thương với mục đích là hình thành mạch máu mới cung cấp chất dinh dưỡng cho các tế bào thực hiện quá trình lành thương. Song song đó, trên tế bào melanocyte cũng có các thụ thể với VEGF. Khi VEGF gắn vào thụ thể của melanocyte thì tế bào này tăng sinh melanin làm cho vị trí da đó tối màu đi. Điều này cũng giải thích 1 phần cơ chế của Tranexamic acid – 1 chất điều trị sắc tố khá thông dụng với khả năng ức chế sản sinh VEGF và gắn cạnh tranh với thụ thể VEGF – giúp làm giảm thâm đỏ (giảm hình thành mạch máu mới) và giảm thâm đen (giảm sự kích thích hoạt động melanocyte)

Các con đường truyền tín hiệu

Hầu như tất cả các tế bào trong cơ thể chúng ta đều tiết ra các tín hiệu trên và các tín hiệu sẽ gắn với thụ thể của tế bào tiếp theo. Phân loại theo khoảng cách mà tín hiệu đi đến có 3 con đường chính của việc truyền tín hiệu này (hình 2):

1. Autocrine: Tín hiệu của tế bào sản xuất gắn trên thụ thể của chính nó

2. Paracrine: Tín hiệu của tế bào sản xuất gắn trên thụ thể của tế bào lân cận

3. Endocrine: Tín hiệu của tế bào sản xuất gắn trên thụ thể của tế bào ở xa (thường là theo dòng máu đến tế bào khác)

(Nói vui thì Autocrine giống đang tự kỉ với bản thân, Paracrine thì là hẹn bạn bè đi cà phê tám chuyện, còn Endocrine là gọi điện thoại cho người thân)

yeu-to-tang-truong

Trong các con đường trên thì paracrine là con đường hoạt động chính của các MSC. (mọi người đón xem bài viết công nghệ tế bào gốc P2 nha). Như bài công nghệ tế bào gốc (P1) Thiện có nói: sức mạnh của các MSC nằm ở chất tiết của nó – chính là Cytokine, Growth Factor & Exosome

Cách các Cytokines và Growth Factors thể hiện trên bảng thành phần sản phẩm

Bạn vớ thử 1 sản phẩm mà bao bì ghi có chứa FGF hay EGF đi, xong bạn đọc trên Ingredient list xem có cái gì là FGF hay EGF ko?

Đây là trang giúp bạn tra cứu được FGF, EGF có tên INCI thể hiện trên Ingredient List là gì … Các Cytokine và GF có tên được chuyển thể thành tên INCI là Sh-oligopeptide hoặc Sh-polypeptide đi kèm 1 con số sau đó. VD như Sh-Oligopeptide 2 => IGF1

Đọc lại sản phẩm của bạn xem nè: có Sh-Polypeptide 1, Sh-Oligopeptide 1 ko?

Nếu không thì bạn có quyền nghi ngờ sản phẩm của mình có FGF hay EGF không nhé? 

Viết tới đây mình cảm giác thật sự đang quá hardcore rồi nên mình dừng nhé, phần 2 của loạt bài Cytosignal mình sẽ viết về Exosome (quá ư là đình đám)

Điều mình thật sự mong khi các bạn đọc bài mình là các bạn có thể hiểu rõ hơn về các thứ hay ho hót hit. Bây giờ mình sẽ đề cập đến 2 vấn đề thực tế mà mkt dẫn dắt thị trường quá nhiều khiến chúng ta bị hoa mắt khi nhắc về nó nhé.

yeu-to-tang-truong

1. Yếu tố tăng trưởng có nguồn gốc từ thực vật?

Trước tiên cần làm rõ là tế bào thực vật không sản xuất ra Cytokine mà sản xuất Cytokinin – 1 loại ngôn ngữ mà các tế bào thực vật trao đổi với nhau, KHÔNG PHẢI LÀ TẾ BÀO NGƯỜI. Các yếu tố tăng trưởng người có nguồn gốc thực vật là do có tác động của con người thông qua công nghệ gen (công nghệ DNA tái tổ hợp – Ứng dụng lớn nhất của công nghệ này là sản xuất Insulin dựa vào vi khuẩn E.coli) đã chuyển đoạn gen mã hóa yếu tố tăng trưởng đó vào trong gen của loại cây nhất định.

Như vậy, bản chất của việc thu thập yếu tố tăng trưởng kiểu này thiên hướng về Dược phẩm nhiều hơn vì chỉ thu được 1 yếu tố tăng trưởng với hàm lượng cao. Dùng cho sản phẩm skincare hằng ngày được không? => Với mình là không nên! Cái gì nhiều quá cũng đều không tốt trừ khi chúng ta bị thiếu hụt dẫn đến bệnh tật.

2. EGF – có thật sự là hoạt chất thần thánh?

Tiếp nối câu chuyện của vấn đề 1, rất nhiều sản phẩm trên thị trường đều có thành phần này, một số còn đặt tên sản phẩm theo thành phần này luôn

EGF – như cái tên của nó, hoạt động như 1 chất làm tăng sinh lớp biểu bì mới. Đây là thứ cực kỳ có ý nghĩa trong các liệu pháp thẩm mỹ, đặc biệt nhất là peel sâu vì khi peel lấy đi phần lớn các lớp biểu bì bên trên

Tuy nhiên để skincare bình thường các bạn có cần 1 sản phẩm chứa EGF không???

Mình kể bạn nghe 1 câu chuyện, bạn có biết EGF còn được ứng dụng để lấy lông cừu 1 cách hiệu quả hơn không?

Việc này được giải thích là do EGF giúp tăng độ dày lớp biểu bì lên khiến nó chèn ép lỗ chân lông và như thế sợi lông sẽ bị giảm bán kính và mỏng dần thành lông tơ.

Việc lấy lông cừu truyền thống bằng tông đơ khiến quá trình lấy lông cừu rất lâu, và phần lông cừu thu được không liền mạch (do lấy bằng tông đơ thì bề ngang của lưỡi tông đơ sẽ quyết định bề ngang của lớp lông thu được). Các nhà khoa học đã tiêm EGF vào các con cừu chuẩn bị lấy lông trước 5-10 ngày và kết quả lông cừu được thu hoạch thành từng mảng lớn cực kỳ dễ dàng vì phần lông tơ rất dễ bong ra. Bạn có thể xem bài báo này để biết nhé!

Nói đến đây mọi người hiểu ý Thiện không? Dùng theo chỉ định của Bác sĩ => nó rất hợp lí. Còn skincare hằng ngày à? Hãy cẩn thận lông mi và lông mày của bạn!

_______________
Bài viết thuộc quyền sở hữu của DS. Đỗ Phú Thiện và group Đồng Điệu. Đề nghị không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý của tác giả.
Bài viết độc lập, không được tài trợ bởi bất cứ nhãn hàng nào.
_______________

Nguồn tham khảo

1. Jian-Wei Zhu, Ya-Jie Ni, Tranexamic Acid Inhibits Angiogenesis and Melanogenesis in Vitro by Targeting VEGF Receptors, Int J Med Sci, 2020; 17(7): 903–911

2. Toan V. Phan, Yamin O, Plant molecular farming-derived epidermal growth factor revolutionizes hydrogels for improving glandular epithelial organoid biofabrication, SLAS Technology, Vol 28, Issue 4, August 2023,P. 278-291